Giai đoạn mới tốt đẹp hơn trong quan hệ Việt Nam-Myanmar

Chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng làm thắt chặt hơn mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Chiều 18/12, theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Myanmar từ ngày 16-18/12.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống U Win Myint trước khi vào hội kiến.

Thành công quan trọng của chuyến thăm thể hiện ở việc Việt Nam và Myanmar thống nhất nhiều văn kiện hợp tác quan trọng, định hình một tương lai hợp tác thực chất, chiều sâu giữa hai nước.

Chuyến thăm cũng thắt chặt hơn mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Myanmar.

Có thể nói đây là chuyến thăm mà hai bên đã chuẩn bị từ lâu, phía Myanmar nhấn mạnh là mong đợi chuyến thăm này nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước đi vào thực chất và hiệu quả hơn thời gian tới.

Tại thủ đô hành chính Nay Pyi Taw, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng thống Win Myint, hội đàm với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi và gặp Chủ tịch Quốc hội T Khun Myat.

Tại Yangon, Thủ tướng đã thăm cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar; thăm một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Myanmar - Việt Nam, Thủ hiến vùng Yangon…

Là đối tác quan trọng của nhau và có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phía Myanmar đã dành sự đón tiếp hết sức trọng thị, có nhiều thu xếp đặc biệt. Trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc cấp cao đều có nhiều bộ trưởng tham dự.

Tại chiêu đãi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam của Tổng thống Myanmar U Win Myint và Phu nhân đã có cả sự tham dự của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, hai Phó Tổng thống cùng Phu nhân.

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong suốt chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đăng Minh Khôi cho biết, tất cả mọi người đều cảm động về tình cảm của bạn trong đón tiếp, nghi thức rất trang trọng, nhưng quan trọng hơn cả là tình cảm thực sự trong từng cử chỉ đón tiếp, trong cử chỉ của Tổng thống và lãnh đạo cấp cao của bạn, trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc cấp cao hết sức chân thành. Bạn đều nhắc lại những kỷ niệm từ nhiều đời trong quan hệ 2 nước. Có thể nói thông điệp xuyên suốt trong chuyến thăm đó là Việt Nam-Myanmar là hai nước có truyền thống lâu đời được xây dựng từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Aung San.

Lãnh đạo hai bên khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước. Ở những nơi Thủ tướng ta đi thăm, tình cảm người dân của bạn cũng thể hiện hết sức chân thành. Chúng tôi hết sức tin tưởng và vui mừng về bước phát triển như vậy trong quan hệ Việt Nam-Myanmar.

Bên cạnh việc thắt chặt quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước, thì một kết quả quan trọng khác là hai bên đã thống nhất, đi đến ký kết nhiều văn kiện hợp tác nhân chuyến thăm này. Cụ thể là Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam – Myanmar giai đoạn 2019-2024; Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; lễ trao Công hàm sửa đổi Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông của hai nước.

Theo đó Công hàm sửa đổi Hiệp định miễn thị thực này thì Việt Nam miễn thị thực cho công dân Myanmar với thời gian dài hơn, thúc đẩy khách du lịch Myanmar thăm Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn Chính phủ Myanmar đã đồng ý nhập khẩu quả thanh long của Việt Nam theo mùa vụ; hoan nghênh Myanmar đề xuất khả năng thành thành lập một Khu Công nghiệp Việt Nam tại Myanmar và đề nghị các bộ ngành và doanh nghiệp hai nước nghiên cứu cụ thể.

Trong khi đó, Cố vấn Nhà nước Myanmar ghi nhận các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tiếp tục tạo thuận lợi, giảm bớt rào cản kỹ thuật hàng xuất khẩu Việt Nam; thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu Việt Nam cần xin giấy phép trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa khu vực đang phát triển; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam được đối xử công bằng, được tiếp cận nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh hơn tại Myanmar; đẩy nhanh tiến độ cấp phép, có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam; tạo điều kiện cho các văn phòng đại diện/chi nhánh của các ngân hàng Việt Nam hoạt động hiệu quả tại Myanmar.

Các nhà lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, viễn thông, khai khoáng, năng lượng, xây dựng…

Đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước sau chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết, bạn ghi nhận và đánh giá cao các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư vào Myanmar, đồng hành cùng Myanmar. Tất cả các đề nghị của Việt Nam thì bộ, ngành của bạn đang nghiên cứu.

Có một điều đặc biệt nhất mà bà Cố vấn Nhà nước Myanmar khẳng định, tháng 6/2020, bạn sẽ thông qua Luật đầu tư mới. Đây là cơ sở rất tốt tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar. Bạn cũng chú ý tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam có uy tín. Bạn rất mong muốn học tập kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam mà Chủ tịch Quốc hội của bạn rất ghi nhận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại cuộc họp báo.

Vui mừng về kết quả hội đàm với Cố vấn Nhà nước Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ tin tưởng chuyến thăm góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.

Theo Thủ tướng, điểm sáng nhất mà Việt Nam ấn tượng là thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh. Đến năm nay, thương mại hai nước đã đạt trên mức dự kiến 1 tỷ USD và nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh trong lĩnh vực này. Việt Nam là nước đầu tư nhóm đầu vào Myanmar với trên 20 dự án đầu tư.

Việt Nam đã thảo luận tháo gỡ các vấn đề đặt ra để thúc đẩy hợp tác đầu tư hơn nữa thời gian tới. Hai bên cũng thảo luận hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau ở các diễn đàn khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

"Tôi tin tưởng, chuyến thăm góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện, truyền thống giữa hai nước và nâng lên tầm cao mới trong giai đoạn sắp tới" - Thủ tướng cho biết.

Trong khi đó, Cố vấn Nhà nước Myanmar bày tỏ: "Myanmar vô cùng ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam đạt được. Ngài Thủ tướng vừa trao đổi với tôi, tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam chỉ còn 1,45%, một thành tựu đáng kinh ngạc. Điều này rất quan trọng với những quốc gia như Myanmar và Việt Nam, bởi nâng cao đời sống của người dân là mục tiêu cần quan tâm.

Myanmar mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực này. Myanmar cũng mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, nhất là khi hai nước có những điểm tương đồng về lịch sử và trải nghiệm tương đồng trong quá khứ. Đây là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Myanmar mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục thăm Myanmar nhiều hơn nữa".

Cùng với việc nhất trí hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó, Myanmar ủng hộ và hợp tác khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ.

Các nhà lãnh đạo hai nước nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và nỗ lực xây dựng COC hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar, một số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Myanmar. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp không xuất khẩu công nghệ lạc hậu mà hợp tác với nước bạn với công nghệ tiên tiến.

Các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đều cam kết tuân thủ pháp luật nước sở tại, đầu tư kinh doanh hiệu quả, mỗi doanh nghiệp cũng đóng vai trò là một cán bộ đối ngoại, để thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.

Thông tin vui là nếu như cách đây 3 năm chỉ có 100 doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar thì nay đã có 230 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Myanmar là 2,2 tỷ USD. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam đang tạo một hình ảnh đẹp đối với người dân Myanmar.

Có thể nói, chuyến thăm chính thức Myanmar của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thành công hết sức tốt đẹp, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, thống nhất hợp tác mạnh mẽ hơn trên nhiều lĩnh vực bằng những văn kiện hợp tác thực chất./.

Vũ Dũng/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/giai-doan-moi-tot-dep-hon-trong-quan-he-viet-nammyanmar-991466.vov