Giải Khoa học Kĩ thuật bị tố 'có vấn đề': Cần thẩm định lại để rõ ràng

Các chuyên gia cho rằng bất cứ một kết quả nào đó nếu đã có những ý kiến không đồng tình thì cũng nên xem xét lại, đặc biệt khi các sản phẩm này là của học sinh bởi cần rõ ràng, minh bạch để không đánh mất niềm tin, sự đam mê của người trẻ với khoa học.

 Thí sinh dự thi Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia. Ảnh minh họa: Huyên Nguyễn

Thí sinh dự thi Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia. Ảnh minh họa: Huyên Nguyễn

Phụ huynh tố giải có vấn đề

Báo Lao Động nhận được đơn kiến nghị của một số phụ huynh có con tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia 2019 (VISEF) phía Bắc (diễn ra từ ngày 9 – 12.3 tại Hà Nội) vì cho rằng có những đề tài được trao giải không tương xứng, không có điểm mới hay sao chép ý tưởng.

Theo đó, các ông N.T.S, N.V.T và bà V.T.X.H – những người có con em dự thi cuộc thi cho rằng chỉ nói riêng hai đề tài liên quan đến lĩnh vực kĩ thuật cơ khí đoạt giải nhất có kết cấu cơ khí đơn giản, có ý tưởng trùng lặp, vẫn tốn sức người và không có tính ứng dụng thực tiễn.

Trao đổi với PV, các học sinh N.T.T và N.N.H – các thí sinh trực tiếp tham gia cuộc thi – phản ánh: Nhiều bạn khi thuyết trình bằng đề tài không thuyết phục, không tự tin và chắc chắn với câu trả lời của mình, thuyết trình bằng tiếng Anh rất kém nhưng vẫn được trao giải.

Trong khi đó, đề tài “Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người” được hai em nghiên cứu kĩ, có tính năng vừa nhận diện quả thanh long (tiến tới các loại quả khác), nhận diện bệnh đốm nâu và đốm trắng trên cây. Máy cũng chế tạo được cánh tay có 5 trục, có thể vươn tay ở các khoảng cách để hái quả gần giống với cánh tay người...

Cuộc thi khu vực phía Bắc với sự tham gia của 34 đơn vị dự thi từ Thừa Thiên Huế trở ra.

“Để chế tạo được máy, chúng em lên ý tưởng, với sự hỗ trợ của giáo viên hướng dẫn. Chúng em đến vườn thanh long tại Hải Phòng, Bình Thuận để nghiên cứu, sau đó mới chế tạo ra máy. Sau nhiều nghiên cứu, chỉnh sửa, thực tế ứng dụng đạt trên 70% so với con người. Tuy nhiên, khi kết quả thông báo chúng em không đạt giải, trong khi những đề tài được giải nhất lại không có gì mới và xuất sắc, chúng em rất buồn và thất vọng, thấy không còn sự công bằng” – học sinh N.N.H nói.

Chuyên gia ủng hộ thẩm định lại đề tài

Trao đổi với Lao Động, một PGS.TSKH chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa cho biết học sinh, phụ huynh có những phản ứng liên quan đến giải nhất trong lĩnh vực cơ khí, tự động hóa là có thể hiểu được.

Theo vị PGS.TSKH này phân tích, tính sáng tạo trong một đề tài nghiên cứu khoa học là đặc biệt quan trọng. Hai đề tài được trao giải nhất không thể hiện nhiều sáng tạo.

“Về nghiên cứu khoa học, cần phải có mô hình toán, phải có tính toán cụ thể - điều mà những đề tài dự thi chưa thể hiện được điều này. Ví dụ, muốn làm sạch bể phải chỉ ra được những loại cặn bẩn có trong bể, những cặn bẩn ấy phải có một cái lực nhất định nào đó thì mới có thể đánh bật được, tính hiệu quả của nó như thế nào... cũng chưa thể hiện rõ ràng. Những nỗ nực của các cháu là không thể phủ nhận nhưng để mang tính chất quốc gia, tôi thấy chưa đạt được yêu cầu đề ra".

Cũng theo vị này, những đề tài trên có sự trùng lặp với nhiều đề tài, sản phẩm đã xuất hiện trên thị trường. Ở Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT về việc ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THCS và THPT, trong đó đã đưa ra những tiêu chí rất rõ ràng về vấn đề sáng tạo, về liên kết giữa cơ khí, tự động hóa... và quá trình tiến tới công nghệ 4.0 gắn với tự động hóa nhưng đề tài được giải nhất chưa cho thấy điều này.

Cùng quan điểm, một PGS.TS khác là chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, động lực nhận định: Xét về góc độ khoa học, tính mới của sản phẩm đoạt giải nhất không có nhiều hàm lượng hóa học. Ví dụ, máy cắt tỉa cây ở đây vẫn hoàn toàn sử dụng sức người, chỉ thay được dùng máy xăng sang dùng máy pin.

Với đề tài máy làm sạch bề mặt ao, điểm yếu là vẫn cần sức người, mới chỉ là máy làm sạch cơ học, chưa kiểm tra được những thành phần có hại ở trong nước ảnh hưởng đến vật nuôi, cây trồng hay không.

Vị chuyên gia này cũng cho biết khá bất ngờ khi đề tài “Chế tạo máy tự hành chăm sóc và thu hoạch cây ăn quả mô phỏng hoạt động của con người” được ông đánh giá rất cao khi tham dự vòng tuyển chọn cấp thành phố lại không đoạt giải.

Điểm hay của sản phẩm là nhận diện được quả chín qua camera dựa vào màu sắc, kích thước quả, sẽ không bị thu hoạch những quả xanh non. Ngoài ra, nó còn cho phép phát hiện ra dấu hiệu bệnh của cây. Đây mới chỉ là demo thôi nhưng nếu được đầu tư thêm để phát triển thành một sản phẩm thương mại thực tế sẽ rất có ý nghĩa, đạt hiệu quả cao. Sản phẩm cũng rất cần thiết đối với nông dân Việt.

"Tôi đánh giá rất cao về ý tưởng, sự tiếp cận và sự học hỏi từ các môn khoa học khác nhau như điện, toán, điều khiển....để có thể tạo nên sản phẩm của các em”, vị PGS chia sẻ với Lao Động.

Cả 2 chuyên gia đều cho rằng việc Bộ GDĐT tiếp nhận phản ánh của phụ huynh, học sinh và sẽ thành lập hội đồng để chấm thẩm định để làm minh bạch, khách quan là điều rất cần thiết.

HOAN - HUYÊN - HÀ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/giai-khoa-hoc-ki-thuat-bi-to-co-van-de-can-tham-dinh-lai-de-ro-rang-663560.ldo