Giải mã nguyên nhân khiến nhiều người vẫn tử vong vì COVID-19

Các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành phân tích trên các bệnh nhân COVID-19 để xác định nguyên nhân vì sao các chủng Omicron mới gây bệnh nhẹ với đa số, nhưng vẫn khiến hàng ngàn người khác tử vong mỗi tuần trên toàn cầu.

COVID-19 đã không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu từ ngày 5-5, theo phán quyết của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuy nhiên giải quyết con số tử vong do dịch bệnh này vẫn là thách thức của ngành y. Báo cáo công bố hôm 12-5 của WHO tiếp tục ghi nhận hơn 17.000 ca tử vong do COVID-19 toàn cầu chỉ trong 28 ngày trước đó.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Northwestern ở Illinois đã đi tìm câu trả lời ví sao dịch bệnh đã có vắc-xin và thuốc điều trị này vẫn gây chết người đến thế.

Khả năng gây tử vong trực tiếp của SARS-CoV-2 không còn cao, nhưng mối nguy có thể đến từ các mầm bệnh cơ hội xâm nhập cơ thể khi một người đang tạm yếu đi vì nó (Ảnh minh họa từ Internet)

Khả năng gây tử vong trực tiếp của SARS-CoV-2 không còn cao, nhưng mối nguy có thể đến từ các mầm bệnh cơ hội xâm nhập cơ thể khi một người đang tạm yếu đi vì nó (Ảnh minh họa từ Internet)

Theo Science Alert, nhóm đã xem xét hồ sơ của 585 người được đưa vào đơn vị hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Northwestern Memorial, cũng ở Illinois. Tất cả họ đều là bệnh nhân viêm phổi nặng hoặc suy hô hấp, trong đó có 190 người mắc COVID-19.

Các tính toán cho thấy trong các bệnh nhân hiện tại, "cơn bão cytokine" - phản ứng quá mức của hệ miễn dịch gây tử vong phổ biến ở bệnh nhân COVID-19 thời kỳ Delta trở về trước - không phải là "sát thủ" hàng đầu như dự kiến nữa.

Thay vào đó, bệnh nhân COVID-19 nặng có khả năng phát triển bệnh viêm phổi thứ phát liên quan đến máy thở. Một số bệnh nhân bị viêm phổi dạng này không đáp ứng tốt với điều trị và nó trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

"Dữ liệu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ tử vong liên quan đến bản thân virus hiện nay là tương đối thấp, nhưng những thứ khác xảy ra ở ICU, như viêm phổi thứ phát do vi khuẩn, đã gây ra điều đó" - nhà nghiên cứu về phổi Benjamin Singer cho biết.

Kết quả trên gợi ý ra những chiến lược nhằm cải thiện kết quả điều trị tại ICU, nhằm làm giảm tử vong.

Tuy nhiên các tác giả cũng lưu ý rằng điều này không có nghĩa là COVID-19 ít nguy hiểm hơn. Theo nhiều nghiên cứu từ đầu giai đoạn đại dịch, với các bệnh nhân mang yếu tố nguy cơ, bất kỳ nhiễm trùng nhẹ nào ban đầu cũng có thể là "mồi lửa" khơi nguồn cho hàng loạt tình trạng nghiêm trọng khác. Nên cách tốt nhất là kiểm soát căn bệnh ban đầu đó, tránh nhiễm hoặc tránh diễn tiến nặng bằng các công cụ sẵn có.

Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Investigation.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/giai-ma-nguyen-nhan-khien-nhieu-nguoi-van-tu-vong-vi-covid-19-20230513075818413.htm