Giải giáp phiến quân để tránh 'tắm máu' ở Idlib - 'nhiệm vụ bất khả thi' với Thổ Nhĩ Kỳ?

Là người hậu thuẫn chính cho phe đối lập đang bị vây khốn ở Idlib, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước một nhiệm vụ nguy hiểm: giải giáp các nhóm phiến quân đồng minh và xóa sổ những tay súng thánh chiến cực đoan đang cố thử tại Idlib, theo thỏa thuận mới ký với Nga.

Nhóm HTS (He'yat Tahrir al-Sham) hiện có khoảng 16.000 tay súng tại Syria, chủ yếu ở Idlib. Ảnh: Reuters

Hôm 17/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, đã thông báo kế hoạch đạt được ở giờ thứ 11 của cuộc đàm phán nhằm tránh màn "tắm máu" tại Idlib, trao cho Thổ Nhĩ Kỳ thêm thời gian để thuyết phục phiến quân giải giáp. Theo thỏa thuận Nga - Thổ, một khu vực phi quân sự (vùng đệm) sẽ được thiết lập tại Idlib, không có sự hiện diện của các phần tử thánh chiến cực đoan và vũ khí hạng nặng. Vùng đệm sau đó sẽ được kết nối với các tuyến đường cao tốc. Binh sĩ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuần tra khu vực này.

Trong trường hợp thỏa thuận thất bại, các lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã đe dọa tấn công tổng lực giành lại Idlib trong một trận chiến được dự báo sẽ khốc liệt nhất trong lịch sử xung đột Syria. Và cái giá mà riêng Thổ Nhĩ Kỳ phải trả nếu cuộc chiến này xảy ra cũng sẽ rất đắt.

Gần 3 triệu cư dân Idlib tạm thời thoát "án tử " lơ lửng trên đầu, nhưng số phận của tỉnh biên giới tây bắc Syria này thì vẫn rất mong manh. Idlib là thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại Syria sau gần 8 năm nội chiến. Đây là "vùng trũng” tập trung nhiều nhóm và phe phái đối lập, bao gồm cả các nhóm thánh chiến cực đoan liên quan tới tổ chức khủng bố khét tiếng Al – Qaeda.

Đoàn xe chở vũ khí của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang di chuyển tới Syria ngày 14/9. Ảnh: AP

'Vướng víu' ở Idlib

Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện vai trò lớn đến tình hình Idlib do tỉnh này nằm giáp biên giới và là địa bàn hoạt động của cả các nhóm phiến quân thân Ankara, lẫn những nhóm khủng bố mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn truy quét.

"Lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ 'vướng víu' ở Idlib theo một cách khiến Ankara rất dễ bị tổn hại", ông Sam Heller, chuyên gia phân tích tại Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG), có trụ sở tại Beirut (Lebanon) nhận xét.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường ảnh hưởng bằng cách cố duy trì Idlib trong tay phe đối lập, ngăn cản chiến dịch tấn công tổng lự của Damascus, và điều này, theo ông Heller, "đảm bảo cho Thổ Nhĩ Kỳ dư địa cho các cuộc đàm phán còn kéo dài về tương lai chính trị của Syria". Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib cũng buộc Nga, vốn đang giữ quyền lực quân sự thống trị tại Syria, phải tính đến lợi ích của Ankara.

Video đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hướng về Idlib, Syria:

Nếu thỏa thuận Nga - Thổ sụp đổ

Nhưng vướng chân ở Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đối mặt với rủi ro rất lớn. "Sẽ là những rắc rối thảm họa thực sự với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Idlib sụp đổ", ông Heller cảnh báo.

Thỏa thuận Nga - Thổ lúc này có thể tạm dừng chiến dịch tấn công tổng lực của quân chính phủ Syria nhằm vào Idlib, nhưng các nhà phân tích không lạc quan về khả năng Ankara có thể giải giáp được các phần tử thánh chiến cực đoan đang kiểm soát phần lớn tỉnh chiến lược này.

Theo thỏa thuận công bố hôm 17/9, một khu vực phi quân sự sẽ được thiết lập quanh Idlib, giúp chuyển hướng chiến dịch quân sự của Damascus. Nhưng thỏa thuận này cũng trao cho Thổ Nhĩ Kỳ một sứ mạng gần như bất khả thi là đảm bảo rằng các tay súng thánh chiến và vũ khí hạng nặng phải được di dời khỏi vùng đệm chỉ trong vài tuần.

"Tôi không thấy có cách nào Thổ Nhĩ Kỳ có thể áp đặt ý chí của mình lên các phần tử thánh chiến", chuyên gia Fabrice Balanche, người Syria, nhận xét.

Các thành viên nhóm Mặt trận al-Nusra Front tụ tập trước khi vào vị trí trong cuộc tấn công giành quyền kiểm soát thành phố Ariha ở đông bắc tỉnh Idlib từ tháng 5/2015. Ảnh: Reuters

"Thực thi thỏa thuận sẽ rất khó khăn", ông Balance cảnh báo và bổ sung rằng kết cục nhiều khả năng sẽ là "một lệnh ngừng bắn thất bại và chiến dịch tấn công của quân đội Syria sẽ nổ ra trong vài tháng tới".

Theo thỏa thuận Nga - Thổ, các nhóm "cực đoan" - như liên minh Hayat Tahrir al-Sham (HTS), được chỉ huy bởi các tay súng thánh chiến và đồng minh cứng rắn, phải rút khỏi vùng đệm dự định trước ngày 15/10. Toàn bộ chiến binh trong vùng, bao gồm cả các phiến quân thân Ankara, sẽ phải giao nộp vũ khí hạng nặng từ nay đến 10/10.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) ước tính, khoảng 70% vùng đệm đang được kiểm soát bởi HTS, liên minh được dẫn đầu bởi một nhánh cũ của Al Qaeda tại Syria và các nhóm thánh chiến khác. SOHR cho hay, một số phe phái trong vùng đệm thực ra đã bắt đầu củng cố các vị trí của chúng, thay vì rút đi.

Phóng viên AFP tại Idlib cũng cho biết, tới lúc này không có dấu hiệu nào cho thấy các phần tử cứng rắn và vũ khí hạng nặng được rút khỏi vùng đệm mà Nga - Thổ thống nhất thiết lập.

Hôm 22/9, Hurras al-Deen, một nhóm liên quan tới Al Qaeda đang cố thủ trong khu vực vùng đệm, thậm chí đã bác bỏ thỏa thuận Nga - Thổ. Trong khi đó, HTS chưa chính thức phản hồi, tuy nhiên, nhóm này đã mất nhiều tháng trấn áp bất cứ người nào sẵn sàng thương lượng với chính phủ, và thủ lĩnh HTS, Abu Mohammad al-Jolani trước đây từng cảnh báo, việc thu vũ khí của phiến quân là "lằn ranh đỏ".

Chuyên gia Balance cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp khó khăn khi thuyết phục ngay cả các đồng minh của mình tại các thị trấn Qalaat al-Madiq và vùng Sahl al-Ghab chịu từ bỏ vũ khí hạng nặng. Phiến quân thân Ankara đã chấp nhận thỏa thuận Nga - Thổ, nhưng cho biết họ vẫn lo ngại "sự phản bội của người Nga, chính phủ và người Iran".

Việc thuyết phục các tay súng thánh chiến rời vùng đệm là một bước hướng tới việc trục xuất các nhóm này khỏi khu vực rộng lớn hơn, quanh vùng đệm.

Hàng ngàn người tham gia biểu tình tại thành phố Maarat al-Nouman, Syria phản đối tấn công tổng lực vào tỉnh Idlib, ngà 14/9/2018. Ảnh: Al Jazeera

Nhà phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ Aron Lund cho rằng, Ankara đối mặt với nhiệm vụ "không tưởng" là "tháo dỡ, phá hủy hoặc di chuyển một số trong những nhóm cực đoan khét tiếng nhất tại Idlib trong vài tuần tới. Tôi nghi ngờ Ankara có thể sử dụng mọi công cụ của mình để thuyết phục HTS giải tán, chia tách, đặt lại tên hoặc chỉ là di dời".

"Với chiến thuật cây gậy và củ cà rốt, họ có thể 'bóc' đi những phe phái thiện chí nhất nhằm làm suy yếu vùng lõi", ông Lund nói. Sau đó, Ankara có thể tìm cách di dời một bộ phận các phần tử cực đoan không thể tái hòa giải được khỏi Syria. "Nhưng không rõ họ có thể 'thả' chúng đến đâu khi chẳng ai muốn chứa chấp những tên này trên đất nước của mình", Aron Lund nói với AFP.

Còn đó mối lo khủng hoảng

Hơn 360.000 người đã thiệt mạng và hàng triệu người phải tị nạn kể từ khi nội chiến Syria bùng phát năm 2011. Một trận chiến tại Idlib có thể đẩy hàng triệu người tị nạn tràn qua biên giới, điều mà giới chức Ankara lo ngại sẽ khuấy động những bất ổn chính trị xã hội ngay bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại, trên 3 triệu người tị nạn Syria đang nương náu tại Thổ Nhĩ Kỳ và đây đã là một gánh nặng mà Ankara phải xoay sở đối phó. Theo Liên hợp quốc, trong bối cảnh thông tin về một chiến dịch tấn công của quân đội chính phủ Syria lan truyền dồn dập những tuần gần đây, trên 30.000 người đã tiếp tục tháo chạy khỏi nhiều khu vực ở Idlib.

Chính phủ của Tổng thống Erdogan cũng lo ngại làn sóng người Syria tị nạn có thể bị những phần tử cực đoan trà trộn, đẩy các thành phố, thị trấn Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả các nước châu Âu khác, đứng trước nguy cơ bị tấn công khủng bố.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/giai-giap-phien-quan-de-tranh-tam-mau-o-idlib-nhiem-vu-bat-kha-thi-voi-tho-nhi-ky-20180926092341729.htm