Giải mã bí mật cuốn tiểu thuyết viết dở của văn hào Nga Vladimir Nabokov

Ngày 10/11/2009, tạp chí Playboy lần đầu tiên trích đăng cuốn tiểu thuyết viết dở của nhà văn Nga Vladimir Nabokov 'Nguyên mẫu của Laura'.

Vladimir Nabokov. Ảnh: INT

Vladimir Nabokov. Ảnh: INT

Một tuần sau, cuốn sách này đã được xuất bản đồng thời ở châu Âu , Mỹ và hai tuần sau tại Nga. Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà văn (22/4/1899 - 22/4/2019), xin giới thiệu ý kiến của một số chuyên gia về tác phẩm độc đáo này.

Tiểu thuyết viết bằng hộp đựng giày

Tiểu thuyết “Nguyên mẫu của Laura” (“The Original of Laura”), từ lâu đã trở thành đối tượng tranh luận nảy lửa trong giới nhà văn, nhà phê bình văn học và các nhà Nabokov học khắp thế giới.

Vấn đề ở chỗ, bản thân nhà văn không muốn xuất bản nó. Ông chỉ kịp viết nháp cuốn tiểu thuyết mà chủ ý nghệ thuật đã hoàn toàn hình thành trong đầu. Bản thảo gồm 138 tấm catalog với những đoạn rời rạc.

Tiến sĩ ngữ văn Vadim Stark, nhà nghiên cứu tác phẩm của Nabokov kể: Người ta nói đùa về nhà văn rằng ông viết bằng “hộp đựng giày”.

“Vladimr Nabokov nghĩ ra từng đoạn và chép chúng trên những tấm phiếu kích thước bằng nhau, sau đó ông ném chúng vào chiếc hộp đựng giày, và khi chiếc hộp đầy, ông sắp xếp chúng theo một trật tự cần thiết” .

Trước lúc mất, Vladimir Nabokov trăn trối cho vợ đốt những tấm phiếu này. Nhưng bà Vera Nabokova không dám thực hiện lời hứa và đã chuyển những bản nháp này đến bảo quản tại một ngân hàng Thụy Sĩ.

Sau khi bà qua đời năm 1991, con trai duy nhất của họ, ông Dmitry Nabokov, một dịch giả nổi tiếng, cũng không đủ sức thực hiện ý nguyện của người cha. Có một thời gian ông còn có suy nghĩ về việc đốt cuốn tiểu thuyết viết dở của cha.

Ngay cả các nhà nghiên cứu tác phẩm của Nabokov từng có dịp đọc tác phẩm này cũng do dự. Nhà Nabokov học người New Zealand Brian Boyd kể rằng, năm 1985, khi được đọc những đoạn văn này, ông thấy chúng quá nhạt và hiểu vì sao tác giả muốn thiêu hủy chúng. Thế nhưng khi đọc lại một lần nữa sau khi bà Vera Nabokova qua đời, Boyd đã thay đổi ý kiến.

Cuộc chiến bản quyền

Năm 2008, ông Dmitry Nabokov tuyên bố rằng dù sao “Nguyên mẫu của Laura” sẽ được xuất bản. Lúc bấy giờ ông đã 74 tuổi.

Bà Tatyana Ponomareva, giám đốc bảo tàng Vladimir Nabokov ở Saint-Petersburg, nói: “Lần đầu tiên tôi trao đổi với ông Dmitry Nabokov về điều đó cách đây 5 năm. Việc tồn tại của cuốn tiểu thuyết là một sự thật hiển nhiên, và thật dễ hiểu là nó khiến các chủ xuất bản quan tâm suốt những năm này. Ông Dmitry do dự rất lâu, nhưng bây giờ hiểu ra rằng đã đến lúc cần phải quyết định, vì rằng ngoài ông ra không có những người thừa kế khác, và không ai còn có thể quyết định nữa”.

Chính Dmitry Nabokov trong lời nói đầu viết rằng bố ông không muốn đốt cuốn sách. Ông lấy ví dụ của Franz Kafka, người cũng đã đề nghị bạn mình, nhà văn Max Brod, hủy bỏ các tác phẩm của ông ấy, mà “biết thừa Brod không bao giờ buộc mình làm điều đó”.

Dmitry Nabokov là một chiến sĩ kiên cường trong cuộc đấu tranh vì quyền tác giả, ông đã tham gia dàn dựng các vở kịch truyền thanh chuyển thể từ các cuốn tiểu thuyết của Nabokov - bố, khởi xướng việc chuyển thể mới tác phẩm “Lolita”, đồng thời từ chối kịch bản do Harold Pinter viết, ông đã biên soạn và chú thích các ấn phẩm xuất bản sau khi nhà văn qua đời, công bố những hồi ức, cũng như thư từ của bố mẹ, đây là những thông tin có giá trị nhất để hiểu về con người của Nabokov - bố.

Ông Dmitry cho rằng nghiên cứu di sản văn học của bố là công việc đúng đắn nhất của ông.

Một số nhà phê bình cho rằng Nabokov - con quyết định công bố cuốn tiểu thuyết chỉ vì tiền. Họ trích dẫn ý kiến của Nabokov - con trong một bài trả lời phỏng vấn: “Nơi chín suối, bố tôi chắc sẽ mỉm cười và dễ dàng từ bỏ ý định của mình, nếu ông nhìn thấy tình cảnh của tôi hiện nay, và nói rằng: “Ừ nhỉ, sao con không kết hợp cái thú vị với cái hữu ích? Nghĩa là con hãy nói và làm điều con muốn, nhưng tại sao lại không kiếm một ít tiền”.

Tuy nhiên, bà Tatyana Ponomareva lại có quan điểm khác: “Tôi nghĩ rằng cần phải xem chuyện đó là việc riêng của người thừa kế, chỉ Dmitry Nabokov mới có thể quyết định điều đó, vì vậy bất kỳ quyết định nào của ông cũng nên được đón nhận với sự thông cảm và biết ơn.

Thái độ riêng của tôi là: Tôi rất vui mừng vì ông ấy đã hành động như vậy. Tôi rất thích những gì Vladimir Nabokov đã viết, quan tâm và làm trong những năm cuối của cuộc đời mình. Giám đốc bảo tàng đã đọc cuốn tiểu thuyết và nói rằng mặc dù nhiều chỗ nó chưa hoàn thiện, nhưng “dù sao đây cũng là văn bản của Nabokov”, “bàn tay của ông, đỉnh cao tài năng của ông thể hiện rất rõ trong một số đoạn văn” - bà nhấn mạnh.

Một tác phẩm với hai phiên bản

Ở Nga, cuốn tiểu thuyết được xuất bản theo hai phương án. Phương án đại trà bao gồm văn bản đã được sắp xếp theo trật tự do Dmitry Nabokov thực hiện.

Phương án thứ hai dành cho các chuyên gia và các độc giả đặc biệt, gồm các tấm phiếu catalo chép tay ở dạng nguyên bản. Bản dịch của cả hai ấn phẩm đều do Gennady Barabtarlo, giáo sư đại học Missouri ở Mỹ, chuyên gia nghiên cứu tác phẩm của Vladimir Nabokov, thực hiện. Phương án thứ nhất được xuất bản 50.000 bản, phương án thứ hai - 10.000 bản.

Việc công bố các tấm phiếu catalog ở dạng nguyên bản cho phép độc giả phát biểu ý kiến riêng về chủ ý nghệ thuật của Vladimir Nabokov, và ý kiến này có thể rất khác với ý kiến của con trai ông. Vấn đề ở chỗ chỉ tác giả mới nắm được trật tự văn bản. Khi quyết định xuất bản cuốn tiểu thuyết, chủ xuất bản Mỹ Alfred Knopf đã yêu cầu các nhà Nabokov học trên thế giới phục hồi trật tự của các đoạn văn. Tuy nhiên, không ai thực hiện được nhiệm vụ đó.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, khi được hỏi về ý kiến của bạn đọc sau khi cuốn sách được xuất bản, ông Dmitry Nabokov nói rằng dư luận sẽ chia ra làm ba. Một số cảm ơn ông đã giữ lại cuốn tiểu thuyết, số thứ hai cáo buộc ông đã không thực hiện ý nguyện của người cha, số thứ ba muốn so sánh “Nguyên mẫu của Laura” với những tác phẩm khác của Vladimir Nabokov.

Việc xuất bản “Nguyên mẫu của Laura” chưa hoàn toàn đặt dấu chấm hết về bí mật 30 năm cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Vladimir Nabokov. Ngày 4/12/2009, tại chợ đấu giá Christie’s ở New York, ông Dmitry Nabokov đã bán 138 tấm phiếu catalog của “Nguyên mẫu của Laura”. Các chuyên gia đấu giá đã định giá tập bản thảo từ 400.000 - 600.000 USD.

Mặc dù việc xuất bản “Laura” là vấn đề gây tranh cãi trong tiểu sử Nabokov - bố, dù sao cuốn sách này vẫn có giá trị, ngay cả lời nói đầu của con trai, khi ông hồi tưởng về những ngày cuối cùng của cha mình, cú ngã của nhà văn ở Davos năm 1975 trong thời gian ông đi bắt bướm, sau đó sức khỏe bị sa sút nghiêm trọng.

Dmitry Nabokov không để lại người nối dõi, chính vì vậy những hồi ức của ông hiện nay trở nên cực kỳ quan trọng. Rốt cuộc, ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách xứng đáng, gìn giữ ký ức về người cha và chia sẻ với thế giới sự hiểu biết về ông.

Việc xuất bản “Nguyên mẫu của Laura” chưa hoàn toàn đặt dấu chấm hết về bí mật 30 năm cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Vladimir Nabokov. Ngày 4/12/2009, tại chợ đấu giá Christie’s ở New York, ông Dmitry Nabokov đã bán 138 tấm phiếu catalog của “Nguyên mẫu của Laura”. Các chuyên gia đấu giá đã định giá tập bản thảo từ 400.000 - 600.000 USD.

Theo Trần Hậu -Báo Nga

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/giai-ma-bi-mat-cuon-tieu-thuyet-viet-do-cua-van-hao-nga-vladimir-nabokov-3998857-b.html