Giải mã bí ẩn: Hiện tượng kỳ bí 'mặt trời bóng ma' hiếm gặp

Hiện tượng hai mặt trời giả xuất hiện bên cạnh mặt trời thật giữa thời tiết -20 độ C ở thành phố Moscow của Nga còn được gọi là hiện tượng 'mặt trời bóng ma'.

Hiện tượng mặt trời giả hay “mặt trời bóng ma”, có tên khoa học là parhelion (số nhiều là parhelia). Hiện tượng này xuất hiện khi ánh sáng mặt trời bị khúc xạ bởi các tinh thể băng trong không khí.

“Mặt trời bóng ma” có thể xuất hiện dưới dạng các vùng ánh sáng màu bên trái hoặc bên phải của mặt trời, vị trí 22° và và ở cùng khoảng cách phía trên đường chân trời với mặt trời.

“Mặt trời bóng ma” được hình thành từ các tinh thể băng hình lục giác trong các đám mây cao hoặc trong thời tiết rất lạnh, bởi các tinh thể băng trôi trong không khí ở mức độ thấp. Những tinh thể này hoạt động như lăng kính, bẻ cong các tia sáng đi qua chúng. Khi các tinh thể chìm trong không khí, chúng trở nên thẳng hàng theo chiều dọc, khúc xạ ánh sáng mặt trời theo chiều ngang để các “mặt trời bóng ma” được quan sát.

“Mặt trời bóng ma” thường hiển thị một tông màu đỏ ở phía đối diện với mặt trời và có thể có đuôi màu trắng hơi xanh kéo dài ra khỏi nó. Đuôi của “mặt trời bóng ma” được hình thành bởi ánh sáng xuyên qua tinh thể ở các góc khác với góc lệch tối ưu.

Dù chúng được hình thành từ các tinh thể băng nhưng không có nghĩa là “mặt trời bóng ma” chỉ có thể được quan sát ở vùng khí hậu lạnh. Chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm và từ bất kỳ nơi nào, mặc dù chúng có thể nhìn thấy rõ nhất khi mặt trời thấp hơn ở đường chân trời vào tháng 1, tháng 4, tháng 8 và tháng 10. Chúng cũng xảy ra khi các tinh thể băng trong khí quyển phổ biến hơn, nhưng có thể được nhìn thấy bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào có những đám mây lơ lửng.

Khi mặt trời mọc, “mặt trời bóng ma” thật sự có thể trôi dạt ra khỏi điểm 22 độ. Cuối cùng, mặt trời leo lên đến một điểm đủ cao thì “mặt trời bóng ma” hoàn toàn biến mất.

Người Hy Lạp cổ đại đã nhận ra rằng “mặt trời bóng ma” là điềm báo mưa khá chính xác. Những tinh thể băng tạo ra vầng hào quang và “mặt trời bóng ma” cũng hình thành nên những đám mây, chúng tạo nên loại mây tiêu biểu báo trước sự ngưng tụ nước ấm áp.

Phong Linh (theo Live Science)

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi bài viết Giải mã bí ẩn về thế giới xung quanh trên báo điện tử Người Đưa Tin vào 21h hằng ngày.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giai-ma-bi-an-hien-tuong-ky-bi-mat-troi-bong-ma-hiem-gap-a456498.html