Giải mã nguyên nhân hàng loạt vụ cháy các công ty gỗ tại Bình Dương

Sau sự kiện hàng loạt công ty gỗ liên tục phát hỏa trong thời gian vừa qua tại tỉnh Bình Dương, lực lượng PCCC đã họp bàn xác định nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn.

Sáng 2/3, Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp với nhiều đơn vị thuộc PCCC đóng trên địa bàn tỉnh và hiệp hội Các doanh nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, để làm rõ nguyên nhân nhiều vụ cháy vừa xảy ra trên địa bàn cũng như công tác PCCC.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số vụ cháy điển hình vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngày 21/2 (tức mùng 6 Tết Mậu Tuất 2018) vừa qua, vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại công ty cổ phần Phở Việt, nằm trong KDC Thuận Giao, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, ngọn lửa bùng phát vào buổi tối khiến công tác chữa cháy ban đầu không kịp thời.

Lực lượng PCCC thị xã Thuận An đã điều động 5 xe chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ có mặt triển khai công tác dập lửa. Nhiều lính cứu hỏa phải leo lên mái nhà, phun nước trực tiếp để khống chế cháy lây lan.

Hay như vụ cháy vào trưa 25/2 tại công ty gỗ Mỹ Nghệ 3 (nằm trên đường Mỹ Phước Tân Vạn, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, Bình Dương) làm khu vực nhà xưởng rộng hơn 1.000m2 biến thành “biển lửa" nhiều tài sản, nhà xưởng bị thiêu rụi hoàn toàn.

Ngoài ra, ngày 27/2 tại công ty TNHH Hải Hùng Phát, khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TX Thuận An khu vực lò sấy mùn cưa để làm viên nén gỗ bị nổ, bắn nhiều tia lửa thiêu cả khu nhà xưởng lớn.

Vụ cháy xảy ra tại xưởng gỗ khiến toàn bộ nhà xưởng bị thiêu rụi.

Nói về những vụ cháy lớn và thường xuyên xảy ra tại một số doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất gỗ, Trung tá Nguyễn Thanh Điệp - Phó Giám đốc PCCC tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian từ đầu năm 2018 đến nay, tại tỉnh Bình Dương hỏa hoạn xảy ra với nhiều diễn biến phức tạp.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều đơn vị, doanh nghiệp chế biến gỗ đóng trên địa bàn đã gặp hỏa hoạn và chịu thiệt hại nặng nề.

Nguyên nhân xác định là do doanh nghiệp, các cơ sở chế biến, sản xuất gỗ thực hiện không nghiêm túc về quy định PCCC.

Theo ông Điệp ngoài việc chấp hành về an toàn PCCC thì doanh nghiệp, công ty phải nâng cao ý thức của người lao động về PCCC đề phòng mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng - Phó Trưởng phòng Chỉ đạo và hướng dẫn về phòng cháy Công an tỉnh Bình Dương cho biết, qua thực tế đối với ngành gỗ có nguy cơ cháy luôn tiềm ẩn mọi lúc mọi nơi. Trong một đơn vị sản xuất gỗ sẽ có mùn cưa, dăm bào, bụi gỗ bám trên đường dây dẫn điện, sàn nhà nếu không được vệ sinh lâu ngày sẽ tích tụ và gây ra cháy.

Bên cạnh đó, trong quá trình bào, cưa và chà nhám nếu gỗ có lẫn sắt thép khi tiếp xúc ma sát với lưỡi cưa, lưỡi bào… sẽ phát sinh ra tia lửa làm cháy bụi gỗ, mùn cưa.

Hay dầu máy rớt xuống nền nhà cùng mùn cưa cũng có khả năng tự bốc cháy… Ngoài ra, quá trình sử dụng dung môi để sơn, sẽ tích tụ nhiều nguyên liệu gây cháy, hoặc các thùng tôn khi cọ xát với nền nhà cũng sẽ tạo ra tia lửa gây hỏa hoạn…

Lực lượng PCCC tỉnh Bình Dương thông tin về một số vụ cháy và cách phòng cháy.

Theo Thiếu tá Tùng, để ngăn chặn hỏa hoạn xảy ra, khi xây dựng mở rộng cơ sở sản xuất chế biến gỗ doanh nghiệp cần phải chấp hành các tiêu chuẩn, quy định hiện hành về PCCC và phải được cơ quan PCCC thẩm duyệt

Đồng thời, phải đảm bảo khoảng cách an toàn, bậc chịu lửa, các cấu kiện ngăn cháy, giải pháp chống cháy lan, không sử dụng vật liệu dễ cháy làm trần, vách ngăn, thường xuyên dọn dẹp nhà xưởng, khu phế liệu phải hoàn toàn tách biệt để ngăn hỏa hoạn.

Đặc biệt, mỗi doanh nghiệp phải là một cơ sở PCCC, luôn nâng cao ý thức về việc phòng chống hỏa hoạn.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải thường xuyên tập huấn, nâng cao ý thức của bản thân và mỗi người lao động để họ có được kiến thức, hiểu biết tầm quan trọng trong việc chống “giặc lửa”.

Liên quan tới vấn đề cháy nổ diễn ra phức tạp tại nhiều công ty gỗ, ông Nguyễn Hải Sơn – Chánh văn phòng hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương tỏ ra lo lắng về tình trạng mất an toàn cháy nổ trong thời gian gần đây.

Bởi mỗi khi xảy ra hỏa hoạn là dường như không thể khống chế nếu khống chế được thì nhiều tài sản đã bị thiêu rụi.

Nhiều vụ cháy đã gây hậu quả nặng nề

Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi nhắc tới Cảnh sát PCCC hoặc khi cháy thì rất ít khi gọi sớm vì sợ phải đóng nhiều tiền…

Trả lời về vấn đề trên, Trung tá Nguyễn Thanh Điệp chia sẻ thẳng thắn rằng, điều quan trọng nhất là khi cháy doanh nghiệp gọi ngay cho đơn vị chữa cháy để kịp thời triển khai xe và lực lượng tới khống chế.

Các doanh nghiệp, người dân không nên sợ khi gọi chữa cháy, vì Nhà nước đã có quy định, quy chế rõ ràng cho từng người, từng trường hợp.

Thời gian tới, lực lượng PCCC sẽ phối hợp nhiều hơn với các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn để khắc phục, hạn chế tình trạng cháy nổ.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/di-tim-nguyen-nhan-hang-loat-vu-chay-cong-ty-go-tai-binh-duong-a360682.html