Giải mã sức hút của 'Tây Du Ký: Nữ nhi quốc' tại Việt Nam lẫn Trung Quốc

Những yếu tố cần thiết của tác phẩm điện ảnh 'Tây du ký 3: Nữ nhi quốc' khiến khán giả không thể bỏ qua trong dịp Tết Mậu Tuất này: hài hước, tâm lý và cảnh quay đẹp.

Ấn định thời gian lên sóng sẽ vào mùng một Tết Nguyên Đán năm nay, Tây du ký 3: Nữ nhi quốctừng được xem là một đối thủ nặng ký với tác phẩm Tróc Yêu Ký 2. Với kinh phí đầu tư lên đến 550 triệu Nhân dân tệ, Tây du ký 3: Nữ nhi quốc được xem là bộ phim có chi phí sản xuất cao nhất trong lịch sử phim chiếu rạp vào dịp lễ Tình nhân tại xứ sở gấu trúc. Tác phẩm đồng thời chứng minh năng lực của mình không thua kém bất kỳ dự án điện ảnh bom tấn nào. Dưới đây là những lí do tại sao khán giả nên lựa chọn xem Tây du ký 3: Nữ nhi quốc trong dịp Tết Mậu Tuất này.

Đủ hài hước để khiến khán giả cười nắc nẻ

Tây du ký 3: Nữ nhi quốc tuy thuộc thể loại huyền huyễn nhưng những yếu tố hài hước đan xen trong tác phẩm cũng khiến khán giả cười nắc nẻ. Tuy nội dung phần lớn dựa trên sự kiện gặp kiếp nạn tại vương quốc Nữ nhi của thầy trò Đường Tăng, nhưng đạo diễn lẫn biên kịch cũng đồng thời lồng ghép vào những cảnh quay hài hước, nhằm lôi cuốn và hấp dẫn người xem, để họ không bị nhàm chán. Đoàn làm phim đã khéo léo “nhào nặn” và thêm một số cá tính đặc biệt cho bốn thầy trò, cùng với những câu thoại không thể hài hơn.

Nếu như Đường Tăng trong các tác phẩm Tây du ký khác có phần nghiêm túc, đạo mạo và hiền từ thì Đường Tăng của Phùng Thiệu Phong lại vô cùng lầy lội và có phần bá đạo. Chẳng hạn như, khi Tôn Ngộ Không (Quách Phú Thành) mong thầy cho phá cửa lao ngục, thì Đường Tăng đã không ngần ngại mà thốt lên: “Vậy thì con mau mau phá đi!” - một điểm nhấn hoàn toàn đi ngược lại với tính cách quen thuộc của vị sư thầy Đường Tăng trong những tác phẩm khác.

Không chỉ Đường Tăng thay đổi, mà nhân vật khác như Sa Tăng (La Trọng Khiêm) cũng thay đổi một chút. Sa Tăng của Tây du ký 3: Nữ nhi quốc thêm lực lưỡng hơn với những cơ bắp cuồn cuộn, và ngượng chín người khi lần đầu tiên được con gái ôm, thế nhưng, bản chất thật thà và ngay thẳng của anh trong phim vẫn được giữ nguyên.

Trong khi đó, bản tính háo sắc của Trư Bát Giới (Thẩm Tiểu Dương) và Tôn Ngộ Không vẫn không thay đổi. Bản tính háo sắc của Trư Bát Giới trong phim vẫn được mô tả một cách khái quát nhất qua những cảnh quay trộm nhìn người khác tắm hay biến hình để đi cưa cẩm con gái nhà lành. Bản tính tôn thờ sư phụ, một lòng thỉnh chân kinh và loi nhoi của Tôn Ngộ Không vẫn được đạo diễn giữ nguyên và thêm thắt nhiều cảnh quay hài hước vào khiến Tôn Ngộ Không cũng trở nên đặc biệt hơn trong mắt người xem.

Tác phẩm hài hước thôi chưa đủ, khi mua lại bản quyền, bộ phận lồng tiếng còn không ngần ngại thêm lời thoại vào như cảnh quay hát Người lạ ơicủa nhân vật trong Lạc thai động. Đó có thể mang lại tiếng cười cho khán giả, nhưng cũng đồng thời gây phản cảm đối với một số người xem khó tính. Bên cạnh đó, việc lồng tiếng bằng những câu từ khá hiện đại từ phía nhà mua bản quyền cũng có thể là một điểm trừ đối với Tây du ký 3: Nữ nhi quốc khi ra mắt tại Việt Nam. Dù biết rằng lồng tiếng hay khâu phiên dịch dùng những từ ngữ đó để gần gũi và tạo tiếng cười cho người xem, nhưng liệu có nên không khi một tác phẩm đã có quá nhiều cảnh hài và cần một sự nghiêm túc trong lời thoại?

Trailer phim Tây Du Ký: Nữ nhi quốc.

Hài hước, nhưng cảm động cũng không hề thiếu

Nếu nói Tây du ký 3: Nữ nhi quốchài hước không thì chưa đủ, chúng ta cần phải thêm cả từ tâm lý thì mới miêu tả chính xác tác phẩm điện ảnh này. Tiếp nối câu chuyện phần trước, sau khi thoát khỏi ma trảo của Bạch Cốt Tinh, thầy trò Đường Tăng đi đến Vong Xuyên Hà, và vì chọc giận Hà thần mà đã đi vào Tây Lương nữ giới. Khi đến nơi, sau cuộc hội ngộ đầu tiên với Nữ vương (Triệu Lệ Dĩnh), mọi người bị bắt và đưa vào trong hoàng cung. Trên đường đi, cả bốn thầy trò mới phát hiện quốc gia này chỉ có phụ nữ, và chưa từng có một người đàn ông nào đặt chân đến vương quốc này. Tất cả người dân của Nữ nhi quốc đều xem đàn ông như kẻ địch không đội trời chung và là một loại thuốc độc, gặp là phải tiêu diệt ngay.

Bên cạnh đó, trong tích xưa có lời tiên đoán, ngày có một vị hòa thượng từ Đông Thổ dẫn theo một con khỉ, một con heo và một người đàn ông lực lưỡng đến đây, thì đó cũng là lúc Nữ nhi quốc đi vào con đường diệt vong. Chính vì thế mà bốn thầy trò bị đem ra tử hình. Tuy nhiên, vì đem lòng yêu Đường Tăng, hoàng thượng đã không ngần ngại tráo đổi cung tên để họ được sống và tìm đường trở ra cho họ.

Tây du ký 3: Nữ nhi quốc hấp dẫn người xem bằng tình yêu huyền ảo giữa Đường Tăng và Nữ vương Nữ nhi quốc. Câu chuyện tình cảm của họ cuối cùng vẫn là một kết thúc buồn, vì Đường Tăng lựa chọn tiếp tục con đường tu hành, đến Tây thiên thỉnh kinh phổ độ chúng sinh, rời khỏi Nữ vương. Thế nhưng, những cảnh quay cảm động của họ trong lúc vượt qua sông Khổ ải, hay lúc họ im lặng chép kinh thư vượt núi này đồi nọ, hoặc lúc rơi xuống nước, Nữ vương choàng áo cà sa qua người Đường Tăng như một lời nhắn nhủ ông hãy tiếp tục con đường tu hành này, khiến không ít khán giả cảm động.

Có thể nói, Triệu Lệ Dĩnh và Phùng Thiệu Phong chỉ trong thời lượng 100 phút của tác phẩm đã khái quát và mô tả trọn vẹn tình yêu huyễn hoặc giữa Nữ vương và Đường Tăng qua từng cử chỉ và ánh mắt dành cho nhau. Tôn Ngộ Không thậm chí còn từng sợ hãi vì áo cà sa của Đường Tăng cứ luôn tuột mãi và không siết chặt lại được.

Diễn viên đẹp, thực lực

Nhận xét về năng lực diễn xuất của dàn diễn viên chính, khán giả chỉ có thể đánh giá 10/10. Triệu Lệ Dĩnh trong tác phẩm đã trưởng thành hơn trong diễn xuất, không còn vẻ nghiêm nghị lạnh lùng nhiều cảnh quay như Sở Kiều trong Sở Kiều Truyện. Trong phim, cô đã thể hiện được năng lực của mình qua nhiều hành động như bẽn lẽn khi lần đầu tiên gặp đàn ông, ngượng ngùng và đơ cứng khi tiếp xúc với người mình yêu.

Trong khi đó, Thiên vương Quách Phú Thành lại lần nữa chứng minh kinh nghiệm diễn xuất đầy mình khi thể hiện vô cùng thành công vai diễn Tôn Ngộ Không. Bên cạnh đó, cả La Trọng Khiêm và Thẩm Tiểu Dương cũng không hề thua kém khi đều tạo ra một nét riêng cho nhân vật của mình. Có một chút tiếc nuối khi Phùng Thiệu Phong ở một vài cảnh quay vẫn khá cứng trong việc thể hiện tình cảm và khiến người xem không cảm nhận được sự day dứt và lưỡng lự trong việc lựa chọn giữa tình yêu hay tiếp tục con đường tu hành. Tuy nhiên, đây cũng là một bước tiến bộ mới của anh, ở hầu hết các cảnh quay đều thể hiện cảm xúc khá đầy đủ và cảm được người xem.

Tây du ký 3: Nữ nhi quốc hiện đang công chiếu ở các rạp Việt Nam, ra mắt từ ngày 14/02, dự kiến sẽ là một đối thủ nặng ký với Tróc Yêu Ký 2 trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.

Lạc Lạc

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/giai-ma-suc-hut-cua-tay-du-ky-nu-nhi-quoc-tai-viet-nam-lan-trung-quoc-2234930.html