Giải mã bí ẩn ngôi đền chữa bệnh điên không cần thuốc ở Hưng Yên

Sự chuyển biến '180 độ' của bệnh nhân sau ngày bước chân vào đền Thó khiến không ít người dân xung quanh tỏ ra nghi ngờ. Thậm chí, còn có lời đồn rằng gia đình ông thủ nhang cho bệnh nhân 'uống thuốc gì đó' nên họ mới trở nên ngoan ngoãn, bảo gì làm nấy.

Đáp lại, ông Tự phân trần: “Những suy diễn ấy quả thật là sai lầm và tội lỗi. Gia đình nhà đền cũng ăn cùng mâm, uống cùng cốc với bệnh nhân, chứ không có phân biệt. Làm sao có chuyện chúng tôi cho bệnh nhân uống thuốc này nọ. Tôi xin khẳng định, chúng tôi trị bệnh tâm thần không dùng thuốc”.

Xin quẻ “âm – dương” rồi mới nhận người

Đền Thó (hay còn gọi là đền Nhật Tảo ở xã Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên) từ lâu đã trở thành “đất lành” của bệnh nhân tâm thần. Thế nhưng, số lượng bệnh nhân tại đền này không bao giờ quá nhiều, thường là 40-50 người. Nguyên nhân một phần là vì bệnh nhân luân chuyển, người khỏi rời đi, người bệnh mới nhập vào.

Song, gốc rễ nằm ở chỗ những người trông nom ngôi đền cổ kính này không dám nhận bừa bệnh nhân. Người có vấn đề thần kinh phải trải qua một cuộc “khảo nghiệm” trước khi được tiếp nhận chữa trị tại đền Thó. “Ban giám khảo” đánh giá kết quả “khảo nghiệm” là “Thánh” chứ chẳng phải người trần.

Về vấn đề này ông Nguyễn Ngọc Tuy, chú ruột ông Tự cho biết: “Tục lệ truyền đời này qua đời khác trong họ tôi là như vậy, những người đời sau chỉ biết nối tiếp. Nói thật, dòng họ tôi không phải là những người mê tín dị đoan và cũng rất ít khi tin những chuyện hoang đường nhưng có những chuyện xảy ra khiến chúng tôi không thể giải thích được, chỉ có thể coi là ứng nghiệm của tâm linh.

Ông Tự hướng dẫn bệnh nhân đọc kinh.

Theo đó, ông thủ nhang cho biết, bước đầu tiên mang tính lễ nghi: “Nghi lễ này do bố tôi trực tiếp dạy cho tôi, không truyền cho người ngoài, đấy là lễ xin “Thánh” tiếp nhận bệnh nhân. Ý chí của “Thánh” được thể hiện qua hai đồng tiền Âm – Dương. Nếu “Thánh” đồng ý tiếp nhận bệnh nhân, gieo Âm – Dương sẽ lên một đồng sấp, một đồng ngửa. Nếu không được như vậy thì nhất định không được tiếp nhận bệnh nhân, vì chữa thế nào cũng không khỏi, còn thiệt mình, hại người”.

Tuy nhiên, theo lời ông Tự chia sẻ, với những bị bệnh tâm thần do di truyền, hay nhiễm chất độc màu da cam ảnh hưởng trực tiếp đến não nên nhà đền không thể giúp được. Còn đối với những trường hợp phát bệnh do tác động từ bên ngoài, như bị đánh, ngã, sang chấn tâm lý, trầm cảm, hay ảo giác hoang tưởng,… thì nhà đền đều có thể chữa cho họ được. Còn thời gian thì tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người.

Bí quyết 1: Hăng say lao động

Theo quan sát thực tế, kết hợp với lời kể của ông Tự, chúng tôi nhận thấy rằng, bệnh nhân tại đền Thó đều hiền lành, dễ bảo một cách khó tin. Họ chấp nhận mọi sự giao phó, phân công của thủ nhang, dù trước khi bước vào ngôi đền này, họ từng có những hành động rồ dại, cuồng điên.

Chỉ vào một anh chàng đang đi lơ ngơ ở khoảng sân trước cửa đền, ông Tự bảo: “Bệnh nhân này từ Quảng Bình ra. Gia đình gần như phải bắt trói anh ta để đến trước cửa Thánh, vì anh ta quậy phá khủng khiếp, ai đến gần đều bị đấm, đạp. Thế mà, từ lúc được nhận vào đền, anh ta thay đổi hẳn, trở thành một người rất bình tĩnh, hiền lành”.

Ông Tự cũng không ngần ngại chia sẻ “bí quyết” chữa bệnh tâm thần chỉ gồm hai việc chính, đó là lao động và đọc kinh, không liên quan gì đến mê tín dị đoan.Theo ông thì các rối loạn tâm thần có thể thuyên giảm hoặc khỏi hẳn bằng tổ hợp các liệu pháp lao động, nghỉ ngơi, chơi thể thao và thư giãn giải trí.

“Tập thể dục sẽ giúp cho bệnh nhân lưu thông khí huyết, khơi dậy sự tập trung chú ý. Việc cho bệnh nhân tụng kinh hoặc nghe tụng kinh giúp người bệnh tĩnh tâm, cảm thấy tinh thần được giải phóng. Còn lao động để kích thích não bộ, đẩy lui những “cơn điên”, ông Tự lý giải.

Đền Thó.

Đưa chúng tôi ra khoảng sân rộng chừng 80m vuông ở sau nhà, ở đó ông cho những người bệnh nặng xếp hàng, đi bộ nhiều vòng liền quanh sân. Những người đi bộ, tùy mức độ bệnh nặng nhẹ sẽ vẫn bị đeo xích, đeo gọng sắt, vác tải đất hay khiêng vật nặng… cứ đi như vậy, liên tục. “Những câu hát, từ những người bệnh có đúng, có sai, có lạc nhịp cũng được…, nhưng miễn sao tôi hướng dẫn được họ hát theo yêu cầu và hát cùng mọi người”, ông Tự cho biết.

Không chỉ cho bệnh nhân tập thể dục, thường thì ông Tự phải bày việc cho bệnh nhân lao động. Trong làng, trong xã, có gia đình nào xây cửa dựng nhà, ông đều kéo “đội quân” người điên đến làm giúp. Có mặt ông Tự, những người bệnh tâm thần đều không dám phá phách, trái lại họ làm việc nề nếp như nhóm thợ thực thụ.

Những khi không tìm được công việc, ông Tự mua mấy khối cát đổ ở sân như quả núi con, rồi cho bệnh nhân xúc cát từ chỗ này, đổ qua chỗ kia. Ngoài ra, nhà đền còn 2 mẫu ruộng hương hỏa từ đời các cụ truyền lại. Bệnh nhân và các thành viên trong dòng họ cùng chung tay trồng cây trên thửa ruộng này để lấy lương thực, phục vụ cuộc sống. Còn những khi rảnh rỗi, nhà đền sẽ hướng dẫn mọi người làm vàng mã…

Bí quyết 2: Mỗi tối đọc kinh Phật

Một nhân tố quan trọng không kém trong cách chữa bệnh ở đền Thó là những khóa đọc kinh Phật hàng ngày. Dù bệnh nặng hay nhẹ, buổi tối sau bữa cơm, bệnh nhân đều tụ lại trong tiền đường của đền, đọc kinh Dược sư và nghe ông Tự giảng về đạo Phật, về hướng thiện, về trách nhiệm của một con người đối với gia đình và xã hội.

Những người tâm thần tưởng như đã mất hết tự chủ lại nghiêm túc đến kỳ lạ khi ngồi trước Phật, Thánh để tụng niệm. Nhiều người đeo cùm, đeo xích ở chân, nhưng vẫn ngồi đọc kinh rất nghiêm chỉnh.

Theo lời ông Tự giải thích: “Thực ra, kinh Phật mà chúng tôi cho bệnh nhân tụng niệm không khác gì so với kinh Phật thông thường, nghĩa là không có vấn đề bùa chú huyền bí gì ở đây cả”.

“Chẳng qua, sự tụng niệm ở trong đền Thó dường như mang lại hiệu quả đặc biệt, khiến cho người điên trở nên thư thái, thần trí tỉnh táo dần, thoát khỏi u mê. Bằng chứng là rất nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi bệnh điên sau một thời gian điều trị tại ngôi đền này”, ông Tự nhấn mạnh.

Tối tối, nghe tiếng ông Tự giảng đạo, tiếng người bệnh ê a tụng kinh quả thực khiến cho những ai một lần tới đây đều cảm thấy bình yên và thư thái tâm hồn. Có lẽ, đó sẽ là một bài thuốc tinh thần hữu hiệu cho tất cả mọi người, chứ không chỉ riêng gì người bệnh.

Hơn thế nữa, ông thủ nhang còn đều đặn tổ chức cho người bệnh giao lưu, hát hò văn nghệ vào hai tối cuối tuần… để giúp bệnh nhân nặng hòa đồng với những người tỉnh táo hơn. Hoạt động giải trí hữu ích này đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

Đa phần bệnh nhân tâm thần trước đó thường bị sống cách biệt, lủi thủi một mình nên bệnh càng trầm trọng. Khi có những tác động tích cực, tâm lý họ được giải phóng và nhờ vậy, bệnh tình của nhiều người thuyên giảm rõ rệt.

“Bệnh tâm thần phân liệt không phải là một bệnh do ma quỉ gây ra, cũng không phải do “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Chính những suy nghĩ tiêu cực, mê tín đó đã khiến không ít gia đình khánh kiệt tài sản để đi làm lễ, trừ tà đuổi ma”, ông Tự thở dài nói.

Ông cũng lưu ý, với những bệnh nhân tâm thần, nếu gia đình, xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh, sẽ khiến bệnh tình của họ càng nặng thêm. Càng sớm điều trị, người bệnh càng mau chóng ổn định và tỷ lệ khỏi bệnh càng cao, tránh được những hậu quả đáng tiếc.

“Tuy nhiên, nếu nói khỏi hoàn toàn thì chưa thật chính xác vì bệnh tâm thần có thể tái phát bất cứ khi nào. Có người khi trở về đã hoàn toàn bình thường, nhưng cũng có những người chỉ tiến triển ở mức độ tỉnh táo, nhận thức được mọi hành vi của mình và những người xung quanh, vì những bệnh nhân này đã bị quá lâu, có khi lên đến vài chục năm rồi”, ông Tự thật thà cho biết.

“Làm phúc phải tội”

Từ xưa tới nay, những chủ nhang đền Thó, dòng họ Nguyễn Ngọc đều tâm niệm, cứu giúp những người bị điên dại là làm phúc, nên họ không tính toán chi ly chuyện tiền bạc.

Theo lời ông Tự chia sẻ, có gia đình đưa bệnh nhân đến điều trị, suốt mấy tháng trời không đoái hoài đến con em mình. Cứ để mặc cho ông và gia đình chăm sóc chữa trị. Đến lúc khỏi bệnh, ông liên lạc với người nhà của bệnh nhân xuống đón về nhưng cũng biệt tăm biệt tích. Ông lại phải cho tiền, đưa họ đi bắt xe về nhà.

Tại đền Thó, người tâm thần đến chữa bệnh không phải uống thuốc hay mất tiền khám chữa. Hàng tháng, mỗi gia đình có bệnh nhân lưu trú tại đền đóng gạo, từ 5kg đến 30 kg, tùy khả năng và tiền từ 50 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng, nhà đền không nhận vượt quá số tiền này vì quy định truyền đời là trị bệnh điên để làm phúc chứ không phải để làm giàu.

“Có người đồn rằng gia đình tôi nuôi người điên để trục lợi, nhưng điều ấy là hoàn toàn không đúng. Tôi và các thành viên trong họ làm công việc này là do Tổ truyền, chứ nào phải mưu cầu vật chất. Có trường hợp, gia đình người bệnh đưa họ đến đền rồi bỏ mặc, chúng tôi vẫn phải nuôi không. Âu cũng là cái nghiệp mà dòng họ chúng tôi phải mang”, ông Tự tâm sự.

Những bệnh nhân đến chữa bệnh trong đền Thó đều có đơn xin tự nguyện và bản cam kết theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Ông cũng chữa trị cho nhiều bệnh nhân gia đình khá giả, có cả những đại gia. Khi khỏi bệnh, họ hứa tặng ông nhà lầu, xe hơi. Tuy nhiên, ông đều từ chối. “Nếu lấy tiền của bệnh nhân thì có lẽ của nả trong nhà tôi đã chất thành đống rồi. Đằng này, có tháng tôi phải đi vay mượn hàng chục triệu đồng để chi trả tiền ăn uống, tiền điện cho người bệnh”, ông Tự phân trần.

Cử chỉ, hành động cao đẹp là vậy nhưng hàng xóm láng giềng có người không hiểu lại chửi bới gia đình ông vì rước người điên đến, gây nguy cơ mất an ninh trật tự.Có bệnh nhân bị tâm thần vài chục năm nhưng người nhà mang đến chữa 2 tháng không thấy tiến triển còn kiện cáo, vu cho ông là kẻ lừa bịp, ăn chặn tiền của gia đình bệnh nhân.

Nghĩ lại quãng thời gian phải làm cái việc “trời đầy” này, ông Tự bùi ngùi chia sẻ: “Nhiều lúc tôi cũng chán, chỉ muốn đóng cổng đền, trả hết bệnh nhân về nhưng bệnh nhân này chưa về thì người khác lại tới năn nỉ nhờ cứu giúp con em họ. Không giúp họ thì mình day dứt lương tâm”.

“Đuổi bệnh nhân ra về, tôi day dứt lắm!”Nghĩ lại quãng thời gian phải làm công việc “trời đầy” này, ông Nguyễn Ngọc Tự bùi ngùi chia sẻ: “Nhiều lúc nghĩ cũng thấy buồn, thấy tủi nhiều lắm. Vợ con không hiểu cũng bỏ mình mà đi. Hàng xóm láng giềng có người chửi bới vì mình rước người điên đến, gây nguy cơ mất an ninh trật tự.

Bệnh nhân bị tâm thần vài chục năm nhưng người nhà mang đến chữa 2 tháng không thấy tiến triển đã bảo mình lừa, mình bịp bợm… Nhiều lúc tôi cũng chán chỉ muốn đóng cổng đền, trả hết bệnh nhân về”.

Suốt chục năm qua, ông Tự đã cứu giúp cho hàng trăm lượt bệnh nhân khỏi bệnh về với gia đình làm ăn, sinh hoạt bình thường. Theo lời ông Tự, làm công việc này tuy có nhiều vất vả, thậm chí là nhiều chuyện buồn nhưng niềm vui thì rất nhiều.

Ông kể, có một bệnh nhân trẻ ở Sóc Sơn, Hà Nội, bị tâm thần hoang tưởng, có khi cả ngày cứ ngồi nhìn lên ngọn tre, bảo vợ mình đang ở trên ấy. Đến đền được mấy tháng thì bệnh nhân này đã khỏi hoàn toàn, cậu vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm, đám cưới cả gia đình, bố mẹ cậu đều xuống mời ông.

Bệnh nhân nào có kinh tế dư giả thì tuần rằm, mồng 1 hằng tháng mua hoa quả quay lại đền Thó để cúng lễ rồi hạ lộc mang về, hoặc biếu nhà đền tùy tâm, coi như một món quà cảm ơn. Còn ai không có điều kiện hoặc ở xa không tiện đi lại, ông cũng chưa bao giờ trách cứ.

Những bệnh nhân tâm thần sẽ được khiêng đồ đi quanh sân tập.

“Giờ nhiều người bệnh, dù đã khỏi và được về nhà nhưng hàng ngày vẫn chăm chỉ đọc kinh phật mang từ đền về. Có hôm gia đình họ còn quay video lại, gửi lên mạng cho tôi xem. Những lúc đó, thực sự tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì thấy không uổng công sức và tâm huyết mình đã bỏ ra”, ông Tự chia sẻ thêm.

Hiện tại, nhắc tới mong muốn của nhà đền, ông chủ nhang đền Thó bày tỏ tâm nguyện, mong cho những người bệnh đến đây mau hồi phục để họ được trở về với gia đình. Điều khiến ông trăn trở là vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm đến, trong khi đền Thó quy mô hạn chế, không đủ để cho tất cả mọi người lưu trú.

“Nhiều khi phải đuổi bệnh nhân ra về, tôi day dứt lắm, nhưng biết làm sao. Các bệnh nhân đến với đền Thó, giàu nghèo có cả nhưng tôi không thiên vị bất cứ ai, ai đến trước chữa trước, ai đến sau chữa sau. Cái này tôi cũng rất mong người nhà bệnh nhân thông cảm”, ông Tự thở dài nói.

Ông thủ nhang đền Thó cũng mong muốn nhà nước, chính quyền quan tâm giúp đỡ, để ông có thể giúp đỡ nhiều người bệnh hơn. Đặc biệt, ông Tự cũng mong muốn không chỉ tới đời ông, mà nhiều chủ nhang đời sau của dòng họ Nguyễn Ngọc, đều làm tốt công việc của mình. Hiện tại, người con trai trưởng của ông Tự, sinh năm 1993 đang học tập để tiếp nối công việc của cha.

“Vì nó là người “được chọn”, nên ngay từ nhỏ tôi đã hướng con học kinh, học đạo và phụ giúp chăm sóc người bệnh. Tôi cũng để cháu tự ra ngoài kiếm sống, lao động chân tay vất vả để cháu biết quý trọng công sức lao động, và biết thương yêu những người khốn khổ. Có như vậy, rèn luyện dần dần sau này nó mới thay tôi đảm đương được trong trách vất vả này”, ông Tự chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Ái, phó trưởng công an xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho rằng, từ xưa đến nay, đền Thó là nơi lui tới của những bệnh nhân tâm thần, có lẽ do người này đến chữa trị tại đền đã thuyên giảm nên giới thiệu người khác đến.

“Mặc dù ngôi đền không hề có bất cứ điều tiếng gì xấu, hay gây ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng, nhưng chính quyền vẫn yêu cầu ông Tự cung cấp đầy đủ danh sách các bệnh nhân đang lưu trú ở đây, khai báo tạm trú đầy đủ và phải có giấy cam kết tự nguyện của người nhà bệnh nhân.

Ông Tự cũng phải làm bản cam kết về an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng của người bệnh và không tuyên truyền mê tín dị đoan, không làm những việc pháp luật không cho phép”, ông Trần Văn Ái khẳng định.

Theo Báo Pháp luật

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/giai-ma-bi-an-ngoi-den-chua-benh-dien-khong-can-thuoc-o-hung-yen-d123774.html