'Giải cứu' tàu cá mắc cạn sau bão số 13

Rạng sáng ngày 15-11, bão số 13 đi qua vùng biển Thừa Thiên Huế với sức gió cấp 9-10, giật cấp 12. Nước biển dâng cao, sóng lớn và gió mạnh khiến 13 tàu, ghe bị chìm và sóng đánh lên bờ khi neo đậu tại các âu thuyền thuộc huyện Phú Vang. Ngay sau khi bão tan, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An và Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế đã nhanh chóng triển khai lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương và ngư dân tổ chức 'giải cứu' các tàu bị nạn để ngư dân có thể sớm tiếp tục bám biển, vươn khơi.

Tàu BP 31-04-02 và các tàu cá của ngư dân hỗ trợ giải cứu tàu TTH 99999TS bị mắc cạn tại đập Hòa Duân. Ảnh: Trúc Hà

Tàu BP 31-04-02 và các tàu cá của ngư dân hỗ trợ giải cứu tàu TTH 99999TS bị mắc cạn tại đập Hòa Duân. Ảnh: Trúc Hà

Lý giải cho việc bão số 13 tuy không đổ bộ vào đất liền tỉnh Thừa Thiên Huế nhưng khiến nhiều tàu neo đậu trong các âu thuyền bị chìm, Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết: “Cơn bão số 13 có cường độ mạnh, vùng ảnh hưởng rộng, khi tới vùng biển Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế có sức gió đạt cấp 9-10, giật cấp 12 (75-100km/giờ). Từ 5 giờ chiều ngày 14-11, khu vực cửa biển Thuận An đã có gió cấp 7-8, nước từ trên thượng nguồn các sông Hương, Ô Lâu và Bồ đổ về phá Tam Giang tạo dòng chảy xiết. Càng về khuya thì gió càng lúc càng mạnh, mực nước biển dâng cao tràn vào bờ. Từ khoảng 1 đến 4 giờ, ngày 15-11, bão số 13 áp sát, quần đảo vùng biển Thừa Thiên Huế. Thêm nữa, bão số 13 có cường độ mạnh, nhưng tốc độ di chuyển chậm (chỉ 15-20km/giờ) nên gió bão cứ vần vũ, khiến các tàu thuyền neo đậu trong các âu thuyền Hải Tiến, Phú Hải, Phú Thuận va đập vào nhau, nhiều chiếc bị chìm, một số khác bị sóng đánh rê neo dạt lên bờ mắc cạn”.

Sau khi bão số 13 đi qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế nhanh chóng tổ chức lực lượng nắm tình hình tàu thuyền bị chìm, mắc cạn trên địa bàn và lên phương án phối hợp với chính quyền địa phương, chủ tàu để tổ chức cứu hộ, cứu nạn. Qua thống kê, trên địa bàn quản lý có 13 tàu, trong đó, 9 tàu ở âu thuyền Hải Tiến (có chiều dài dưới 16m, hoạt động ở vùng lộng) bị chìm và 4 tàu đánh bắt xa bờ bị sóng đánh rê neo mắc cạn ở đập Hòa Duân và âu thuyền Phú Hải.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Vang đề nghị Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế điều tàu của Hải đội 2 hỗ trợ ngư dân cứu kéo các tàu mắc cạn vì mực nước tại các âu thuyền đang rút, cần triển khai nhanh nếu không, tàu mắc cạn sâu hơn.

Trung tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho biết: “Địa bàn phụ trách của đơn vị có nhiều âu thuyền, tập trung các tàu, thuyền trong tỉnh về neo đậu. Sau bão số 13, lượng tàu bị chìm và mắc cạn của ngư dân nhiều. Ngay sau khi bão tan, chúng tôi phối hợp với Hải đội 2, chính quyền địa phương thống nhất phương án cứu người trước, sau đó cứu tài sản của ngư dân. Tại âu thuyền Hải Tiến, tàu cá TTH 99911TS của ông Nguyễn Cường bị sóng đánh và khiến nhà của bà Lê Thị Xuyên ở gần đó bị sập 2/3 nhà. Đơn vị, địa phương và gia đình tổ chức kéo tàu xuống và sửa chữa nhà cho bà Xuyên để gia đình ổn định cuộc sống. Đối với 9 tàu bị chìm trong âu thuyền Hải Tiến, chúng tôi thống nhất phải nhanh chóng cứu kéo các tàu để hạn chế việc tràn dầu và phối hợp với các chủ tàu cứu kéo các tàu bị nhẹ trước, những tàu bị nặng, không có khả năng khắc phục thì trục vớt sau”.

Với phương châm “cứu tính mạng và tài sản của nhân dân là trên hết”, sau khi bão tan, có lệnh của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hải đội 2 điều tàu BP 31-04-02 và ca nô đi kéo tàu bị mắc cạn tại đập Hòa Duân. Suốt cả buổi sáng ngày 15-11, Thiếu tá Lê Văn Hải, Hải đội trưởng Hải đội 2 chỉ huy cán bộ, chiến sĩ đơn vị sử dụng tàu BP 31-04-02 và 1 ca nô để kéo tàu TTH 92099TS của ông Trần Phi bị sóng đánh rê neo dạt lên bờ đập Hòa Duân.

Ông Phi và các thuyền viên không giấu nổi niềm vui khi tàu cá của mình được tàu của Hải đội 2 cứu hộ. Điều đó cũng thật dễ hiểu vì với con tàu của ông Trần Phi có giá trị hàng tỷ đồng, chưa kể các khoản vay ngân hàng để đóng tàu. Nếu tàu không kịp thời được kéo xuống, nước rút nhanh sẽ phải thuê máy về “thổi” hoặc “bơm phao” sẽ rất tốn kém hoặc để lâu ảnh hưởng đến việc đi biển khai thác hải sản, chưa kể tàu có thể bị hư hỏng thì gia đình ông sẽ tổn thất rất nặng.

Tới 11 giờ trưa, chính quyền xã Phú Thuận tiếp tục đề nghị Hải đội 2 điều tàu tổ chức kéo tàu vỏ sắt TTH 99999TS của ông Trần Văn Chiến cũng bị sóng đánh rê neo lên bờ đập Hòa Duân. Tàu TTH 99999TS là “tàu 67” (đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ) đầu tiên của huyện Phú Vang, trị giá cả chục tỷ đồng. Vậy nên, khi bị mắc cạn sâu trong bờ, gia đình ông Chiến rất lo.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - ông Đặng Thế Tùy cũng trực tiếp ra hiện trường tham gia chỉ đạo kéo tàu TTH 99999TS. Vì tàu vỏ sắt nặng lại bị mắc cạn vào sâu trong bờ nên Thiếu tá Lê Văn Hải đề nghị chính quyền xã Phú Thuận huy động thêm các tàu cá khác đến hỗ trợ. Ông Đặng Thế Tùy đã yêu cầu chủ các phương tiện TTH 91727TS, TTH 90180TS, TTH 90666TS và TTH 92099TS vừa được “giải cứu” cùng tham gia hỗ trợ. Mặc dù trời mưa nhưng tất cả đều khẩn trương vì còn nhiều tàu cá khác đang cần được “giải cứu”.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giai-cuu-tau-ca-mac-can-sau-bao-so-13-post435204.html