Giai đoạn I vụ án Tập đoàn Vinashin: Truy tố 9 bị can

Ngày 17/11, theo tin từ Viện KSND tối cao, cơ quan này đã có cáo trạng quyết định truy tố 9 bị can trong vụ án cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Việt Nam (Vinashin).

Các bị can phải ra vành móng ngựa, gồm: Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty Viễn dương; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin; Trịnh Thị Hậu, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH một thành viên CNTT (VFC); Đỗ Đình Côn, nguyên Kế toán trưởng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh; Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên CNTT Cái Lân, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà - Quảng Ninh; Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long; Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT (VFC), nguyên Giám đốc công ty cho thuê tài chính CNTT; Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn VINASHIN, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty CNTT Nam Triệu.

Riêng 2 bị can: Hồ Ngọc Tùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên CNTT và Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vận tải viễn dương Vinashin đang bị truy nã quốc tế, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao đã làm rõ trách nhiệm của từng bị can trong vụ án này. Theo đó, Phạm Thanh Bình là bị can có vai trò tổ chức thực hiện tội phạm. Trong 5 dự án gây thất thoát hơn 910 tỷ đồng của Nhà nước, thì bị can Phạm Thanh Bình có "dấu ấn" ở 3 dự án lớn, gây thiệt hại hơn 852 tỷ đồng. Đó là Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen không thực hiện đúng chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng.

Trong Dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng, bị can Phạm Thanh Bình không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ, quyết định phê duyệt dự án không có trong quy hoạch phát triển ngành điện, không lập hồ sơ thiết kế, không tổ chức đấu thầu, đã cùng các bị can Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Đỗ Đình Côn gây thiệt hại hơn 296 tỷ đồng.

Một số đối tượng trong vụ án.

Còn tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân, bị can Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo Hồ Ngọc Tùng và Tô Nghiêm điều chỉnh tổng mức đầu tư trái qui định của Nhà nước, thông đồng với nhà thầu nước ngoài để nhập dây chuyền máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, không đúng thông số kĩ thuật theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án và cam kết trong hợp đồng giao thầu, gây thiệt hại hơn 66 tỷ đồng…

Viện KSND tối cao thống nhất quan điểm với Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an, áp dụng hình thức xử lý hành chính 20 trường hợp; xử lý bằng biện pháp khác 4 trường hợp. Liên quan đến các hành vi có dấu hiệu sai phạm của Ban Tài chính Tập đoàn Vinashin trong việc duyệt cho Công ty Hoàng Anh và Công ty Cửu Long vay vốn để sử dụng vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng, trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua máy móc, thiết bị cũ cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng của Công ty Cửu Long và bị can Nguyễn Tuấn Dương, cơ quan ANĐT - Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo qui định của pháp luật.

Trước đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tách vụ án "tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đã chuyển 7 vụ việc xảy ra tại các công ty con thuộc Tập đoàn này gây thất thoát khoảng 1.376 tỷ đồng đến cơ quan ANĐT Công an 7 tỉnh để điều tra theo thẩm quyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/phapluat/2011/11/160058.cand