'Giải mật' hồ sơ Mỹ Sơn, Hội An

Sau hội nghị xét hồ sơ năm 1999, mỗi quốc gia chỉ được xét công nhận một di sản thế giới; trước đó, riêng Hội An và Mỹ Sơn của tỉnh Quảng Nam được công nhận cùng một lúc thì ý nghĩa của kết quả ấy rất đáng tự hào

Sau 20 năm ngày đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999-2019), GS-TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - một chứng nhân của thời khắc lịch sử đó, đã chia sẻ những kỷ niệm khó quên.

Thời khắc quyết định

Năm 1996, được sự thỏa thuận của Ủy ban Di sản thế giới, Bộ Văn hóa - Thể thao đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) lập hồ sơ khoa học khu đền tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An trình Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xem xét công nhận là Di sản văn hóa thế giới. GS-TS Trương Quốc Bình, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng (nay là Cục Di sản văn hóa), được nhận lãnh trách nhiệm phối hợp với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng xây dựng hồ sơ Mỹ Sơn.

Khi đó, hồ sơ về Hội An do một cục phó khác là PGS-TS Nguyễn Quốc Hùng đảm nhận. Tuy nhiên, đến giai đoạn gửi hồ sơ cho UNESCO thẩm định thì ông Hùng bận việc nên ông Bình phải thay mặt cho Cục Bảo tồn Bảo tàng rà soát, kiểm tra cả 2 hồ sơ. Kỷ niệm mà GS Bình khó quên nhất là chuyến đi Morocco dự hội nghị xem xét công nhận Hội An, Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới.

Cuối tháng 11-1999, trong lúc lên sân bay đi từ Hà Nội vào TP HCM để cùng bà Hồ Thị Thanh Lâm (vào thời điểm đó là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam) bay sang Paris (Pháp), rồi qua Morocco, ông Bình tình cờ gặp 2 người quen là ông Trần Bình Minh, Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - VTV (thời điểm đó đang là Trưởng Ban Thời sự VTV) và ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình (khi ấy đang công tác tại VTV). Biết ông Bình sang Morocco dự hội nghị quan trọng về Hội An và Mỹ Sơn, ông Trần Bình Minh và Nguyễn Thanh Lâm dặn nếu có tin hay thì viết riêng gửi về cho VTV theo dạng "tin độc quyền". Cũng vì lời hứa tại cuộc gặp này mà sau đó GS Bình đã phải "đánh cược cả sinh mệnh chính trị" của mình.

Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 23 do Ủy ban Di sản thế giới tổ chức vào ngày 2-12-1999

Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị lần thứ 23 do Ủy ban Di sản thế giới tổ chức vào ngày 2-12-1999

GS-TS Trương Quốc Bình tại hội nghị. (Ảnh do ông Bình cung cấp)

Hội nghị lần thứ 23 do Ủy ban Di sản thế giới tổ chức vào ngày 2-12-1999 tại TP Marrakesh của Morocco. Đoàn Việt Nam có ông Bình, bà Lâm và một số cán bộ. Do bà Lâm hạn chế về tiếng Anh nên ông Bình được "đôn" lên làm trưởng đoàn. Đến hội nghị này, người ta không có ý kiến nhiều về Hội An mà "xoay" nhiều về hồ sơ của Mỹ Sơn. Lúc đó, Hungary là một thành viên của 21 quốc gia trong Ủy ban Di sản thế giới. Trong đoàn có một nguyên đại sứ Hungary tại Việt Nam. Người này biết và đọc rất nhiều tài liệu tiếng Việt. Phái đoàn Hungary sau đó kiến nghị với Ủy ban Di sản thế giới gác hồ sơ của Mỹ Sơn lại để tiếp tục nghiên cứu. Lý do họ đưa ra là cần làm rõ sự liên kết giữa núi Ngọc Linh - thung lũng Mỹ Sơn - Cù Lao Chàm trên một trục tâm linh thông qua dòng sông Thu Bồn. Họ đề nghị UNESCO cho một dự án để nghiên cứu, sau đó bổ sung vào hồ sơ rồi xét.

Từng có kinh nghiệm khi tham gia các hội nghị xem xét công nhận quần thể di tích cố đô Huế và vịnh Hạ Long là Di sản thế giới nên ông Bình nghĩ rằng nếu khi đó Mỹ Sơn không được công nhận thì sẽ kéo dài chẳng biết khi nào mới xong. "Khi ấy, tôi đi tìm bạn bè các nước, các tổ chức quốc tế để vận động họ không gác lại hồ sơ Mỹ Sơn. Tôi nói rằng ý kiến của Hungary là rất hay nhưng không thể thực hiện ngay bây giờ được. Hồ sơ của Mỹ Sơn không thể nào lùi lại được. Hơn nữa, lúc đó Việt Nam đang hợp tác với Ý để nghiên cứu tu bổ di tích Mỹ Sơn, vì vậy, các công việc này chúng tôi sẽ nghiên cứu sau. Đề nghị Ủy ban Di sản thế giới cứ cho bỏ phiếu để thông qua hồ sơ của Mỹ Sơn" - ông Bình kể và nói rằng buổi chiều hôm đó không khí diễn ra hết sức căng thẳng và ông đã phải "toát mồ hôi hột" trong cuộc đấu trí này.

Chưa có kết quả đã tự tin công bố

Chiều hôm đó, sau khi chắp nối toàn bộ các thông tin, dữ liệu, GS Bình quyết định viết điện và fax về cho VTV thông báo cả Hội An, Mỹ Sơn cùng một lúc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. "Tôi viết như thế mà hôm sau Mỹ Sơn không được công nhận thì tôi "chết". Tôi đặt cược sinh mệnh chính trị của mình trong việc thông tin về nhà nhưng có cơ sở chứ không phải ngẫu hứng. Cả thường trực của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO), đại diện các nước có tiếng nói nặng ký nhất thì tôi đã vận động, thuyết phục hết rồi. Nếu có thì chỉ có đại diện Hungary phản đối thôi, chắc chắn bỏ phiếu sẽ có phiếu cao, quá bán. Do giữa Việt Nam và Morocco lệch giờ, nếu mình đợi đến ngày mai, khi công bố xong rồi thì các hãng thông tấn quốc tế như CNN, AFP sẽ đưa nhanh hơn mình nhiều. Nếu đưa vào ban đêm thì các cơ quan truyền thông của mình không kịp để phổ biến. Lúc đó, tôi gửi trước về vào buổi chiều, khoảng 18 giờ" - GS Trương Quốc Bình nhớ lại.

Hôm sau, ra cuộc họp, trước khi Ủy ban Di sản thế giới nghị bàn và ra quyết định công bố cả 2 hồ sơ của Việt Nam cùng được công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì đại diện của nhiều nước đã gửi lời chúc mừng Việt Nam. "Sau khi công bố kết quả, người ta đề nghị Việt Nam phát biểu ý kiến. Tôi nói rất ngắn gọn. Tôi gửi lời cảm ơn các bạn bè quốc tế đã ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc trước đây và ngày nay là bảo vệ kho tàng di sản văn hóa của cha ông chúng tôi. Nghe xong, người ta vỗ tay chúc mừng rất nhiều. Một kỷ niệm rất khó quên!" - ông Bình cảm động.

Lội nước lụt đi diễu hành ăn mừng

Theo lời GS Trương Quốc Bình, khi về nước, nghe ông Trần Bình Minh kể lúc nhận fax của ông gửi về, chương trình thời sự đã chuẩn bị xong cả rồi nhưng phải rút lại một số tin để dành thời lượng cho tin công bố Hội An, Mỹ Sơn cùng một lúc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

"Bản tin đó rất kịp thời. Hôm sau, ở Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) và Hội An lụt to nhưng người dân 2 địa phương này vẫn mặc áo mưa đi diễu hành ăn mừng. Có thể thấy hiệu quả của việc được công nhận Di sản thế giới là nguồn động lực tinh thần hết sức to lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội ngay từ khi nó mới được công nhận" - GS Trương Quốc Bình đánh giá.

TRẦN THƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/giai-mat-ho-so-my-son-hoi-an-20190903214318566.htm