Giải mã thông điệp của Mỹ khi bắn hạ máy bay của Iran

Động thái quân sự của Mỹ đã cho thấy giới hạn mức chịu đựng của nước này trước các hành động của Iran.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 18-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tàu đổ bộ tấn công USS Boxer đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) của Iran ở eo biển Hormuz. Ông chủ Nhà Trắng cho biết chiếc UAV “lập tức bị phá hủy” khi bay cách tàu chỉ 914 m.

“Đây là hành động khiêu khích và thù địch mới nhất của Iran nhằm vào các tàu hoạt động trong vùng biển quốc tế. Mỹ có quyền bảo vệ lực lượng, phương tiện, lợi ích và kêu gọi các nước lên án hành động cản trở tự do hàng hải và thương mại toàn cầu của Iran” - ông Trump khẳng định.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trao đổi với các phóng viên tại Liên Hiệp Quốc: “Hiện tại chúng tôi không có thông tin gì về việc mất một chiếc máy bay không người lái”.

Iran chạm đến lằn ranh đỏ của Mỹ

“Động thái quân sự của Mỹ thực chất không phải là đòn trả đũa vụ Tehran bắn rơi UAV hơn 200 triệu USD của nước này hồi tháng 6-2019. Vụ bắn hạ UAV lần này là nhằm vạch ra lằn ranh đỏ với Iran” - chuyên gia về xung đột quân sự Tom Rogan của tạp chí The Washington Examiner nhận định.

Theo ông Rogan, có hai nguyên nhân khiến hành động tự vệ của USS Boxer trở thành chính đáng. Thứ nhất, máy bay không người lái có vũ trang là một trong bốn thành phần chủ lực của chiến lược chiến tranh mà Tehran đang theo đuổi trong khu vực vùng Vịnh. Ba thành phần còn lại là tên lửa đối hạm, mìn và các tàu tác chiến cơ động.

Thứ hai, mục đích của vụ tấn công lần này của Iran là một phép thử để xác định giới hạn của Washington. Qua việc đe dọa trực tiếp đến khí tài và nhân lực của các lực lượng quân sự Mỹ, Tehran muốn biết quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ lợi ích lớn tới đâu cũng như sẽ triển khai các phương án đối phó như thế nào.

Tàu đổ bộ tấn công USS Boxer. Ảnh: AFP

Tàu đổ bộ tấn công USS Boxer. Ảnh: AFP

Ngoài ra, UAV của Iran được cho là đã nhiều lần nhận được cảnh báo rút lui từ USS Boxer nhưng vẫn tiếp tục tiến tới cho đến khi bị bắn hạ.

“USS Boxer đang chở theo Đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh Hàng hải số 11 với hơn 2.000 binh sĩ. Do đó, UAV Iran thực sự là một mối đe dọa nghiêm trọng ngay cả trong trường hợp nó không được trang bị vũ khí. Các chỉ huy trên tàu lo ngại nó có thể lao thẳng vào tàu và phát nổ” - chuyên gia Tom Rogan cho biết.

Hiện các chuyên gia vẫn chưa xác định được mẫu UAV Iran triển khai. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây là máy bay trinh sát vũ trang Shahed 129. Với phạm vi tác chiến lên đến 1.700 km và mang được nhiều loại vũ khí như tên lửa và bom dẫn đường Sadid-345, Shahed 129 hoàn toàn đủ khả năng đe dọa các lực lượng Mỹ.

Trong bối cảnh nền kinh tế Iran thiệt hại nặng nề từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và nỗ lực xoa dịu căng thẳng các bên của Liên minh châu Âu gặp nhiều khó khăn, việc Tehran triển khai các cuộc tấn công với tính chất tương tự như hôm 18-7 hoàn toàn có thể xảy ra. Một số nhà quan sát cho rằng Iran trong thời gian tới sẽ tiếp tục có hành động nhắm vào các UAV Mỹ hoạt động trong khu vực để đáp trả, trong khi Mỹ cũng có thể tìm cách đánh chặn bất cứ tên lửa nào của Iran phóng lên.

“Tiêu diệt UAV là hành động cần thiết để Iran hiểu rằng Mỹ sẽ làm mọi cách để bảo vệ lực lượng của mình. Nếu như chiếc máy bay được cho phép tiến gần hơn, nó sẽ tạo tiền lệ cho Tehran tiến hành nhiều động thái leo thang hơn nữa” - ông Tom Rogan nhận định.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18-7 lên tiếng cảnh báo Washington tránh leo thang căng thẳng với Iran, nếu không sẽ đối mặt với “hậu quả nặng nề”. Ông khẳng định căng thẳng trong khu vực hiện nay là kết quả trực tiếp của chính sách chống Iran của Mỹ và đồng minh.

Iran để ngỏ cánh cửa kết thúc căng thẳng

Đài RT (Nga) cho hay hôm 18-7, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho biết Tehran đang có một đề nghị “đáng xem xét” dành cho Washington trong bối cảnh quan hệ hai bên đang căng thẳng.

“Nếu ông Trump muốn nhiều hơn nữa, chúng tôi có thể phê chuẩn nghị định thư bổ sung và ông ấy có thể gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà ông ấy đã áp đặt” - ông Zarif nói với các phóng viên ngày 18-7.

Được biết nghị định thư bổ sung mà ngoại trưởng Iran nhắc đến sẽ giúp các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc có thêm công cụ để xác minh rằng chương trình hạt nhân của Tehran là hòa bình, không dùng cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân. Dĩ nhiên, nước Cộng hòa Hồi giáo này chỉ thực hiện lời đề nghị này trong trường hợp Mỹ gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ nhiều quan chức Mỹ cũng cho rằng đề xuất của ông Zarif không có khả năng thành công. Theo các quan chức này, Iran đã từng thực hiện nghị định thư này và từng yêu cầu phê chuẩn nó trong quá khứ, do vậy tuyên bố lần này của ông Zarif không mới và không phải là sự nhượng bộ gì đáng kể.

Tuy nhiên, nó sẽ mở ra cho chính quyền Tổng thống Donald Trump cơ hội để giải quyết căng thẳng hiện nay với Iran thông qua con đường ngoại giao.

“Nếu Ngoại trưởng Zarif cho rằng Quốc hội Iran sẵn sàng phê duyệt nghị định thư, đây là một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, họ sẽ muốn thu lại được một kết quả to lớn” - Wendy Sherman, một quan chức từng tham gia tiến trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nói.

“Toàn bộ trò chơi của họ là cố gắng gỡ bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào có thể gỡ bỏ được mà vẫn duy trì năng lực để chế tạo vũ khí hạt nhân trong tương lai” - một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Vị này đồng thời khẳng định ngay cả khi nghị định thư có hiệu lực, Iran vẫn có khả năng làm giàu uranium và hỗ trợ các lực lượng phiến quân tại Yemen, Iraq, Syria và Libya.

“Nếu Iran thực sự nghiêm túc thì nên bắt đầu bằng cách ngừng làm giàu uranium cũng như nghiêm túc đàm phán một thỏa thuận bao gồm chấm dứt hoàn toàn tham vọng hạt nhân” - một quan chức khác trả lời Reuters.

Iran tuyên bố USS Boxer có thể đã bắn nhầm một UAV của Mỹ

Thông tin trên được đăng tải trên trang Twitter chính thức của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm 19-7, hãng tin Sputnik cho hay. Ông Araqchi tuyên bố phía Iran không phát hiện mất máy bay không người lái nào ở eo biển Hormuz nên rất có thể UAV bị bắn rơi là của Mỹ.

Phát ngôn viên của quân đội Iran Abolfazl Shekarchi cũng lên tiếng bác bỏ tuyên bố của ông Trump, cho rằng đây chỉ là thông tin “ảo tưởng và vô căn cứ” nhằm gây căng thẳng và gây rối an ninh trong khu vực.

“Không giống như tuyên bố của ông Trump, tất cả UAV của Cộng hòa Hồi giáo Iran ở vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, kể cả máy bay được tổng thống Mỹ đề cập, đều đã trở về căn cứ an toàn sau khi tiến hành hoạt động trinh sát và kiểm soát theo kế hoạch” - tướng Shekarchi nói.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/giai-ma-thong-diep-cua-my-khi-ban-ha-may-bay-cua-iran-847165.html