'Giải mã cơn sốt đất'

9h sáng nay, Báo Tiền Phong tổ chức buổi Tọa đàm 'Giải mã cơn sốt đất' với sự tham gia của các doanh nghiệp BĐS, cơ quan quản lý, luật sư, chuyên gia quy hoạch để 'chẩn đoán' cơn sốt đất đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Nhà báo, Phó tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng tặng hoa các vị khách mời tại buổi tọa đàm: " Giải mã cơn sốt đất"

Nhà báo, Phó tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng tặng hoa các vị khách mời tại buổi tọa đàm: " Giải mã cơn sốt đất"

TOA DAM BAT DONG SAN 9/4

4 giờ trước

Trực tiếp Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

09/04/2021

09/04/2021

Nhà báo, Phó tổng Biên tập báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng tặng hoa các vị khách mời tại buổi tọa đàm: " Giải mã cơn sốt đất". Ảnh: Duy Phạm

09/04/2021

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu mở đầu tọa đàm

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong phát biểu: Từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021, trên dải đất hình chữ S ở đâu cũng xôn xao về câu chuyện giá đất tăng với các giao dịch bất thường, kèm theo nhiều hệ quả. Trong thời gian qua báo Tiền Phong cũng đã có loạt bài về “cơn sốt” giá đất từ nhiều góc nhìn khác nhau, từ góc nhìn doanh nghiệp, nhà đầu tư, luật sư, nhà quản lý. Nhìn từ góc độ truyền thông, chúng ta thấy có nhiều dấu hiệu bất bình thường trong “cơn sốt” giá đất, từ đô thị đến nông thôn, từ đất công nghiệp đến đất nông nghiệp…

Trước hiện trạng như trên, dư luận xã hội chắc hẳn rất mong muốn được tìm hiểu kĩ càng hơn về thực trạng cơn sốt đất để đi tìm nguyên nhân đích thực cũng như các giải pháp của cơ quan chức năng. Từ đó để nhìn rõ hệ lụy nhằm tạo ra tiếng nói chung, góp phần hạ nhiệt cơn sốt đất để nó về đúng bản chất, ổn định kinh tế xã hội, hạn chế tối đa những hệ lụy mà nó mang lại.

09/04/2021

Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT)

Nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong đặt câu hỏi dành cho ông Lê Văn Bình-Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT): Từng xảy ra nhiều đợt sốt đất nhưng hiện tượng sốt đất, lần này xảy ra ở nhiều nơi, cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đều có thông tin sốt đất. Các ông đánh giá như thế nào về hiện tượng và nguyên nhân sốt đất, tăng giá đất như hiện nay?

Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT): Nhìn từ góc độ nhà quản lý, chúng tôi nhận thấy cơn sốt đất thường có chu kì, cứ khoảng 10 năm lại có 1 cơn sốt đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đầu tư. Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cộng hưởng. Yếu tố đầu tiên là do quy hoạch.

Trước đây khi chưa có Luật Quy hoạch, chúng ta có các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương với các kì khác nhau. Nhưng lần này khi có Luật Quy hoạch, các địa phương và trung ương đồng bộ thống kê hiện trạng để hoạch định ra các kịch bản cho tương lai. Do đó, khi các thông tin về việc dự kiến xây dựng công trình, quy hoạch khu đất mới được đưa ra bàn thảo, người dân sẽ phát sinh tâm lý đất ở khu vực nào đó có giá, trong khi các nhà đầu tư nhận ra tiềm năng về đất ở khu vực quy hoạch.

Yếu tố thứ hai, là vấn đề tài chính. Năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến việc lãi suất ngân hàng xuống thấp, dòng tiền sụt giảm. Vì thế, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn. Mà năm vừa qua, bất động sản và chứng khoán là hai lựa chọn thu hút nhất.

09/04/2021

Vai trò của quy hoạch tác động đến giá đất thế nào?

KTS Phạm Thanh Tùng

Trả lời câu hỏi về vai trò của quy hoạch tác động đến giá đất thế nào? KTS Phạm Thanh Tùng cho biết: Đứng về khía cạnh của một chuyên gia, tôi có nhìn nhận hơi khác một chút. Tôi vẽ biểu đồ về cơn sốt đất thì nó ngày càng dữ dội và công khai, công khai tới độ hỗn loạn. Trước đây, chúng ta không công khai quy hoạch hoặc công khai không hoàn toàn, thì làn sóng giao dịch mua bán đất không như vậy.

Bắt đầu hai vấn đề, người ta không hiểu quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu. Đến lúc đó người ta mới mời nhà đầu tư vào. Cho nên câu chuyện quy hoạch cần có Luật Quy hoạch. Nhưng tuyên truyền cho người dân để họ hiểu thì còn lơ mơ và còn nhiều vấn đề bất cập.

Ví dụ như việc quy hoạch sân bay thì nhiều cái chỉ là dự kiến hoặc mới nằm trên bàn thảo… Khi quy hoạch chưa công khai, mới chỉ rò rỉ thông tin thì bắt đầu có sự hỗn loạn. Nhà đầu tư lừa đảo đang xuất hiện. Thậm chí căng biển, rao bán ngay cả không phải trên đất của mình.

Hà Nội bắt đầu công bố 6 quy hoạch phân khu và quy hoạch sông Hồng thì nên phải lập quy hoạch phân khu ngay. Nhưng nếu chúng ta bẵng đi 10 năm, điều này thực sự nguy hiểm. Sự điểu chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp và quy hoạch của nhà nước.

Ví dụ như việc chúng ta đang làm quy hoạch phân khu sông Hồng nhưng chúng ta nắm đằng ngọn chứ không phải đằng chuôi vì còn nhiều bất cập ở đây. Thậm chí, nhiều người dân đã mua bán đất ở ven sông Hồng. Chúng ta chưa biết tận dụng quy hoạch. Hiện nay hỗn loạn như vậy là vì chúng ta thiếu hướng dẫn dư luận.

09/04/2021

Đi tìm nguyên nhân cơn sốt đất

Ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Duy Phạm

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong nêu câu hỏi với ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội: Ông nhìn nhận thế nào về cơn sốt đất ở Hà Nội hiện nay?

Ông Trần Ngọc Minh cho biết: Với quan điểm của sở Xây dựng tôi hoàn toàn đồng ý với các ý kiến của mọi người ở đây. Hiện nay, cơn sốt đất ở Hà Nội có một số nguyên nhân như mọi người vừa phân tích. Việc sốt đất do một số nguyên nhân: theo chu kì, xu hướng đầu tư của dòng tiền và quy hoạch.

Tuy nhiên, tôi bổ sung thêm một số nguyên nhân khác: Thứ nhất, 2021 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó có chỉ tiêu về phát triển nhà ở, cải thiện điều kiện nhà ở cho người dân…. Thành phố xây dựng kế hoạch và công bố hàng loạt quy hoạch sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Từ những thông tin như vậy, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các khu vực có định hướng phát triển đô thị.

Giả sử như việc Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức được công bố chuẩn bị lên Quận và chúng ta bắt đầu đầu tư giai đoạn khởi điểm nên nhiều người đầu tư và trở thành nguyên nhân đẩy giá đất. Trong thời gian vừa qua, việc hoàn chỉnh đồ án quy hoạch mới được phê duyệt. Do vậy, giá đất được đẩy lên cao nhất trong thời gian qua là đất ở nông thôn, đất vườn- ao, đất lâm nghiệp… Có những nơi tăng lên 100%. Đột biến tăng 200%. Về phía Hà Nội, chúng tôi tập trung xử lý thông tin minh bạch. Nhiều thông tin chỉ ở mức độ rò rỉ thì ngay lập tức, giá đất đã được đẩy lên rất cao. Một trong những nguyên nhân nữa mà phía Sở Xây dựng muốn quản lý chặt đó là một số đối tượng, nhóm đầu cơ thổi giá đất. Hiện nay, chúng ta mới chỉ công bố quy hoạch. Theo tôi, nên công khai cả việc tiến độ thực hiện quy hoạch, thời gian quy hoạch và dự án quy hoạch…

Theo ông Minh, hiện nay, các dự án được phân lô bán nền là rất ít. Còn 90-95% thực hiện quy định tối thiểu xây thô mặt ngoài mới được phép. Chúng ta đang tiến tới điều chỉnh, hoàn thiện quy định về kinh doanh bất động sản, đầu tư phát triển nhà ở… Khi thị trường được minh bạch thì sẽ không tạo ra những cơn sốt đất như hiện nay.

09/04/2021

Giao dịch thực tế khiêm tốn so với cơn sốt ngoài thị trường

Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc

Nhà báo Phùng Công Sưởng đặt câu hỏi với ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc: Dưới góc độ doanh nghiệp phát triển dự án, phân phối bất động sản, xin ông cho biết việc giao dịch tại các phân khúc đất nền, nhà chung cư… diễn ra như thế nào? Có thực sự sốt nóng, sôi động hay không hay chủ yếu là giao dịch ảo?

Ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Bắc cho biết, trong quý I/2021, doanh nghiệp thực hiện hơn 2.000 giao dịch, trong đó có 60% là giao dịch chung cư, 40% là giao dịch thổ cư. Giao dịch thực tế của công ty khiêm tốn so với cơn sốt “nóng” ngoài thị trường, ông Nghĩa nói.

09/04/2021

Khách hàng mua đất giữa cơn sốt đối mặt nhiều rủi ro

Luật sư Trần Thanh Quyết. Ảnh: Duy Phạm

Nói về hệ lụy cơn sốt đất, Luật sư Trần Thanh Quyết cho rằng biết: Hệ lụy của cơn sốt đất rất lớn, nguồn vốn đầu tư bằng vốn nhàn rỗi trên thực tế rất ít trong khi chủ yếu là nguồn vốn đi vay dẫn đến tính trạng nợ xấu, mất thanh khoản của nhà đầu tư khi đầu tư vào một thị trường không minh bạch, dựa trên tin đồn và thiếu cơ sở pháp lý.

Trong khi đó, dưới góc độ pháp lý, khi xảy ra các sự kiện pháp lý phát sinh do cơn sốt đất mang lại các tranh chấp đất đai tăng mạnh, nguồn lực của hệ thống tư pháp để giải quyết rất lớn, kéo theo nhiều hệ lụy về pháp lý đối với không chỉ nhà đầu tư mà còn lãng phí nguồn lực của toàn xã hội. “Việc tạo ra các mặt bằng giá mới không đúng với giá trị thực dẫn đến biến dạng thị trưởng và người mua bán cuối cùng trong cơn sốt đất chịu toàn bộ rủi ro”, Luật sư Quyết nói.

09/04/2021

KTS Phạm Thanh Tùng. Ảnh: Duy Phạm

Trả lời câu hỏi về những hệ lụy trong đầu tư cơ sở hạ tầng khi giá đất quá cao? KTS Phạm Thanh Tùng cho biết: Giá đất ảo nhưng tiền phải bỏ ra là thật. Nhà nước làm quy hoạch nhưng nhà nước không điều chỉnh quy hoạch. Theo tôi, lợi nhuận từ đất vô cùng lớn. Tôi cho rằng, trách nhiệm thuộc về chính quyền. Khi thấy sai cần chấn chỉnh, xử lý ngay chứ không để tình trạng xây dựng trái phép tràn lan để mua bán bất hợp pháp.

09/04/2021

Giá đất lên cao ảnh hưởng tới việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

Ông Trần Ngọc Minh – Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội

Ông Trần Ngọc Minh – Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội: Theo tôi, việc sốt đất hệ lụy đầu tiên chịu ảnh hưởng chính là những nhà đầu tư lao vào cơn sốt này và người cuối cùng chịu hậu quả. Người Việt Nam mình có tâm lý đám đông nhưng đến một lúc nào đó, hiện tượng bong bóng bất động sản vỡ thì có thể giá đất sẽ tụt xuống hoặc bán không ai mua.

Khi giá đất lên cao cũng ảnh hưởng tới việc đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Khi thực hiện giải phóng mặt bằng thì người dân lấy giá giao dịch để đòi hỏi. Chính vì thế việc thực hiện dự án sẽ bị ảnh hưởng.

Thứ hai các nhà đầu tư vào đầu tư dự án cũng bị ảnh hưởng. Do vậy, các trung tâm thẩm định giá sẽ cao lên, sẽ đẩy giá nhà kinh doanh cao lên. Từ đó, hệ lụy tới việc đảm bảo an sinh xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới những người có nhu cầu sử dụng nhà đất. Ở Hà Nội hiện nay, chúng tôi ưu tiên phát triển dự án nhà ở xã hội. Để giải quyết tổng thể chúng ta cần minh bạch thông tin, có sự định hướng, chỉ đạo của chính quyền và định hướng dư luận từ báo chí.

09/04/2021

Cơn sốt đất có thể cản trở sự phát triển của địa phương

Nhà báo Phùng Công Sưởng. Ảnh: Duy Phạm

Nhà báo Phùng Công Sưởng đặt vấn đề: Hệ lụy của cơn sốt đất với Nhà nước, chính quyền địa phương có thể cản trở sự phát triển kinh tế, không giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Do đó dưới góc độ quản lý đất đai, thị trường bất động sản, đại diện Bộ TN&MT có thể đưa ra đánh giá về những hệ lụy mà cơn sốt đất đem đến?.

Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT): Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi nhận thấy cứ qua mỗi lần sốt đất sẽ để lại những hệ lụy rất lớn cho việc điều hành kinh tế xã hội. Kể cả khi giá đất giảm thì cũng neo lại ở một mặt bằng giá mới. Do đó khi thu hồi mặt bằng quy hoạch để phát triển kinh tế xã hội, nhà nước phải bỏ ra lượng ngân sách lớn hơn vì người dân đòi hỏi phí bồi thường cao hơn, đồng thời các nhà đầu tư cũng phải bỏ ra lượng tiền lớn hơn để đầu tư vì giá cho thuê đất tăng. Những điều đó làm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội.

Tôi không phủ nhận việc giá đất không cần tăng, tuy nhiên việc tăng cần tăng trong khuôn khổ phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Thứ hai là hệ lụy về mặt chính sách. Sau mỗi đợt sốt đất, cơ quan quản lý phải vào cuộc để tìm ra giải pháp, yêu cầu các địa phương có biện pháp để ổn định tình hình. Trong đó quy định những loại đất nào được đưa ra giao dịch, nếu có sự thay đổi mục đích sử dụng đất phải nộp chi phí cho ngân sách bởi người dân nhiều khi theo tâm lý đám đông, chưa có sự am hiểu về luật pháp.

09/04/2021

Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT)

Trả lời câu hỏi, liệu có lợi ích nhóm trong việc đầu cơ, thổi giá bất động sản? Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho biết: Giả thiết của người dân đặt ra là quyền của họ còn đảm bảo thông tin là trách nhiệm của nhà quản lý đất đai. Bởi nhà nước luôn cố gắng đưa ra những dự kiến quy hoạch tốt nhất cho người dân nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp phải nhiều vấn đề. Đồng thời, việc quy hoạch phải trải qua nhiều quá trình, nhiều ban ngành với trình tự thủ tục chặt chẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Do đó không thể có chuyện một doanh nghiệp, cá nhân có khả năng chi phối bất động sản được.

09/04/2021

KTS Phạm Thanh Tùng. Ảnh: Duy Phạm

Nói về các biện pháp chặn cơn sốt đất đang diễn ra ở nhiều địa phương, KTS Phạm Thanh Tùng chia sẻ: Quy hoạch rất nhiều bước, rất phức tạp. Lợi ích nhóm thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Lúc này, hội đồng quy hoạch phê duyệt ban đầu biến mất và chỉ còn lại hệ thống chính quyền. Doanh nghiệp khi được bật đèn xanh sẽ lập tức nhảy vào vì lợi nhuận vô cùng lớn. Để ngăn chặn sốt đất trước hết cần công khai quy hoạch, phải họp báo nghiêm túc để công khai thông tin. Định hướng thông tin rất quan trọng. Tôi đánh giá cao Báo Tiền phong trong việc định hướng thông tin cho dư luận, đặc biệt là trong những cơn sốt đất như hiện nay.

09/04/2021

Cùng nói về các phương án ngăn chặn tình trạng sốt đất, luật sư Trần Thanh Quyết cho rằng: Cần xem xét bổ sung vào Bộ luật hình sự hiện hành quy định về hình sự tội “thổi giá đất”. Theo Luật sư Quyết, quy định về tội đầu cơ (Điều 196) hiện nay không còn phù hợp để điều chỉnh những phát vấn đề phát sinh trên thực tế như tình trạng sốt đất hiện nay. Đồng thời, bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề môi giới bất động sản.

09/04/2021

Nhà báo Phùng Công Sưởng nêu vấn đề, những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao về việc chính quyền huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) thu hồi đất vì để hoang hóa, không sử dụng. Dưới góc độ là nhà quản lý, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Văn Bình - Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) và ông Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Trong Luật Đất đai có quy định rõ ràng về việc sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích.

Luật đã quy định nhưng chuyện các địa phương có thực hiện được hay không là vấn đề khác vì nó liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp khác, còn đối với vấn đề của huyện Vân Đồn, nếu người mua không sử dụng đất thì nhà nước có thể thu hồi, tùy theo loại đất và mục đích sử dụng đất.

09/04/2021

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong phát biểu kết thúc buổi tọa đàm.

Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: Thông qua tọa đàm "Giải mã cơn sốt đất", chúng tôi muốn góp tiếng nói, luồng dư luận nhằm hạn chế hệ lụy của những cơn sốt đất ảo. Với mong muốn xây dựng một xã hội văn minh, chính quyền mà người dân thượng tôn pháp luật. Tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, người dân hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Buổi tọa đàm sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính: Phân tích, đánh giá về thực trạng cơn sốt đất khắp nơi vừa qua; giải mã nguyên nhân dẫn đến cơn sốt đất; những di chứng và hệ quả của cơn sốt đất để lại; giải pháp hạ nhiệt cơn sốt giá nhà đất giúp thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Tọa đàm diễn ra tại trụ sở Báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội), với sự tham gia của đại diện cơ quan chức năng như: Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng Hà Nội; lãnh đạo quận huyện nơi giá đất tăng sốt nóng thời gian qua; luật sư, chuyên gia quy hoạch, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối trong lĩnh vực bất động sản…

TPO

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giai-ma-con-sot-dat-post1326824.tpo