Giải mã 'bí ẩn' bão thường 'đổ bộ' vào Miền Trung

Trong những ngày qua, hình ảnh người dân Miền Trung gồng mình chống bão chồng bão đã phủ lấp tất cả các mặt báo lẫn mạng xã hội. Lúc này cơn bão số 10, bão Goni sau khi tàn phá Philippin, đang trên Biển Đông và chuẩn bị tiến vào đất liền. Nhiều người vẫn không ngừng hỏi vì lý do gì mà khúc ruột Miền Trung thường xuyên gánh chịu những cơn bão dữ dội như vậy.

Bão Goni được dự báo sẽ suy yếu khi vào Việt Nam. Ảnh: TTKTTV

Sức tàn phá khủng khiếp của bão

Theo lý giải của khoa học, bão là hiện tượng không khí xoáy tròn, độ bao phủ rất rộng từ vài trăm đến hang ngàn kilomet, nên sức gió kéo theo rất mạnh. Dựa vào sức gió người ta chia bão thành: Áp thấp nhiệt đới vận tốc gió dưới 63km/giờ (cấp 8); Bão nhiệt đới vận tốc gió từ 63 – 118km/giờ (cấp 12); Bão to (cuồng phong) vận tốc gió từ 118 - 213km/giờ; Siêu bão vận tốc gió trên 213km/giờ. Siêu bão mà Việt Nam gặp gần đây nhất là Bão Hải Yến (2013) với vận tốc gió khủng khiếp 315km/giờ.

Về điều kiện, bão được hình thành từ vùng biển có nhiệt độ mặt nước từ 26,5 độ C trở lên, lớp nước mặt này phải có độ sâu tối thiểu 50m. Khi đó hơi nước sẽ bốc lên thành cột cao từ 10 – 15km. Thường thì nước bốc hơi sẽ theo phương thẳng đứng nhưng do trái đất quay tròn tạo nên lực Coriolis khiến cho các cột nước bốc hơi theo hình xoắn ốc, giống như lồng máy giặt vắt quần áo, hay buộc sợi dây vào quả bóng rồi xoay tròn.

Ở hai cực trái đất thì lực Coriolis là mạnh nhất, còn ở xích đạo thì yếu nhất. Các nhà khoa học đã tìm ra rằng, từ vĩ độ 0 – 5 ở cả hai bán cầu là vùng hầu như không có bão do lực Coriolis quá yếu. Các cơn bão nhiệt đới thường hình thành ở vĩ độ từ 5 – 20 ở cả 2 bán cầu.

Một cơn bão sinh ra năng lượng bằng 5 quả bom nguyên tử mỗi 20 phút. Ảnh: vtv.vn

Nước bốc hơi càng mạnh thì năng lượng sinh ra từ cơn bão càng lớn. Đường kính của cơn bão có thể dao động từ 300 – 500km, có cơn bão khổng lồ đường kính lên đến trên 1000km. Nghĩa là nếu cơn bão khổng lồ đi vào đất liền thì nó có thể nuốt trọn cả Miền Trung.

Có một điều rất đặc biệt, trong cơn bão thì có mắt bão, đường kính dao động từ 30 – 65km. Ở mắt bão, hơi nước vẫn bốc lên, hơi lạnh phía trên đẩy xuống, không có gió và cũng chẳng có mây, trời trong xanh cảnh tượng ở mắt bão lại rất yên bình. Ngược lại, ở vùng xung quanh cơn bão chẳng khác gì quái vật ngông cuồng tàn phá bất cứ thứ gì cản đường chúng. Theo nghiên cứu, một cơn bão bình thường có sức tàn phá bằng chừng năm quả bom nguyên tử trong vòng chỉ 20 phút.

Mảnh đất bão “yêu thích”

Hình ảnh những người dân Miền Trung phải ngồi la liệt trên nóc nhà, xung quanh là biển nước mênh mông, vật nuôi cây trồng cũng trôi theo dòng nước lũ để lại những phận đời mỏng manh lạnh lẽo, đói khát. Trên vùng núi những căn nhà bị vùi kín trong đất đá, nhiều người chết và mất tích làm cho người dân Việt không khỏi đau đớn bang hoàng. Không ít người sẽ đặt câu hỏi, bão từ đâu mà đến, cơ sao cứ nhắm vào Miền Trung ruột thịt mà trút giận.

Ảnh hưởng bởi lực Coriolis, bão hình thành ở bán cầu bắc thì sẽ bị đẩy về bên phải, bão hình thành ở bán cầu nam sẽ bị đẩy về bên trái. Việt Nam nằm ở bán cầu bắc, bên phải biển đông nên đương nhiên khi bão hình thành sẽ “tự động” đi về phía Việt Nam.

Miền Trung – Mảnh đất “hấp dẫn” các cơn bão. Ảnh: Báo Pháp Luật

Tiếp đến Việt Nam lại nằm ở vĩ độ từ 8 – 23 độ Bắc, trong đó Miền Trung kéo dài từ Lâm Đồng đến Thanh Hóa nằm trong vĩ độ từ 10 – 20 độ Bắc. Trong khi đó bão thường hình thành từ vĩ độ 5 – 20 độ Bắc, cùng với việc trục trái đất bị nghiêng một góc nhất định nên bão hình thành và đi về bên phải thì thường sẽ đổ bộ vào Miền Trung, nhất là bão sẽ có xu hướng đi vào khu vực Bắc Trung Bộ.

Bão hay gió đều di chuyển theo chiều từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp. Ở Miền Trung vào mùa hè thường có gió Phơn hay gọi là gió Lào hoặc gió Tây Nam thổi từ bên Lào sang càng làm cho thời tiết khô nóng khó chịu hơn. Gió nóng làm cho áp suất khí ở Miền Trung, nhất là Bắc Trung Bộ, giảm sâu, thấp hơn các khu vực khác. Yếu tố áp suất khí thấp chẳng khác gì cỗ máy hút trọn các cơn bão đang ngấp nghé ngoài Biển Đông.

Có thể tạm hiểu, các cơn bão hình thành ở vùng biển nóng nước biển bốc hơi với lưu lượng lớn, xoắn theo lực xoay Coriolis của trái đất, bán cầu Bắc thì bão đi về bên phải. Miền Trung nằm trong vùng vĩ độ thường hình thành các cơn bão nhiệt đới, lại nằm về phía bên phải biển đông, mùa hè có gió Lào khô nóng áp suất khí giảm nên Miền Trung là mảnh đất mà các cơn bão “yêu thích”. Trong khi con người chưa thể giải trừ các cơn bão thì hơn bao giờ hết công tác phòng chống bão lụt, nhất là khu vực Miền Trung, cần được quan tâm hơn nữa để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra. Bên cạnh đó, khi khúc ruột Miền Trung gặp hoạn nạn thì rất cần sự “tương thân tương ái” của đồng bào qua những phương thức hợp lý, thiết thực, văn minh và thượng tôn pháp luật.

Nhật Nguyên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/giai-ma-%E2%80%9Cbi-an%E2%80%9D-bao-thuong-%E2%80%9Cdo-bo%E2%80%9D-vao-mien-trung-80368