Giải mã thực trạng 'người tâm thần' cầm đầu ổ nhóm tội phạm

Thời gian qua có không ít đối tượng là những giang hồ cộm cán sử dụng vỏ bọc bệnh án tâm thần là làm 'kim bài' tránh tội, giảm tội bị cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Phải chăng những vụ án đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm chỉ là một phần nổi trong tảng băng chìm của thực trạng 'người tâm thần' cầm đầu các ổ nhóm tội phạm? Tại sao vẫn có 'lỗ hổng' trong công tác giám định tư pháp?

Ngày 6/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Kiều Văn Tiến (26 tuổi, trú P. Thượng Thanh, Q. Long Biên, Hà Nội) để làm rõ hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” với mức lãi suất từ 182,5% – 292%/năm. Đáng nói đối tượng này đang điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Đối tượng Kiều Văn Tiến: “Tôi trốn khỏi bệnh viện thâm thần từ 30/4/2021. Tiền cho vay tôi vay người nhà. Tôi cho có 1 người vay với số tiền 200 triệu với lãi suất 7 nghìn/ một triệu.”

Còn đây là Nguyễn Việt Dũng (tức Dũng “ốt” 39 tuổi, thường trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là bị can trong vụ án giết người vào năm 2011. Tuy nhiên, y đã kịp “sắm” cho mình một hồ sơ bệnh án tâm thần trước khi ra đầu thú. Trong quá trình điều trị bệnh, đối tượng thường xuyên trốn bệnh viện ra ngoài điều hành đám "đàn em" bảo kê bến bãi và hoạt động “tín dụng đen”.

Ngày 4/6/2021, Nguyễn Việt Dũng cùng nhóm đàn em đã bị cơ quan chức năng tiến hành khởi tố bị can đối với để điều tra về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đồng thời tiếp tục làm rõ các hành vi phạm tội bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc...

Đối tượng Nguyễn Việt Dũng: “Tôi cho vay họ với lãi suất 10 ăn 8, còn vay lãi thì 1.000 đến 4.000 tiền lãi trên một triệu, có cho anh em đến thúc ép đến đòi nợ tiền của tôi về.”

Tổ chức bay lắc ngay trong lòng bệnh viện Tâm thần Trung ương I của đối tượng đang điều trị tâm thần bắt buộc Nguyễn Xuân Quý với số lượng ma túy tổng hợp thu được lên tới hơn 6kg là câu chuyện gây chấn động dư luận nhất vào cuối tháng 3/2021. Điều đáng buồn là trong đó có sự giúp của các y, bác sỹ trong bệnh viện.

Nhà báo: Anh lấy ma túy ở đâu?

Đối tượng NGUYỄN XUÂN QUÝ: ”Ở trên trần ạ. Gần chỗ quạt trần”.

Các đối tượng nói trên có thực sự bị tâm thần hay không?... Điều đó chỉ có cơ quan chức năng mới có kết luận.

Theo quy định của pháp luật, kết luận giám định pháp y tâm thần chỉ là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc. Nếu sử dụng kết luận không đảm bảo độ chính xác sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Quy định là vậy, nhưng có không ít đối tượng vì lợi nhuận vẫn bất chấp cấp giấy chứng nhận tâm thần giả, trong đó có cả những y bác sỹ. Những trường hợp vi phạm cũng đã bị xử lý kỷ luật, nhưng các cơ quan ban, ngành liên quan mà cụ thể ở đây là Bộ Y tế dường như vẫn lúng túng trong công tác kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý, xem xét quy trình cung cấp bệnh án tâm thần. Dẫn đến tình trạng làm giả hồ sơ bệnh án tấm thần vẫn đang xảy ra âm ỉ.

Cuối tháng 01/2018, một đường dây mua bán bệnh án tâm thần nhằm chạy án hình sự đã bị Công an Thành phố Hà Nội phát giác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Qua rà soát có 78 hồ sơ được làm giả, trong đó có 41 hồ sơ mang tên các tội phạm hình sự “cộm cán”. Điều tra xác minh, những người này phải chi khoảng 85 triệu đồng để có được bệnh án tâm thần. Vụ việc này gây chấn động dư luận tại thời điểm bấy giờ bởi sự vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp, cũng như bao che, tiếp tay, tội phạm lộng hành trốn tránh việc xử lý của các cơ quan thực thi pháp luật.

Luật sư Đào Ngọc Lý: “Cái lớn nhất là vấn đề y đức. Khi một người chuyên gia lĩnh vực y tế này mà thiếu y đức rất dễ sa ngã trước những cám dỗ này khác. Và họ có thể rất gây hậu quả hết sức nghiêm trọng trong xã hội.Hành vi đặc biệt nguy hiểm”.

Ngày 10/1/2022, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình vừa phá thành công chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng làm giả hồ sơ bệnh án, bệnh hiểm nghèo để hoãn thi hành án phạt. Những vụ việc xuất hiện các trường hợp có hồ sơ bệnh án tâm thần liên quan tới các vụ án hình sự, đã hé lộ nhiều góc khuất trong khâu giám định tâm thần.

TH.S ĐẶNG VĂN CƯỜNG - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội: “Dù thế nào, nguyên nhân nào nữa thì rõ ràng cái sự việc ấy đã gây ra những hệ lụy ghê gớm cho xã hội và tạo ra những cái tên côn đồ lưu manh và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì chúng đã được xác định là người tâm thần. Chúng ta cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý cũng như ngăn chặn tình trạng là lập hồ sơ bệnh án tâm thần giả, xác nhận thân phận giả của các bệnh viện về tâm thần”.

Dẫu biết rằng, việc giám định pháp y tâm hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị vật chất. Tuy nhiên, một quy trình chặt chẽ cộng với tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của các y bác sỹ cao sẽ không bao giờ xuất hiện kẽ hở bỏ lọt tội phạm.

Bệnh án tâm thần đem đến cho các đối tượng phạm tội hai cánh cửa đầy hứa hẹn: có thể thoát án tử hình đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc đối tượng phạm tội được rút ngắn hoặc thậm chí có thể không phải chấp hành hình phạt tù.

Mặc dù hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật của Việt Nam cũng đã đề ra rất nhiều mục để xử lý từng hành vi, từng đối tượng cho việc làm giả giấy tờ dung dưỡng cho những đối tượng phạm tội giả bệnh tâm thần. Vậy vì sao vẫn lọt lưới những đối tượng bất chấp vi phạm pháp luật?

Hiện nay chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đã thể hiện tính nhân đạo của pháp luật cho đối tượng mắc phải bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi phạm tội mà không kiểm soát điều khiển hành vi của mình. Phải chăng đây là "lỗ hổng" cho những kẻ phạm tội bằng mọi cách tạo ra các giấy tờ giả nhằm thoát khỏi vòng lao lý?

PGS.TS Bùi Hoàng Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa của Quốc hội: “Cần phải đề nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan liên quan, nhất là phải thực thi pháp luật một cách đúng. Thứ hai nữa là phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng các lý do có liên quan để từ đó rút ra những bài học, rút ra kinh nghiệm để tránh những hiện tượng này xảy ra. Làm được như thế thì chúng ta vừa tôn vinh được những chính sách khoan hồng chức nhân đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng tránh được sự lợi dụng những chính sách này để tạo ra những cái vấn đề khác nảy sinh trong xã hội. Phải thực thi nghiêm pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật thì mọi việc của chúng ta mới có giá trị”.

TH.S Phạm Văn Hòa - Đại viểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Cơ quan phối hợp với nhau chưa có sự phối hợp chưa nhịp nhàng. Tinh thần trách nhiệm không cao, thiếu thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở dẫn đến vi phạm pháp luật”.

Luật giám định tư pháp và các văn bản dưới luật cũng quy định vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm trong lĩnh vực giám định tâm thần.

TS Trương Xuân Cừ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Bởi vì giữa cơ quan chứng nhận bị bệnh tâm thần với các cơ quan thi hành pháp luật, nếu họ có sự móc nối thì chắc chắn xử lý đối với những trường hợp này rất khó. Chỉ khi nào mà có kiện cáo, khi nào kiểm tra thì may ra bằng các biện pháp nghiệp vụ người ta mới biết rằng là những hình thức này hình thức là giả, những hình thức này coi như trốn chạy pháp luật. Đồng thời là phải có những cái cơ chế, phải có hình thức xử lý nghiêm minh.

Để nghiêm khắc trừng trị và tăng tính giáo dục, răn đe, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh những đối tượng “giả điên” và những người tiếp tay cho sự giả dối này. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý.

Thực hiện : Khánh An Khánh Hoàng Đức Minh Minh Công

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/giai-ma-thuc-trang-nguoi-tam-than-cam-dau-o-nhom-toi-pham