Giải đúng, hay các bài toán điển hình

Các bài toán điển hình là một trong những khó khăn lớn cho giáo viên và học sinh lớp 4; đặc biệt, học sinh phải hiểu được các thuật ngữ toán học để đưa ra cách giải cho phù hợp với từng dạng bài.

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm - Giáo viên Trường tiểu học Toàn Thắng (Hưng Yên) cho rằng, với dạng này, muốn có cách giải đúng, cách giải hay, học sinh phải thực hiện theo 4 bước của quy trình giải toán có lời văn.

Nắm vững dạng toán điển hinhc

Đó là: Tìm hiểu nội dung bài toán, tìm cách giải bài toán, thực hiện cách giải bài toán.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của giờ dạy - học Toán, giáo viên phải sử dụng các phương pháp dạy học sao cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh, tạo cho học sinh một nền nếp, phong cách học tập tốt.

Đặc biệt, để giải một bài toán có lời văn nói chung, bài toán điển hình ở lớp 4 nói riêng cần sử dụng phương pháp phân tích thường xuyên.

Phân tích có 2 dạng: Phân tích để sàng lọc, phân tích thông qua tổng hợp.

Hình thức thứ nhất được sử dụng khi tìm hiểu nội dung bài toán.

Hình thức thứ hai khó hơn và là hoạt động chủ yếu khi giải toán.

Trong phạm vi giải toán ở Tiểu học, khi dùng phương pháp phân tích, xuất phát từ câu hỏi chính của bài toán mà tách ra những phần điều kiện của bài toán, cần thiết cho việc trả lời câu hỏi chính.

Khi dùng phương pháp tổng hợp, gộp dần những phần riêng biệt của điều kiện bài toán, để cuối cùng đi tới việc trả lời câu hỏi chính. Ngoài ra, khi dạy học giải toán điển hình ở lớp 4, giáo viên phải cho học sinh nắm vững từng loại toán điển hình và các bước giải của từng loại toán đó.

Để rèn kĩ năng cho học sinh, giúp các em giải bài toán điển hình được tốt thì giáo viên cần hiểu và nắm vững một số vấn đề về dạng toán điển hình trong chương trình môn Toán lớp 4

Những lưu ý với giáo viên khi giải toán điển hình

Để học sinh lĩnh hội đầy đủ kiến thức về các loại toán điển hình và có kĩ năng giải các bài toán điển hình, theo cô Nguyễn Thị Thanh Tâm, giáo viên cần thực hiện các bước:

Hướng dẫn học sinh phân tích và giải mẫu về loại toán điển hình (theo các bài toán cho sẵn trong phần bài mới của sách giáo khoa);

Rút ra quy tắc (hoặc công thức hay các bước làm) của từng dạng toán;

Học sinh giải các bài toán tương tự bài toán mẫu (song thay đổi các dữ kiện, điều kiện của bài toán);

Bước 4: Cho học sinh giải các bài toán phức tạp dần.

Khi học sinh giải toán, điều quan trọng nhất thiết phải ghi nhớ là thực hiện đúng các phép tính.

Song thực tế, không ít học sinh còn hổng kiến thức về ý nghĩa của phép tính, kĩ năng thực hiện phép tính chưa thành thạo.

Vì vậy việc trang bị những kiến thức về ý nghĩa phép tính là rất quan trọng, cần thiết.

Mặt khác, học sinh không có kĩ năng thành thạo khi thực hiện phép tính cũng sẽ dẫn tới một bài làm sai mặc dù phương pháp giải đúng.

Rèn kĩ năng giải bài toán mới

Việc giải bài toán mới là một yêu cầu trọng tâm khi dạy học sinh giải toán. Học sinh thể hiện việc tiếp thu kiến thức, rèn luyện kĩ năng qua việc trình bày bài giải.

Vì vậy để rèn kĩ năng giải bài toán mới cho học sinh, nên cho các em làm bài tập từ dễ đến khó.

Khi hướng dẫn học sinh rèn kĩ năng giải toán, đối với những bài tập dễ có thể để học sinh tự làm sau đó nhắc lại quy tắc, công thức.

Nếu học sinh quên có thể cho học sinh phân tích lại đề toán, nhắc lại dạng toán để học sinh nhớ lại cách làm.

Đối với những bài toán khó hơn: Đưa về các bài toán đơn, dùng hệ thống câu hỏi gợi ý để hướng dẫn.

Dạy nâng cao cho học sinh khá, giỏi

Trong một lớp không thể tránh khỏi tình trạng có nhiều đối tượng học sinh khác nhau về trình độ nhận thức.

Nếu học sinh trung bình chỉ cần hoàn thành hết các bài tập trong sách giáo khoa thì học sinh khá giỏi có nhu cầu mở rộng tầm hiểu biết.

Mặt khác, khi dạy học sinh chúng ta phải dạy theo đối tượng học sinh. Vì vậy, ngoài biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém thì cần có biện pháp để giúp học sinh khá giỏi được học nâng cao hơn.

Trong các tiết dạy học trên lớp, sau khi học sinh khá giỏi hoàn thành các bài tập trong sách giáo khoa, giáo viên có thể tăng mức độ khó của các bài toán bằng cách:

Giữ nguyên dữ kiện nhưng tăng yêu cầu (có thể giải bằng nhiều cách, hỏi thêm một số câu hỏi khó); phát biểu các dữ kiện đã cho dưới dạng ẩn.

Giáo viên cũng có thể đưa thêm các bài tập nâng cao khác có liên quan đến toán điển hình

Cụ thể: Dạng toán tìm số trung bình cộng; dạng toán Tìm hai số khi biết tổng và hiệu của hai số đó; dạng toán Tìm hai số khi biết tổng (hoặc hiệu) và tỉ số của hai số đó.

Khi dạy học, tùy thuộc trình độ học sinh, giáo viên có thể tăng hoặc giảm số lượng bài toán nâng cao cũng như mức độ nâng cao của từng dạng toán.

Song để hướng dẫn được học sinh giải bài toán thì giáo viên phải có bài giải mẫu, xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp.

Chuẩn bị tốt bài soạn

Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng, để nâng cao chất lượng dạy học, giáo viên cần nghiên cứu kỹ nội dung chương trình bài dạy sách giáo khoa, xác định đúng trọng tâm yêu cầu của bài để chủ động về thời gian và lượng kiến thức cần cung cấp.

Đồng thời, phải chuẩn bị tốt bài soạn xác định đúng mục tiêu yêu cầu của bài dạy, thiết lập mối quan hệ giữa bài trước với bài sau. Dạy từ dễ đến khó. Cần tìm hiểu kĩ thực tế xem học sinh thường mắc những sai lầm, gặp những khó khăn gì để đưa ra biện pháp khắc phục. Giáo viên cần phải chuẩn bị tốt đồ dùng trực quan và sử dụng có hiệu quả, tạo không khí lớp học thoải mái.

Việc kết hợp linh hoạt các hoạt động và hình thức tổ chức dạy học cũng rất quan trọng. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, gợi mở để giúp học sinh tìm ra cách giải của bài toán, giáo viên không làm thay, áp đặt học sinh.

Muốn vậy, giáo viên phải có hệ thống câu hỏi gợi ý phù hợp. Coi trọng sơ đồ trong dạy học giải toán điển hình.

Mỗi dạng toán điển hình thường được giải theo một quy trình như một thuật toán nên cần giúp học sinh nắm chắc quy trình giải của từng dạng toán, phân biệt quy trình giải của các dạng toán điển hình dễ nhầm lẫn và khuyến khích học sinh tìm tòi các cách giải khác nhau để phát huy tính tích cực, sáng tạo của các em.

Thêm nữa, mỗi giáo viên cần nâng cao trình độ về toán học thông qua nghiên cứu các tài liệu, thăm lớp dự giờ và các buổi hội thảo chuyên đề. Thường xuyên tiếp thu các ý kiến thiết thực. Từ đó nghiên cứu tìm ra những phương pháp giảng dạy hợp lí nhất.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giai-dung-hay-cac-bai-toan-dien-hinh-212135-v.html