'Giải mã' Koshida Takeshi, tân Giám đốc kỹ thuật VFF

Ông Koshida Takeshi không phải nhân vật thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng Nhật Bản. Hình ảnh và thông tin của ông cũng không có nhiều. Đằng sau sự kín tiếng của ông Koshida là một nhà quản lý cấp cao, tận tụy với công việc chuyên môn một cách thầm lặng.

Người trong bóng tối "Nhiều huấn luyện viên Nhật Bản thăng tiến nhanh chóng nhờ danh tiếng khi còn là cầu thủ". Câu nói ấy của ông Miura Toshiya, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam được đúc kết từ những gì ông đã trải qua. Nếu như hai HLV Nishino Akira và Moriyasu Hajime đã cầm quân tại những đội bóng hàng đầu Nhật Bản rồi dẫn dắt đội tuyển quốc gia thì Miura lại không có may mắn như thế.

VFF ký hợp đồng với ông Koshida dựa trên năng lực chuyên môn và trải nghiệm, chứ không phải những thành tích trong quá khứ.

VFF ký hợp đồng với ông Koshida dựa trên năng lực chuyên môn và trải nghiệm, chứ không phải những thành tích trong quá khứ.

Câu chuyện của Koshida Takeshi, tân Giám đốc kỹ thuật VFF cũng không khác ông Miura. So với cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Koshida có xuất phát điểm tốt hơn nhiều thời còn thi đấu. Từng là một cầu thủ vô danh ở trường trung học, cuộc đời chàng trai Koshida Takeshi đột nhiên rẽ sang trang mới khi anh được chọn vào đội tuyển chọn thi đấu giải toàn Nhật Bản.

Ở thập niên 70 của thế kỷ trước, bóng đá Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn hồng hoang. Họ chưa có hệ thống giải vô địch chuyên nghiệp quốc gia như bây giờ, và các giải đấu dành cho học sinh, sinh viên toàn Nhật Bản cũng chưa hoàn thiện. Trong bối cảnh ấy, một người như Koshida được lựa chọn để thi đấu nơi hàng phòng ngự chỉ vì một lý do: Thể hình tốt.

Cao 1m82 và nặng 78kg, Koshida có vóc dáng lớn hơn khá nhiều so với những cầu thủ Nhật Bản đồng trang lứa.

Nền tảng thể chất tốt càng giúp ông có lợi thế trong những pha không chiến, một điều bóng đá Nhật Bản vẫn rất thiếu ở thời điểm ấy. Bên cạnh đó, Koshida còn sở hữu tốc độ tốt, giúp ông có thể chuyển sang đá hậu vệ cánh khi cần thiết.

Việc được gọi vào đội tuyển U20 Nhật Bản trở thành tấm vé giúp Koshida có học bổng vào thẳng trường Đại học Tsukuba. 4 năm học đại học là khoảng thời gian ông thường xuyên góp mặt trong đội hình các đội tuyển trẻ Nhật Bản thi đấu quốc tế. Năm 1979, Koshida là một trong những cầu thủ Nhật Bản tham dự giải vô địch U20 thế giới trên tư cách nước chủ nhà.

Một năm sau đó, Koshida được triệu tập lên đội tuyển quốc gia thi đấu vòng loại World Cup. Hào quang của một tuyển thủ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường giúp Koshida được một CLB Nhật Bản chiêu mộ ngay sau khi ông tốt nghiệp. Trong màu áo CLB bóng đá Nissan Motor, Koshida và các đồng đội vô địch Cúp Hoàng đế Nhật Bản 2 lần vào năm 1983 và 1985.

Với nhiều cầu thủ Nhật Bản, dấu mốc 23-28 tuổi là quãng thời gian giúp họ có bước nhảy vọt trong sự nghiệp.

Nhưng về phần Koshida Takeshi, ông lại chứng kiến bản thân mình tụt lại phía sau. Đó cũng là lý do khiến cái tên của ông không gây ấn tượng quá nhiều với những nhà quản lý bóng đá Nhật Bản, ngay cả khi ông sở hữu chứng chỉ huấn luyện bóng đá cao cấp nhất.

Học từ những thất bại Nếu nhắc lại những câu chuyện cũ, HLV Koshida Takeshi có lẽ cũng tự trách bản thân vì không thể nắm lấy cơ hội vàng thời trẻ. Vào khoảng thời gian mới bước lên thi đấu chuyên nghiệp, ông được kỳ vọng trở thành hậu vệ số một Nhật Bản nhờ những thế mạnh sẵn có. Nhưng áp lực của vị trí hàng đầu đã khiến Koshida liên tục mắc sai lầm không đáng có mỗi khi ra sân.

Những bài viết cũ được đăng trên báo chí Nhật Bản cho thấy Koshida từng khiến đội nhà phải nhận bàn thua từ những pha phá bóng lỗi. Ông cũng thường xuyên để hổng vị trí mỗi khi lên tham gia tấn công và không chạy về hỗ trợ phòng ngự kịp thời. Ngay cả khi được trao thêm cơ hội để chứng tỏ bản thân, Koshida cũng không thể đáp lại niềm tin tại đội tuyển quốc gia.

Trên thực tế, bóng đá Nhật Bản thập niên 80 vẫn ở cấp độ khá thấp so với những quốc gia châu Á khác. Họ lần đầu giành vé dự World Cup vào năm 1998, sau gần 10 năm tiến bộ thần tốc tại nhiều giải đấu quốc tế khác nhau. Koshida không có một tập thể đủ mạnh để cùng nhau tiến bộ, nhưng ở vị trí của một người trực tiếp mắc lỗi, ông đương nhiên phải chịu trách nhiệm.

Năm 1985, ở tuổi 25, Koshida có trận đấu cuối cùng trong màu áo đội tuyển Nhật Bản. Ông để mất vị trí vào tay Yoshinori Ishigami, một người không có những tố chất nổi trội như mình. Thứ duy nhất Ishigami giỏi hơn Koshida là phong độ ổn định và chăm chỉ phòng ngự. Trở lại câu lạc bộ, Koshida cũng dần mất vị trí chính thức vào tay những hậu vệ khác.

Năm 1989, khi bước sang tuổi 29, Koshida biết sự nghiệp thi đấu của ông không còn nhiều dư địa phát triển nữa.

Ngay cả khi phong độ cải thiện, ông vẫn không được gọi trở lại đội tuyển quốc gia. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông quyết định rời đội vào giữa mùa giải để học làm HLV, đồng thời tìm thêm cơ hội mới trong màu áo một đội bóng quê nhà.

Koshida là một trong những HLV có chứng chỉ huấn luyện cao cấp nhất của Nhật Bản, nhưng lại gần như chưa bao giờ làm việc tại các đội J.League.

Sự nghiệp thi đấu không như ý muốn thời còn làm cầu thủ đã cản trở Koshida trên con đường làm HLV, khiến ông buộc phải đảm nhiệm vị trí như Giám đốc kỹ thuật và cố vấn ở những đội bóng thuộc hệ thống giáo dục Nhật Bản.

Việc lựa chọn một HLV như ông Koshida Takeshi làm Giám đốc kỹ thuật cho thấy tư duy rất mới của VFF.

Bóng đá Việt Nam không tìm đến những chuyên gia với bản CV hoành tráng nữa mà nhìn nhận dựa trên năng lực thực tế và trải nghiệm của HLV.

Những ký ức buồn khi còn làm cầu thủ của ông Koshida sẽ là hành trang quý giá để ông làm việc trên cương vị mới, nơi ông không cho phép các học trò của mình lặp lại sai lầm nữa.

An Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/giai-ma-koshida-takeshi-tan-giam-doc-ky-thuat-vff-i695545/