Giai nhân áo đen của đất Hà Thành

Nói về vẻ đẹp con gái Hà Nội xưa của thập niên 1930 có tứ đại mĩ nữ kinh kì, (4 thiếu nữ đẹp nhất Hà Thành): cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai, cô Bính Hàng Đẫy (còn có biệt hiệu là 'người đàn bà áo đen').

So với 3 người đẹp đương thời thì cô Bính có cuộc sống yên ả hơn nhưng cũng đầy ắp những khoảng bồng bềnh mênh mông của mây trời gió mát và cô vẫn cứng cáp như rặng phi lao trong gió bão quật cường. Cô là nhân chứng lịch sử của một Hà Nội thăng trầm và đầy biến động qua chiến tranh đến thời kỳ đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập.

Trong căn nhà giản dị nằm ở ngoại ô Hà Nội, cậu con út của cô Bính là Bùi Tường Quân rưng rưng xúc động khi nói về người mẹ của mình. Ông Quân bảo đó là một người mà ông trời ban cho nhan sắc trẻ mãi không già, ngay cả đến lúc mất vẫn cứ đẹp một cách kì lạ.

Ông Bùi Tường Quân bên bức ảnh của mẹ - giai nhân Đỗ Thị Bính.

Bà Bùi Thị Mai, chị gái của ông Bùi Tường Quân, lần giở những trang thư với nét chữ đã úa màu năm tháng của mẹ bà, giai nhân một thuở Đỗ Thị Bính viết trong những năm tháng chiến tranh hồi 1954 gửi cho Mặt trận Liên Việt (sau này đổi tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Kỉ vật được cô con gái trân trọng lưu giữ cẩn thận. Quá khứ khi xưa nối nhau ùa về, chuyện qua đã lâu mà mọi thứ như mới xảy ra từ ngày hôm qua.

Đất kinh kì vào những năm trước 1930 nổi lên nhà tư sản thầu khoán Đỗ Lợi, tên tuổi và tài sản của ông vang khắp trong Nam ngoài Bắc. Nói đến tên ông, mọi người đều kính cẩn gọi là cụ Lợi. Mặc dù tuổi ông chưa đến chức cụ, nhưng vì gia sản quá giàu có mà mọi người đều kiêng nể e dè. Khi đấy khoảng 20 công trình lớn nhất Hà Nội đều do cụ làm chủ thầu.

Đã có một thời kì dài ngay cả sau ngày miền Bắc giải phóng, Hà Nội vẫn còn phố Đỗ Lợi, ngõ Đỗ Lợi, hồ Đỗ Lợi. Cụ Đỗ Lợi có tất cả 16 người con, Đỗ Thị Bính là con đầu của người vợ thứ hai. Cô Bính sinh ra da trắng như trứng gà bóc, từ bé không chịu ăn thịt gà, nét mặt dịu dàng thanh tú, chỉ thích mặc áo dài màu đen để tôn làn da trắng sứ tinh khôi. Người Hà Nội gọi cô Bính là “giai nhân áo đen”.

Tuổi thanh nữ, cô đẹp một cách nền nã, yêu kiều. Cụ Đỗ Lợi vô cùng yêu người con gái này, thấy cô khảnh ăn nên cụ đã cho mời một đầu bếp nấu cho vua Bảo Đại về nhà trông coi việc bếp núc. Thấy con từ bé đến lớn vẫn giữ thói quen không chịu ăn thịt gà, trong một bữa cơm gia đình, cụ Đỗ Lợi bảo nếu con chịu ăn một miếng thịt gà, ông sẽ thưởng một nhẫn kim cương, ăn hai miếng thưởng hai nhẫn kim cương...

Cụ Đỗ Lợi đưa ra phần thưởng lớn, cô Bính vẫn mỉm cười ý nhị từ chối. Cụ Đỗ Lợi lại kêu sẽ có thưởng to cho người đầu bếp nếu nghĩ cách nấu làm sao để con gái cụ chịu ăn thịt gà. Sau đó, người đầu bếp của triều đình nhà Nguyễn đã nấu món bún thang, mùi vị đặc biệt vô cùng và lần này thì cô Bính xuôi lòng.

Theo như bà Mai bảo: “Cả cuộc đời của mẹ tôi cho đến lúc mất chỉ thích hai món là bún thang và cua bể xào miến. Do trước đây trong nhà có đầu bếp của vua Bảo Đại nên mẹ tôi đã học nấu ăn và những món mẹ nấu ngon, hương vị hấp dẫn lắm. Không cần nếm thử, chỉ cần ngửi mùi vị của thức ăn đang nấu là mẹ tôi có thể biết thức ăn mặn, nhạt, cay, ngọt, thế nào”.

Biết con có sở thích ngắm hoa nên cụ Lợi đã cho người trồng cả giàn hồng leo và lúc lắc những giỏ phong lan trước sân nhà ở 30 Hàng Đẫy (sau là phố Nguyễn Thái Học). Hằng ngày, cô tiểu thư ra ngồi ở ghế mây đọc tiểu thuyết và ngắm hoa, vẻ đẹp thanh tú khuê các của cô đã sớm lọt vào mắt chàng trai trẻ, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp - con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Tòa báo nơi Nhược Pháp làm việc rất gần nhà cô Bính nên hằng ngày thi sĩ trẻ đều có ý đi qua đứng lại để nhìn ngắm người thiếu nữ áo đen.

Si tình ngây ngất trước dung nhan của cô Bính, Nhược Pháp về tương tư mộng mị rồi ra những vần thơ để tặng cô Bính thay cho lời muốn nói: “Tóc xanh viền má hây hây đỏ/ Miệng nàng bé thắm như san hô/ Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏ”, hay “Ta lặng nhìn hơi lâu/ Nhưng thì giờ đi mau... Nàng chợt nghiêng thân ngà/ Thoáng bóng người xa xa.../ Ta mơ chưa lại hồn/ Nàng lẹ gót lầu son/ Vừa toan nhìn nét phượng/ Giấy thẹn bay thu tròn...”. Nhưng rồi, năm 1939, tình yêu tinh khiết thuở đầu đời ấy không thành, chàng thi sĩ mất khi tuổi đời vừa mới 24.

Giai nhân Đỗ Thị Bính.

Chưa đầy năm sau, cô Bính được gia đình gả cho chàng trai trẻ Bùi Tường Viên vừa du học ở Pháp về. Gia đình Bùi Tường Viên là danh gia vọng tộc, có vị thế đáng kể trong xã hội lúc đó. Anh trai của Bùi Tường Viên là Bùi Tường Chiểu - một luật sư nổi tiếng thời bấy giờ. Còn Bùi Tường Viên sau này giữ chức Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội).

Khi lấy chồng, bà Bính còn chưa biết mặt chồng nên cũng chưa có thiện cảm gì nhiều, chỉ khi về làm vợ, hằng ngày tiếp xúc gần gũi, sự nhẹ nhàng, chiều chuộng của chồng đã làm cô Bính xiêu lòng và dần yêu ông.

Năm 1945, hưởng ứng cuộc phát động Tuần lễ vàng, nhà tư sản Đỗ Lợi đã tặng Chính phủ Cách mạng lâm thời 45 lạng vàng và 18 căn biệt thự, về sau này, cụ Lợi có tổng cộng 31 căn nhà và biệt thự tặng cho nhà nước.

Năm 1946, tiêu thổ kháng chiến, giặc Pháp bắn phá ác liệt ở Hà Nội, bà cùng chồng và 3 con nhỏ đi sơ tán lên Tiên Lữ, Lập Thạch, Vĩnh Phúc và tại đây sinh thêm Tường Quân. Từ một tiểu thư khuê các, không phải làm gì ngoài chơi đàn dương cầm và đọc tiểu thuyết, ở vùng sơ tán, cô Bính sau khi sinh con không được ở cữ là bao đã phải chăm chỉ cày cuốc, trồng ngô, khoai, sắn, trồng rau, nuôi gà lấy trứng cho các con ăn.

Bà Mai nhớ lại: Để có gạo cho cả nhà ăn, mẹ tôi đã dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị làm bánh cuốn để bán cho người dân quanh vùng. Cứ đi mỗi vùng sơ tán là mẹ lại xoay trần làm đủ các nghề từ làm bánh cuốn, bánh phở, bánh tẻ, bún thang, thậm chí làm nước tương... tất cả cũng chỉ để có thêm đồng ra đồng vào cho các con và gia đình khỏi bị đói và ít nhất còn có tiền mua thuốc cho con.

Bản thân cô Bính cũng không ngờ cha cô, cụ Đỗ Lợi ngày xưa thuê đầu bếp của Bảo Đại về nấu ăn cho cô và gia đình, để rồi cô học được cách làm những món ăn, nay ở vùng tản cư cô nấu những món ăn ấy để làm kế mưu sinh. Chất con nhà nề nếp gia phong Hà Thành thấm vào cô từ nhỏ, thói quen ấy đến vùng tản cư vẫn bất di bất dịch, bữa ăn gia đình bao giờ bát đũa cũng phải tráng nước sôi thật kĩ rồi mới được bày ra để dùng.

Chiến tranh tại miền Bắc ngày càng lan rộng, cô Bính cùng chồng và các con sơ tán lên Tuyên Quang. Quang cảnh núi rừng ngày ấy đèo heo hút gió, dân cư thưa thớt nhưng được cảnh trời đất hài hòa như bức tranh sơn thủy hữu tình. Cô Bính và các con ở một cái lán trên quả đồi, trước nhà có một cây to sum sê lá, mùa hè ve kêu râm ran, mùa đông cây xù xì chai sạn.

Nhớ đến đoạn này, bà Mai lặng lẽ lau nước mắt: Vì ở trên đồi nên không có nước sinh hoạt, hằng ngày mẹ bà đã phải đi đoạn đường hơn 2 km ra sông gánh nước mang về cho cả nhà dùng và để tưới rau. Mỗi lần mẹ đi gánh nước, 4 anh chị em lại ríu rít tựa gốc cây to trước nhà, ai lớn hơn trèo lên cành cây nhìn dáng mẹ quẩy 2 thùng nước trên vai, bóng mẹ xa dần thành một chấm nhỏ khuất sau rặng cây.

Trời mùa đông giá rét căm căm, vùng cao còn lạnh hơn cả đồng bằng, mưa lất phất càng làm cho cái lạnh thêm phần tê tái, vậy mà sáng sớm tinh sương, mẹ đã phải trở dậy nấu rồi lẳng lặng gánh hàng quà ăn đi bán khi các con còn đang ngủ say. Khi bọn trẻ dậy thì mẹ đã đi xa. Cả ngày mấy anh chị em tha thẩn chơi trong vườn nhà, đến chiều muộn, hoàng hôn buông xuống trên đồi cao, mấy anh chị em đứa trèo lên cây, đứa đứng dưới gốc ngóng đợi mẹ.

Mẹ vừa về đến nhà, bỏ gánh hàng trên vai xuống, ôm từng đứa con vào lòng hôn hít cưng nựng, rồi lại tất bật tắm rửa nấu nướng cho các con ăn. Tuổi thơ êm đềm, đầy kí ức của mấy anh chị em cứ gắn bó khăng khít với mẹ bằng hình ảnh dịu dàng khắc khoải như thế!

Bà Mai quay sang bảo: “Cậu Tường Quân là con út nên được mẹ cưng chiều nhất nhà”. Ông Tường Quân nói: “Ngày đấy tôi mới vài ba tuổi nên mỗi khi mẹ về đến nhà là sà ngay vào lòng mẹ ngồi, chỗ đấy không ai xâm phạm được. Mỗi lần hờn khóc, chỉ cần nhìn vào mắt mẹ, mẹ cười là tôi lập tức nín ngay”.

Đi tản cư, vùng đồi núi người sốt rét ác tính nhiều như rạ, cô Bính được ông Bùi Xuân Tám - em trai của danh họa Bùi Xuân Phái - dạy cho cách tiêm bệnh báng, chữa sốt rét rừng. Bà Mai kể: Mẹ tiêm cho nhiều người, họ thoát được cơn hiểm nghèo và ngay cả tôi cũng được mẹ tiêm thuốc cho. Nếu ngày ấy trên rừng núi không có mẹ tiêm thuốc thì tôi đã không còn mạng sống rồi. Sau 8 năm đi tản cư, năm 1954, cả nhà rời Tuyên Quang về lại Hà Nội. Mẹ gánh 2 con là Tường Quân và một bé gái lên 2 tuổi. Còn lại 3 anh chị em lớn hơn phải đi bộ từ Tuyên Quang về Vĩnh Phúc. Về đến Hà Nội, mẹ ở ngôi nhà cũ 30 Nguyễn Thái Học.

Bà Bùi Thị Mai và kỉ vật của mẹ.

Tháng 3 năm 1955, xảy ra một câu chuyện đau buồn, bé gái 3 tuổi bị bệnh sốt rét ác tính, đưa vào bệnh viện, bác sĩ chuẩn đoán nhầm, sau đó bé mất. Cái chết thương tâm của con gái út làm cô Bính suốt 6-7 tháng trời không vực dậy nổi, nhớ con quay quắt, ốm lăn lóc, buồn rầu ủ rũ chả thiết ăn uống gì, người xanh xao gầy rộc như tàu lá.

Cụ Đỗ Lợi thương con gái, cho con chuyển sang căn nhà 67 Nguyễn Thái Học để thay đổi không gian sống. Cụ sợ ở ngôi nhà cũ, hình ảnh của đứa trẻ đã mất làm cho người mẹ càng thêm phần khổ đau dày vò.

Bà Mai kể, mẹ tuy sinh ra trong gia đình tư sản lớn nhưng tính tiết kiệm lắm: Năm 1967, bà Mai đi học bên Trung Quốc về mua cho mẹ 3 thứ: 1 đôi găng tay da, 10 cuộn len trắng, 1 mảnh vải rất đẹp. Mẹ bà bảo: “Đất nước đang chiến tranh, mẹ không dùng thứ xa xỉ ấy đâu, đôi găng tay da mẹ bán đi dùng tiền để trang trải cho gia đình”. 10 cuộn len trắng bà tự tay đan áo cho con trai. Còn tấm vải, phải 6-7 năm sau mới mang đi may áo và mặc mãi cho đến lúc mất.

Năm 1967, Phòng Giáo dục Hai Bà Trưng xảy ra một sự việc kinh hoàng, máy bay Mỹ ném bom xuống Thủ đô Hà Nội. Bà Bính bị bom vùi xuống lòng đất, đến khi người ta dùng xà beng và xẻng để kéo được lên thì toàn thân bà bị phù nề nặng, xung quanh là 19 người mất, duy chỉ còn bà Bính còn sống sót sau cú dội bom điên cuồng ấy.

Những năm tháng chiến tranh, bà Bính may hàng quân nhu, dạy bình dân học vụ, sau này làm ở Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng cho đến lúc về hưu. Bà Mai bảo: “Mẹ tôi là người thiết tha yêu Đảng. Cả đời phấn đấu cho sự nghiệp dạy học và trồng người. Mẹ dạy bổ túc văn hóa bất kể ngày đêm. 12 năm liền được tặng thưởng Huy chương Chiến sĩ thi đua yêu nước. Mẹ luôn nghĩ tất cả mọi người đều tốt, xã hội không có ai là người xấu cả. Mẹ yêu thương tất cả mọi người và cả những loài động vật”.

Năm 1985, bà Bính mua đất ở khu Trung Tự rồi xây một căn nhà cấp bốn ở cho đến cuối đời. Năm 1986, chồng bà qua đời sau 10 năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Bà Bính thêm một lần run rẩy đau xót mất đi người bạn đời tri âm, tri kỷ.

Trước tết năm 1992, bệnh cao huyết áp của bà như dòng điện cao thế phập phù không ổn định, lên xuống thất thường. Gia đình đưa bà vào bệnh viện chạy chữa. Sát tết, bà được về nhà ăn tết. Hơn một tháng trời, ngày nào bà cũng chỉ thèm ăn mỗi món bún thang, con cháu lại xách cặp lồng đạp xe tới chợ Hôm mua về cho bà ăn. Sau cái tết năm ấy, ngày mồng 9 tháng Giêng âm lịch, bà thấy trong người không được khỏe rồi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ ngàn thu, hưởng thọ 77 tuổi.

Bà Mai bồi hồi nói: “Mẹ tôi cả đời thích mặc áo màu đen. Khi mẹ mất, tôi mặc cho bà một áo cánh màu vàng mỡ gà trong cùng, bên ngoài là áo dài bằng vải lụa đen, ngoài cùng khoác cho mẹ một áo dạ Mông Tự màu đen tuyền như theo di nguyện mẹ yêu đồ đen”.

Đám tang hôm đấy trời mùa đông lạnh, mưa lất phất bay, hồn của “người đàn bà áo đen” hòa vào cây cối mây trời, quện mùi nhang khói, phiêu diêu tự tại.

Trần Mỹ Hiền

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/giai-nhan-ao-den-cua-dat-ha-thanh-505239/