Giải mã sức hút giúp Singapore thành 'trung tâm Fintech' của ASEAN

Singapore luôn được biết đến là thị trường lý tưởng cho các công ty Fintech khởi nghiệp hay mở rộng trong khu vực...

Dòng vốn đầu tư ổn định, ưu đãi từ phía chính phủ và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ tài chính Singapore phát triển.

Dòng vốn đầu tư ổn định, ưu đãi từ phía chính phủ và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ tài chính Singapore phát triển.

Môi trường pháp lý cởi mở, cơ sở hạ tầng hàng đầu và đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, Singapore hội tụ đầy đủ yếu tố để duy trì vị trí dẫn đầu trong bối cảnh fintech tăng trưởng mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Singapore có dân số chỉ khoảng 5,4 triệu người.

Nhưng, trái với nhận định thông thường – quy mô thị trường nhỏ sẽ kém hấp dẫn đối với các công ty Fintech, quốc gia này lại chính là trung tâm Fintech của ASEAN, nơi đặt trụ sở của khoảng 40% công ty Fintech khu vực. Singapore luôn là điểm đến đầu tư fintech hàng đầu khu vực, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, quốc gia này vẫn nhận gần một nửa nguồn tài trợ Fintech của ASEAN.

Theo một báo cáo của Đại học Quốc gia Singapore, Singapore được nhiều công ty Fintech coi là “bàn đạp” để tiếp cận các thị trường ASEAN khác. Thông thường, các công ty Fintech nếu muốn mở rộng sang thị trường ASEAN sẽ chọn đặt trụ sở tại quốc gia này nhằm tận dụng những ưu thế như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính phủ, nhân lực chất lượng cao...

Chẳng hạn như, Futu Holdings, một công ty Fintech có trụ sở tại Hồng Kông, khi được hỏi về lý do lựa chọn Singapore để mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Leaf Hua Li, Giám đốc điều hành của Futu Holdings nói rằng “Việc mở rộng sang Singapore là một quyết định chiến lược vì. Họ sẽ giúp chúng tôi kết nối với phần còn lại của Đông Nam Á”.

ĐIỂM ĐẶC BIỆT NHÂN KHẨU HỌC LÀ LỢI THẾ CỦA HỆ SINH THÁI FINTECH SINGAPORE

Singapore là một trong những quốc gia có người nước ngoài và người nhập cư lớn nhất Đông Nam Á. Đối với một số công ty Fintech, đặc điểm này khiến Singapore càng trở nên hấp dẫn vì cộng đồng này chính xác là người dùng mục tiêu của các dịch vụ Fintech của họ.

Chẳng hạn, hiện nay, cộng đồng người Trung Quốc được cho là chiếm đến 18% người nhập cư của đất nước. Điều này góp phần tạo ra làn sóng các công ty Fintech Trung Quốc tràn vào phục vụ công dân Trung Quốc tại Singapore.

"Trái với nhận định thông thường – quy mô thị trường nhỏ sẽ kém hấp dẫn đối với các công ty Fintech, Singapore lại chính là trung tâm Fintech của ASEAN, nơi đặt trụ sở của khoảng 40% công ty Fintech khu vực".

Ngoài ra, Singapore còn là nơi sinh sống của những cá nhân có giá trị tài sản lớn. Quốc gia này hiện đang giữ vị thể là trung tâm tài sản lớn thứ 3 trên thế giới. Theo PwC, các cá nhân có giá trị tài sản cao đang nhiệt tình áp dụng công nghệ, họ sẵn sàng chi trả và có nhu cầu mạnh mẽ đối với các dịch vụ của Wealthtech.

Theo đó, lĩnh vực quản lý tài sản đang phát triển nhanh chóng tại Singapore. Hiện nay, nhiều công ty Wealthtech hàng đầu Đông Nam Á đều có trụ sở tại Singapore. Theo báo cáo từ KPMG và Endowus, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho WealthTech ở Singapore đã tăng gấp 7 lần từ 23 triệu USD năm 2017 lên 161 triệu USD vào năm 2022.

Theo Đại học Quốc gia Singapore, trong những năm qua, các công ty Wealthtech có trụ sở tại Singapore có xu hướng mở rộng sang các khu vực khác. Ví dụ, kể từ khi thành lập vào năm 2015, Funding Societies có trụ sở tại Singapore cũng đã mở rộng sang thị trường Malaysia và Thái Lan, trở thành nền tảng tài trợ SME lớn nhất trong khu vực.

Sự thống trị của Singapore với tư cách là trung tâm Fintech của khu vực cũng được thể hiện rõ qua sự gia tăng đơn xin giấy phép ngân hàng kỹ thuật số của các công ty Fintech, trong đó có những cái tên nổi bật như Greenland Financial Holdings và Ant Financial Group. Sự quan tâm mạnh mẽ này là minh chứng cho niềm tin của thị trường vào việc Singapore là nơi ươm mầm lý tưởng cho ngân hàng kỹ thuật số.

KHUNG PHÁP LÝ THUẬN LỢI

Khung pháp lý tiên tiến dành cho Fintech là lý do khiến Singapore trở thành một nơi lý tưởng để các cá nhân và doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ. Trong nỗ lực khẳng định vị thế là trung tâm Fintech của ASEAN, chính phủ Singapore đã đưa ra rất nhiều sáng kiến hỗ trợ ngành Fintech.

Đáng chú ý, năm 2016, Singapore là quốc gia đầu tiên thiết lập sandbox quản lý cho các công ty khởi nghiệp Fintech. Cơ chế thử nghiệm cung cấp một không gian an toàn cho các công ty Fintech kiểm tra tính khả thi của sản phẩm bằng cách sử dụng tiền thật và không phải lo lắng về bộ hướng dẫn quy định hoàn chỉnh trong thời kỳ hộp cát.

Các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của Singapore cũng rất hấp dẫn đối với các công ty Fintech. Ngay cả khi phải đối mặt với suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19, chính phủ Singapore đã triển khai Khoản tài trợ MAS-SFA-AMTD trị giá 6 triệu đô la Singapore để hỗ trợ các công ty Fintech duy trì hoạt động.

Về mạng lưới, Hiệp hội FinTech Singapore cũng đã phát triển thành một trong những hiệp hội FinTech lớn nhất thế giới và Lễ hội Fintech Singapore hàng năm đã chứng kiến số lượng người tham gia kỷ lục, trở thành sự kiện Fintech lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới.

Với hàng loạt thuận lợi như trên, có thể hiểu vì sao Singapore có một hệ sinh thái Fintech khởi nghiệp sôi động. Ngoài ra, cơ cấu dân số thuận lợi và môi trường thân thiện với doanh nghiệp so với các nước ASEAN khác chính là những yếu điểm giúp Singapore dẫn đầu về lĩnh vực Fintech trong khu vực.

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giai-ma-suc-hut-giup-singapore-thanh-trung-tam-fintech-cua-asean.htm