Giải 'nan đề' bảo vệ cán bộ

Theo chương trình nghị sự kỳ họp thứ 5, ngày 30-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo sửa đổi nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (dự thảo).

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật chiều tối 26-5, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo đã bổ sung quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện khách quan, minh bạch. Đồng thời, bổ sung quy định về ngưng hiệu lực thi hành một số điều khoản trong các luật liên quan, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật.

Sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 là nhiệm vụ rất cấp thiết, bởi trong năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Nghị quyết số 85/2014/QH13 cần sửa đổi để thể chế hóa Quy định 96, trong đó quan trọng nhất là quy định về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, cũng như xử lý hệ quả này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, dự thảo cơ bản đã đáp ứng được mục tiêu đề ra. Song, không phải không có cơ sở khi có ý kiến cho rằng, mối lo ngại về việc cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám va chạm... có thể dễ bị “mất phiếu” vẫn còn đó như một “nan đề”. Đó là chưa kể các cán bộ quản lý ngành y tế, giáo dục, giao thông... trực tiếp liên quan đời sống hàng ngày của người dân dễ bị đánh giá tín nhiệm thấp hơn những lĩnh vực ít va chạm, cán bộ “dĩ hòa vi quý”.

Để giải được “nan đề” này, cần có những tiêu chí hết sức cụ thể đối với từng đối tượng được lấy phiếu, bên cạnh những tiêu chí chung về đạo đức công vụ, đạo đức cá nhân. Chẳng hạn, tín nhiệm đối với một bộ trưởng phải được nhìn nhận trên cả 2 khía cạnh: xây dựng chính sách và điều hành thực hiện chính sách. Cùng với đó, người bỏ phiếu cần được tiếp cận nhiều kênh thông tin ở từng cấp độ khác nhau.

Dĩ nhiên, để kết quả cuối cùng đảm bảo khách quan, chính xác nhất, điều kiện đủ là sự công tâm của người bỏ phiếu. Nhưng trước hết, phải có đủ các điều kiện cần, như đã nói.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-nan-de-bao-ve-can-bo-post691429.html