Giai đoạn biến động của nước Anh: 2 vua, 3 thủ tướng trong hơn 1 tháng

Nhìn lại hơn một tháng qua, nước Anh chứng kiến loạt sự kiện mang tính lịch sử như cựu Thủ tướng Johnson bị hạ bệ, bà Liz Truss lên nắm quyền và từ chức chỉ sau 45 ngày. Cũng trong thời gian này, Nữ hoàng qua đời và nước Anh có tân vương sau 70 năm.

Ảnh: Stuff

Ảnh: Stuff

Thủ tướng Boris Johnson từ chức giữa áp lực nội các

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh bùng phát từ tối 5/7, sau khi Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid tuyên bố từ chức vì “không thể tiếp tục làm việc trong chính phủ" của ông Boris Johnson.

Tuyên bố trên chỉ diễn ra vài phút sau khi Thủ tướng Boris Johnson lên truyền hình xin lỗi vì đã bổ nhiệm nghị sĩ Christopher Pincher vào một chức vụ trong chính phủ dù được thông báo về một cáo buộc về hành vi sai trái tình dục của ông này. Ông Johnson thừa nhận ông đã phạm phải "sai lầm tồi tệ" khi đưa ra quyết định này.

Cựu Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức.

Ngay sau động thái từ chức của hai bộ trưởng trên, Chính phủ Anh bắt đầu chứng kiến sự xáo trộn chưa từng có. Truyền thông trong nước ước tính, đến 9h10 ngày 7/7, gần 60 người bao gồm hàng loạt bộ trưởng và quan chức cấp cao, quốc vụ khanh và ngay cả các đồng minh thân cận của ông Johnson đệ đơn từ chức, nhằm phản đối vị Thủ tướng này.

Ngay sau đó, Thủ tướng Boris Johnson đã tuyên bố từ chức để xoa dịu làn sóng phẫn nộ. Ông đồng thời cho biết sẽ chính thức rời đi khi đảng Bảo thủ tìm ra ứng viên mới cho chiếc ghế Thủ tướng.

Đã có nhiều chính trị gia Anh tuyên bố sẽ ra tranh chức thủ tướng, nhưng 2 cái tên cuối cùng đó là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss.

Nữ Thủ tướng Liz Truss và lời hứa thay đổi nước Anh

Ngày 5/9, Ngoại trưởng Liz Truss, 47 tuổi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo của đảng Bảo thủ và trở thành thủ tướng tiếp theo nước Anh. Theo đó bà Truss sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ ba của nước Anh, trước đó là bà Margaret Thatcher (từ năm 1979 - 1990) và bà Theresa May (từ 2016 - 2019). Bà cũng trở thành thủ tướng thứ 4 của đảng Bảo thủ kể từ cuộc bầu cử năm 2015.

Tân Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu tại số 10 phố Downing, thủ đô London, ngày 6/9. Ảnh: Reuters

Tân Thủ tướng Anh khi đó cho biết: “Tôi sẽ đưa ra một kế hoạch táo bạo nhằm cắt giảm thuế và phát triển nền kinh tế của chúng ta. Tôi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, giải quyết vấn đề hóa đơn điện của người dân cũng như những vấn đề dài hạn về nguồn cung năng lượng".

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, bà Liz Truss lên nắm quyền sẽ phải đối mặt với danh sách dài các thách thức của đất nước. Anh đang phải đối mặt với với cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, bất ổn công nghiệp và suy thoái. Khủng hoảng năng lượng đang đẩy nước này hướng tới cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua.

Thậm chí nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Bảo thủ David Davis đã mô tả những thách thức mà bà Truss phải đối mặt “có lẽ là khó khăn thứ hai trong các thủ tướng thời hậu chiến, chỉ sau thời bà Margaret Thatcher vào năm 1979”.

Nữ hoàng Anh bổ nhiệm thủ tướng cuối cùng trong cuộc đời

Chiều ngày 6/9, bà Liz Truss đã chính thức trở thành tân Thủ tướng Anh sau khi được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm trong một buổi lễ tại lâu đài Balmoral, Scotland. Bà Truss trở thành vị Thủ tướng thứ 15 được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm trong 70 năm trị vì. Thủ tướng đầu tiên dưới thời của bà là ông Winston Churchill.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II bắt tay bà Liz Truss tại lâu đài Balmoral, Scotland. Ảnh: Reuters

Cùng ngày ông Boris Johnson - người tiền nhiệm của bà Truss và vợ Carrie đã đến lâu đài Balmoral để diện kiến Nữ hoàng. Sau cuộc trò chuyện riêng, Nữ hoàng đã chấp nhận đơn từ chức của ông Johnson, chính thức kết thúc nhiệm kỳ thủ tướng.

Nữ hoàng qua đời và sự chuyển giao quyền lực sau 70 năm của Hoàng gia Anh

Chỉ 2 ngày sau khi bổ nhiệm tân Thủ tướng Anh, Cung điện Buckingham ngày 8/9 thông báo, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã qua đời tại lâu đài Balmoral ở Scotland, hưởng thọ 96 tuổi.

Sau khi Nữ hoàng qua đời, Thái tử Charles, con trai cả và là người thừa kế của Nữ hoàng, cựu Hoàng tử xứ Wales, đã lập tức trở thành Vua của Vương quốc Anh và 14 vùng lãnh thổ Khối thịnh vượng chung, lấy hiệu là Charles III.

Nước Anh tổ chức 10 ngày lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Sky News

Trước sự ra đi của Nữ hoàng, nước Anh đã khởi động kế hoạch tổ chức tang lễ cho bà, hay còn gọi là Chiến dịch Cầu London (Operation London Bridge). Theo đó, Anh cùng các nước trong khối Thịnh vượng chung bắt đầu 10 ngày quốc tang (từ ngày 9/9 đến ngày 19/9).

Ước tính khoảng 2.000 chức sắc và khách mời có mặt tại Tu viện Westminster để tham dự lễ tang Nữ hoàng vào ngày 19/9. Trong đó có khoảng 100 tổng thống, thủ tướng và lãnh đạo các nước trên thế giới tham dự, gồm vợ chồng Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Lễ quốc tang khép lại sau khi linh cữu của Nữ hoàng Elizabeth II được an táng trong Nhà nguyện Tưởng niệm Vua George VI, bên trong Nhà nguyện St. George. Đây cũng là nơi an nghỉ của cha bà là Vua George VI cùng mẹ bà, chồng bà là Hoàng thân Philip và em gái bà là Công chúa Margaret.

Vua Charles III sẽ làm lễ đăng quang vào năm 2023. Ảnh: Getty Images

Cung điện Buckingham mới đây thông báo, lễ đăng quang của Vua Charles III sẽ diễn ra vào thứ Bảy ngày 6/5/2023 tại Tu viện Westminter. Kế hoạch cho lễ đăng quang của nhà vua sẽ được biết đến với mật danh "Operation Golden Orb" (Chiến dịch Quả cầu Vàng).

“Tuần trăng mật chính trị” không trọn vẹn của Thủ tướng Liz Truss

Thủ tướng Liz Truss chính thức nhậm chức vào ngày 6/9, chỉ hai ngày trước khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Do đó bà đã tạm thời gác lại các kế hoạch hành động trong 10 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ vì cả nước tổ chức quốc tang cho Nữ hoàng.

Khởi động lại tuần làm việc mới, ngày 23/9, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng công bố chính sách kinh tế tham vọng mà Thủ tướng Liz Truss đề ra, bao gồm chương trình năng lượng khổng lồ, cắt giảm thuế sâu với hy vọng sẽ khởi động lại nền kinh tế đang đình trệ, thoát khỏi suy thoái và giúp người dân vượt qua hóa đơn năng lượng tăng cao.

Bà Truss tuyên bố từ chức tại số 10 phố Downing, chỉ sau 45 ngày đảm nhận chức Thủ tướng Anh. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, chính sách tưởng chừng như sẽ thúc đẩy nền kinh tế Anh của bà Truss, lại gây ra tác động ngược lại. Đồng bảng Anh sụt giảm xuống mức thấp nhất lịch sử so với đồng USD, thị trường trái phiếu hỗn loạn và quỹ hưu trí của Anh rơi vào tình trạng lâm nguy. Tình hình này khiến các phe đối lập và nhiều thành viên của đảng Bảo thủ đã lên tiếng phản đối, khiến bà Truss phải cố gắng thay đổi nhiều kế hoạch.

Đến ngày 14/10, trước áp lực chồng chất và sự xáo trộn của thị trường, Thủ tướng Truss đã buộc sa thải sa thải đồng minh thân cận nhất của mình là ông Kwarteng chỉ sau 38 ngày đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Tài chính.

Bà Truss sau đó đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt thay thế ông. Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Tài chính thông báo sẽ đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch giảm thuế của người tiền nhiệm, đồng thời xem xét lại chính sách giá nhiên liệu.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman – một trong 3 quan chức chủ chốt của chính phủ hôm 19/10 từ chức, càng khiến áp lực đè trên vai Thủ tướng Truss “như giọt nước tràn ly”.

Ngày 20/10, bà Liz Truss tuyên bố từ chức và thừa nhận đã “không thể hoàn thành nhiệm vụ đã cam kết, không thể đảm đương nhiệm vụ mà đảng Bảo thủ giao phó”. Bà cho biết đã thông báo cho Vua Charles III về quyết định này.

Sau tuyên bố của bà Liz Truss, trong tuần tới đảng Bảo thủ Anh sẽ tiến hành cuộc bầu chọn lãnh đạo mới và người này đồng nghĩa cũng trở thành tân thủ tướng Anh. Việc từ chức chóng vánh chỉ sau 45 ngày cũng khiến bà Truss trở thành người giữ chức thủ tướng ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.

Theo Ủy ban 1992 - cơ quan giám sát bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ, quá trình đề cử ứng viên sẽ bắt đầu từ ngày 20/10, trong đó mỗi ứng viên cần nhận được sự hậu thuẫn của ít nhất 100 nghị sĩ Bảo thủ. Đảng này có 357 nghị sĩ, do vậy chỉ có tối đa 3 ứng viên sẽ lọt vào vòng bỏ phiếu.

Ngày 24/10, các nghị sĩ Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để lựa chọn ra 2 ứng viên có kết quả cao nhất. Ngày 28/10, đảng Bảo thủ sẽ tiến hành bỏ phiếu để chọn ra người chiến thắng, kết quả chung cuộc sẽ được công bố cùng ngày.

Thủ tướng thứ ba là ai?

Một số ứng viên sáng giá cho chức Thủ tướng Anh. Ảnh: The Times

Hiện chưa ứng viên nào công bố sẽ tranh cử chức Thủ tướng, tuy nhiên truyền thông dự báo cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Penny Mordaunt, hai người đã chạy đua tranh cử đến những vòng cuối cùng hồi tháng 8, sẽ tiếp tục cuộc đua lần này. Ngoài ra, cựu Thủ tướng Boris Johnson cũng là cái tên được nhiều người nhắc đến khi mong muốn ông tranh cử trở lại.

Theo các chuyên gia, Thủ tướng tiếp theo của nước Anh sẽ tiếp tục đối mặt với hàng loạt thách thức sau khi bà Truss rời đi, từ việc vực dậy nền kinh tế và tài chính hỗn loạn, giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng, cũng như hàn gắn nội bộ đảng Bảo thủ trước sự chia rẽ và lấy lại niềm tin, sự tín nhiệm của dân chúng.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/giai-doan-bien-dong-cua-nuoc-anh-2-vua-3-thu-tuong-trong-hon-1-thang-post13044.html