Giải mã cảm xúc của ông Donald Trump với đối thủ

Ông Trump nói với đám đông những người ủng hộ về một sự yêu mến với ông Kim Jong-un, về những lá thư họ gửi cho nhau.

Trong cuộc gặp gỡ những người ủng hộ mình tại Tây Virginia ngày 29/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những phát biểu về mối quan hệ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

"Tôi đã rất cứng rắn và ông ấy cũng vậy. Cả hai chúng tôi đã tranh luận quyết liệt, nhiều lần. Và rồi chúng tôi yêu mến nhau, được chứ? Thật đấy, ông ấy đã viết cho tôi những lá thư rất hay, đó quả là những lá thư tuyệt vời” - Tổng thống Mỹ nói trước sự hưởng ứng bằng những tràng pháo tay và những nụ cười của đám đông ủng hộ.

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ công khai sự yêu mến của mình đối với lãnh đạo của Triều Tiên. Trước đó trong cuộc gặp gỡ người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9, ông Trump đã phát biểu về ông Kim Jong-un "Lãnh đạo Triều Tiên là người cởi mở, xuất sắc và thẳng thắn. Tôi nghĩ ông ấy muốn chứng kiến điều gì đó xảy ra. Tôi thấy sự nhiệt tình to lớn của Chủ tịch Kim để tiến tới một thỏa thuận. Chúng tôi không vội vàng, gấp gáp. Chúng tôi đã đạt tiến bộ hơn bất kỳ ai từng làm được".

Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp gỡ những người ủng hộ tại Virginia

Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp gỡ những người ủng hộ tại Virginia

Trong cuộc diễu binh kỷ niệm ngày Quốc khánh Triều Tiên, việc Bình Nhưỡng quyết định cất kho toàn bộ số vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình đã khiến Tổng thống Trump hài lòng. Một lần nữa, Tổng thống Mỹ đã viết những lời có cánh cho Chủ tịch Triều Tiên trên Twitter cá nhân "CHDCND Triều Tiên vừa tổ chức một cuộc diễu hành để kỷ niệm 70 năm thành lập đất nước mà không có việc trình diễn tên lửa hạt nhân thông thường. Chủ đề là hòa bình và phát triển kinh tế. Đây là một tuyên bố nghiêm túc và rất tích cực từ phía CHDCND Triều Tiên. Cảm ơn Chủ tịch Kim. Cả hai chúng ta sẽ chứng minh rằng tất cả mọi người đều sai lầm".

Cách thể hiện này của ông Trump với ông Kim không khác gì tình yêu với Tổng thống Putin của Nga. Hồi 16/7, Tổng thống Mỹ có cuộc gặp với Tổng thống Nga tại Helsinki ngay sau khi ông có cuộc họp với NATO. Và Tổng thống Mỹ đã khen gặp mặt với ông Putin còn tuyệt vời hơn hội nghị với NATO.

Trước đó, giữa bão dư luận chỉ trích Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Trump hôm 8/9/2016 đã công khai khen ngợi Tổng thống Putin: "Tôi nghĩ Vladimir Putin là một lãnh đạo mạnh mẽ hơn ở nước ông ấy so với Tổng thống Barack Obama ở đất nước chúng ta." Ngược lại, bản thân Tổng thống Nga cũng không ít lần công khai khen ngợi về khả năng lãnh đạo của ông Donald Trump.

Với Trung Quốc, Donald Trump cũng không ngại khen Chủ tịch Tập Cận Bình hết lời.

"Tôi muốn công khai cám ơn Chủ tịch Tập của Trung Quốc, người đã giúp chúng tôi nhiều hơn ông giúp cho bất kỳ chính quyền nào, hoặc hơn bất kỳ lãnh đạo nào của Trung Quốc từng giúp cho bất kỳ tổng thống hay chính quyền nào" - Ông Trump phát biểu ngay tại Nhật Bản ngày 18/4 khi bàn thảo về vấn đề Trung Quốc và Triều Tiên với đồng minh nhật Bản.

Tuy nhiên, với vị lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ, tình cảm là tình cảm còn công việc lại là chuyện khác.

Với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ đã đình chỉ chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo với Bình Nhưỡng ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Triều Tiên. Lý do được đưa ra đơn giản là Washington không thấy sự tích cực trong quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân từ phía Triều Tiên. Sự đình chỉ này kéo dài đến tận ngày 26/9 khi ông Mike Pompeo có cuộc gặp với người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho bên lề kỳ họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và dự kiến nối lại cuộc họp chính thức vào tháng 10 này.

Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên trong cuộc gặp mặt cấp cao tại Singapore hồi tháng 6/2018

Trước đó, ngày 21/9, phát biểu tại một buổi vận động ở bang Missouri, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa nhắc lại những tình cảm mà ông dành cho ông Kim Jong-un, nhưng cũng khẳng định ông sẽ không vội vàng ký bất kỳ thỏa thuận nào với Triều Tiên. Song song với những tuyên bố này, phía Washington cũng phát đi thông điệp sẽ trừng phạt bất kỳ quốc gia, tổ chức, cá nhân nào thực hiện các biện pháp hỗ trợ Triều Tiên. Cụ thể là các hoạt động vận chuyển dầu và khí đốt trái phép.

Tiến thêm một bước, Washington chỉ đích danh Nga, Trung Quốc đang hỗ trợ cho Triều Tiên chống lại các biện pháp trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt lên quốc gia này. Bản thân Mỹ cũng đã trừng phạt 2 công ty Nga hồi tháng 8 vì việc chuyển nhiên liệu tới Bình Nhưỡng.

Hôm 20/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết lập trường của nước Mỹ là không thay đổi: "Tôi từng nói về vấn đề này, rằng không có điều kiện nào được thực hiện nếu không phi hạt nhân hóa. Phi hạt nhân hóa là hành động phải xảy ra trước tiên." Phát ngôn này được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên đưa yêu sách muốn Mỹ bình thường hóa quan hệ trước khi tiếp tục phá hủy các bãi thử hạt nhân của nước này.

Nga và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Washington và Moscow vẫn đang đối đầu gay gắt về vấn đề Syria và các lệnh trừng phạt. Chính Tổng thống Donald Trump là người khởi động cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc và các biện pháp áp thuế trừng phạt vẫn tăng theo từng ngày. Mới đây nhất, tại cuộc họp báo sau cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, ông Trump đã nói rằng ông và ông Tập Cận Bình 'có lẽ không còn là bạn của nhau nữa'.

Có thể thấy rằng, dù yêu những vị lãnh đạo ở các nước đối thủ, ông Trump vẫn luôn tâm niệm quyền lợi của nước Mỹ phải được đặt lên tối thượng.

Tân Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/giai-ma-cam-xuc-cua-ong-donald-trump-voi-doi-thu-3366468/