Giải mật quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô

Quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô là RDS-1, hay còn gọi là Pervaya Molniya (Tia chớp đầu tiên), được thử nghiệm thành công vào ngày 29-8-1949.

Video vụ thử bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô năm 1949. Nguồn: RT

Sau khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống TP Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8-1945, Liên Xô nhận thấy cần phát triển một loại bom nguyên tử tương tự để bảo đảm thế cân bằng với Mỹ. Theo đài RT, các tài liệu mới được giải mật gần đây tiết lộ quá trình thực hiện nhiệm vụ chế tạo bom của các nhà khoa học Liên Xô chỉ bốn năm sau đó.

Quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô là RDS-1, hay còn gọi là Pervaya Molniya (Tia chớp đầu tiên), được thử nghiệm thành công vào ngày 29-8-1949 tại một trường bắn ở thị trấn Semipalatinsk, thuộc Cộng hòa Xô Viết Kazakhstan.

Các tài liệu mới được cơ quan hạt nhân Nga Rosatom giải mật và công bố chứa đựng hàng chục trang văn bản cùng nhiều bức ảnh của vũ khí này khi nó đang trong giai đoạn phát triển.

Bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô RDS-1. Ảnh: SPUTNIK

Bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô RDS-1. Ảnh: SPUTNIK

Dự án đầy tham vọng này trở thành cuộc chạy đua với thời gian thực sự của các nhà khoa học Liên Xô thời bấy giờ, vì họ không chỉ đáp ứng thời hạn khắt khe do chính phủ của nhà lãnh đạo Joseph Stalin đưa ra mà còn phải hoàn thành công việc trong điều kiện tuyệt mật.

Ngay cả mệnh lệnh chính phủ về việc phát triển RDS-1 từ tháng 6-1946 cũng được mã hóa cẩn thận, theo Rosatom.

Ba trang tài liệu mật trên đã chỉ đạo Giám đốc Cục chế tạo số 11 Pavel Zernov chế tạo “động cơ phản lực C (RDS)” với hai phiên bản dùng “nhiên liệu nặng (C-1) và nhiên liệu nhẹ (C-2)” dưới sự giám sát của Phòng thí nghiệm số 2 thuộc Học viện Khoa học Liên Xô.

Theo cách diễn đạt của văn bản, dường như nó không mấy liên quan tới vũ khí hạt nhân song “động cơ phản lực C” thực sự có nghĩa là quả bom hạt nhân, trong khi nhiên liệu nặng và nhiên liệu nhẹ có nghĩa là plutonium cấp độ vũ khí và uranium cấp độ vũ khí.

Lược đồ vụ thử bom nguyên tử RDS-1. Ảnh: RT

Các nhà khoa học Liên Xô hằng tháng phải báo cáo cho chính phủ về quá trình chế tạo bom. Ngoài ra, tên của họ cũng không được công khai mà chỉ được nhắc tới với chữ cái đầu tiên cùng tên đệm trong tài liệu. Các ký tự này được viết bằng tay.

Phần còn lại của tài liệu được giải mật cũng làm sáng tỏ các giai đoạn khác nhau trong chương trình hạt nhân quân sự đầu tiên của Liên Xô. Đây sẽ trở thành kho báu thực sự của các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về thời kỳ Liên Xô cũng như lịch sử ngành công nghiệp nguyên tử.

Những tài liệu được giải mật này còn tiết lộ cách Liên Xô đo đạc các chỉ số trong vụ thử bom hạt nhân RDS-1 để thu được tối đa thông tin cần thiết cho quá trình chế tạo.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/giai-mat-qua-bom-nguyen-tu-dau-tien-cua-lien-xo-865712.html