Giải ngân vốn đầu tư công: Nhiều tín hiệu tích cực

Sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, từ đầu quý III đến nay, một số Bộ, ngành đã bắt đầu có tín hiệu đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân 9 tháng cao hơn cùng kỳ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2018, cả nước đã giải ngân ước đạt 214.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, bằng 63,2% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách Nhà nước có xu hướng quý sau tăng cao hơn quý trước. Riêng 3 tháng vừa qua, giải ngân đã bằng 50% của 6 tháng đầu năm cộng lại (32,53% kế hoạch).

 Cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) với Việt Trì (Phú Thọ) được đầu tư xây dựng hiệu quả cao. Ảnh: Chiến Công

Cầu Văn Lang nối Ba Vì (Hà Nội) với Việt Trì (Phú Thọ) được đầu tư xây dựng hiệu quả cao. Ảnh: Chiến Công

Tính đến thời điểm hiện nay, có một bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80% kế hoạch. 30/56 bộ, ngành T.Ư và 26/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch 9 tháng thấp hơn 50% kế hoạch năm. Trong khi đó giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng của Hà Nội đạt 24.819 tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch năm...
Trưởng ban Chính sách đầu tư thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Đinh Trọng Thắng cho rằng, tốc độ giải ngân đạt gần 63,2% kế hoạch là một sự cải thiện so với trước đây, nhất là năm 2017. Đạt được kết quả này nhờ tổng hòa các yếu tố như: Sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn về thể chế cho đầu tư công. Vốn đầu tư công chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi đầu tư của xã hội. Do vậy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng GDP. Để khắc phục tình trạng này và tránh dồn việc giải ngân vào cuối năm, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có việc điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm sang dự án khác và kiểm điểm trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư có dự án giải ngân chậm...
Đẩy nhanh tốc độ
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 94 - 98% vốn đầu tư công. Trong 3 tháng còn lại, cần phải giải ngân khoảng 32 - 35% kế hoạch. Mặc dù theo ông Đinh Trọng Thắng, hiện, các đơn vị triển khai thực thi những quy định pháp luật mới về đầu tư công đã vào guồng, điều đó sẽ giúp việc giải ngân trong thời gian tới sẽ tốt hơn song cũng có thể thấy việc thực hiện mục tiêu trên trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm là một thách thức. Ví như TP Hồ Chí Minh vốn đầu tư công đến hết tháng 9 mới giải ngân được 42%, còn đến 58% chưa dùng. Bộ NN&PTNT 9 tháng giải ngân bằng 48,3% kế hoạch. Trong khi tại Bộ GTVT, khối lượng vốn đầu tư công được giải ngân trong 10 tháng đầu năm mới đạt khoảng 52% kế hoạch...

"Sửa đổi Luật Đầu tư công hiện nay là tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện, phân cấp triệt để, rút gọn thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, không bị sơ hở. Vì vậy, Bộ KH&ĐT rất kỳ vọng sau khi Luật Đầu tư công được Quốc hội xem xét và thông qua ở kỳ họp này sẽ tạo được sự thông thoáng cho quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ giải ngân. " - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân – Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có 3 loại vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, những vấn đề vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công; thứ hai là cần phân loại những vấn đề vướng mắc ở luật đang nằm trong các Nghị định và thứ ba là tổ chức thực hiện.
Theo Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi Kho bạc Nhà nước Trần Mạnh Hà, để đẩy nhanh thanh toán vốn đầu tư công, đơn vị tập trung vào cải cách hành chính trong quản lý chi đầu tư, công khai quy trình thủ tục thanh toán và áp dụng hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”. Việc này đã rút ngắn được thời gian kiểm soát hợp đồng thanh toán nhiều lần từ 4 ngày xuống 1 ngày, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện thanh toán vốn tại Kho bạc.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong tháng 8 vừa qua, thay vì phải làm việc với từng tỉnh, Bộ đã làm việc theo vùng, chỉ mất từ 3 - 5 ngày là hoàn thành trao đổi với các bộ, ngành, địa phương để có định hướng tháo gỡ, nhờ vậy tiết kiệm thời gian. Bộ cũng triển khai hệ thống tin học phần mềm để quản lý kế hoạch vốn đầu tư công chỉ mất 1 - 2 tuần có thể giao được kế hoạch đồng thời hạn chế được những sai sót do làm thủ công gây ra. Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch vốn năm 2018 và có văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa dự án giải ngân chậm và dự án có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Việc giải ngân vốn đầu tư công thường được tập trung thực hiện vào 2 quý cuối năm. Thông thường, giải ngân đầu tư công chậm là do ảnh hưởng của vấn đề thủ tục giải phóng mặt bằng, nghiệm thu thanh toán khối lượng của các công trình. "Các quý đầu năm, nguồn vốn đưa vào công trình chậm, ảnh hưởng đến vốn thực hiện, tuy nhiên, các kỳ gần đây vấn đề này đã được cải thiện nhiều so với trước. Trên cơ sở đó, giải ngân năm nay nhiều khả năng sẽ đạt trên 90%"- PGS.TS Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển Bộ KH&ĐT nhận định.

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-nhieu-tin-hieu-tich-cuc-327883.html