'Giải mã' cao quý song hành cùng tranh cãi của giải Nobel Hòa bình

Là một trong những giải Nobel được chờ đợi nhất, Nobel Hòa bình cũng đồng thời là danh hiệu đối mặt với nhiều chia rẽ nhất.

Chủ nhân của Nobel Hòa bình 2018 sẽ được công bố vào Thứ Sáu (5/10) sắp tới. Giải thưởng danh giá ra đời nhằm tôn vinh những cá nhân và tổ chức có nhiều cống hiến cho nền hòa bình trên toàn thế giới. Kể từ năm 1901, 98 giải Nobel Hòa Bình đã được công bố, với vinh dự thuộc về 104 cá nhân và 27 tổ chức.

Hai tổ chức đã nhiều lần giành Nobel Hòa bình là Chữ Thập đỏ vào các năm 1917, 1944 và 1963; cùng với Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn vào các năm 1954 và 1981.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) nhận Nobel Hòa bình 2009 (ảnh: Getty)

Người phụ nữ đầu tiên được trao danh hiệu cao quý này là Baroness Bertha von Suttner vào năm 1905. Bà Suttner là tác giả của cuốn sách phản chiến có ảnh hưởng sâu rộng mang tựa đề “Lay Down Your Arms” (1989); đồng thời là người sáng lập ra tổ chức Hòa bình Áo vào năm 1981.

Nobel Hòa bình 2017 và giải thưởng trị giá 770.000 USD được trao cho Chiến dịch Quốc tế về xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) – “vì những công việc nhằm thu hút sự chú ý tới các hậu quả nhân đạo khủng khiếp của việc sử dụng vũ khí hạt nhân và những nỗ lực xuất sắc để đạt được hiệp ước cấm sử dụng các vũ khí này”.

Tuy nhiên, mặc dù có ý nghĩa rất lớn, Nobel Hòa bình cũng là giải thưởng gây nhiều tranh cãi nhất trong mỗi mùa giải. Thông thường, người giành chiến thắng hiếm khi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối; và đôi khi, hành động sau khi đoạt giải của họ lại không phù hợp với những gì họ từng được tôn vinh.

Trong số những chủ nhân Nobel Hòa bình ít bị phản đối nhất bao gồm Tổng thống Mỹ thứ 39 Jimmy Carter, cố Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan, cố nhà văn người Mỹ Elie Wiesel hay Đức mẹ Theresa… Hầu hết những trường hợp còn lại đều ít hay nhiều vấp phải các ý kiến trái chiều, mà mới đây nhất là trường hợp của nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi. Theo thông báo mới nhất, bà San Suu Kyi sẽ không bị tước bỏ giải Nobel Hòa bình giành được vào năm 1991 bất chấp tình hình chính trị phức tạp hiện tại của Myanmar.

Thậm chí, ngay cả danh hiệu của ICAN cũng từng bị đặt câu hỏi, do vũ khí hạt nhân vẫn chưa bị xóa bỏ hoàn toàn trên chính trường quốc tế. Đích thân người đứng Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen đã phải giải thích rằng, giải Nobel giành cho ICAN là một “sự khuyến khích cho tất cả những bên liên quan trong lĩnh vực này”.

(Từ trái sang) Nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, Ngoại trưởng Israel Shimon Peres và Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin với Nobel Hòa bình 1994 (ảnh: Getty)

Năm 2012, quyết định trao giải thưởng cho Liên minh châu Âu (EU) vì những đóng góp trong sáu thập kỷ cho “sự tiến bộ của hòa bình và hàn gắn, dân chủ và nhân quyền tại châu Âu”, đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích nặng nề. Một trong những nguyên nhân đưa ra là nhiều quốc gia thành viên trong khối vẫn duy trì ngành công nghiệp sản xuất vũ khí, và cách EU giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp lúc đó, đã khiến cuộc sống nhiều người dân trở nên tồi tệ hơn.

Việc cựu Tổng thống Barack Obama giành Nobel Hòa bình 2009 – chính là năm ông nhậm chức, cũng khiến nhiều người không hài lòng. Các ý kiến cho rằng, đây là một hành động thiếu sáng suốt bởi vì ngay trong thời kỳ đầu nhiệm kỳ thứ nhất, chính quyền “non trẻ” của ông Obama không có nhiều cơ hội để “củng cố ngoại giao và hợp tác quốc tế giữa các dân tộc”.

Năm 1994, nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin cùng Ngoại trưởng Shimon Peres, đã trở thành đồng chủ nhân của giải Nobel Hòa bình. Quyết định này đã dẫn tới việc một thành viên của Ủy ban Nobel là Kare Kristiansen xin từ chức.

Chắc chắn những tên gây bất ngờ nhất trong danh sách đề cử phải là hai “ông trùm” phát-xít Adolf Htler và Benito Mussolini – mặc dù cả hai người đều không giành giải. Đề cử dành cho Hitler được Nghị sỹ người Thụy Điển Erik Gottfrid Christian Brandt đưa ra. Sau đó, ông này cho biết, lá thư đề cử của ông, trong đó gọi Hitler là “Hoàng tử Hòa bình trên Trái đất”, thực ra mang tính trào phúng chứ không phải là sự thực. Về phần mình, sau khi Nobel Hòa bình 1935 được trao cho nhà văn Carl von Ossietzky, Hitler đã vô cùng giận dữ và ra lệnh cấm tất cả người Đức không được nhận giải trong thời gian mình cầm quyền. Trong khi đó, Mussolini cũng từng hai lần lọt vào danh sách đề cử vì nhiều lý do khác nhau.

Một trong những thiếu sót lớn nhất của các nhà xét chọn giải thưởng Nobel Hòa bình chính là sự vắng mặt của anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi. Được công nhận là một biểu tượng của đấu tranh bất bạo động trong lịch sử thế giới và từng được đều cử 5 lần, nhưng ông Gandhi lại chưa từng trở thành chủ nhân của bất kỳ giải Nobel Hòa bình nào.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/giai-ma-cao-quy-song-hanh-cung-tranh-cai-cua-giai-nobel-hoa-binh-368054.html