Giải nỗi lo người lao động về già không có lương hưu

Khoảng 60% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH và BH thất nghiệp, chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức. Điều này đồng nghĩa người lao động khi về già sẽ không có lương hưu, khi thất nghiệp, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không được hỗ trợ bảo hiểm. Do vậy, cần chính thức hóa thị trường lao động khu vực phi chính thức nhằm từng bước dịch chuyển sang khu vực chính thức.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến 31/7/2022, tỷ lệ tham gia BHXH đạt 34,1% lực lượng lao động, tương ứng khoảng 16.880.493 người. So với cùng kỳ tăng 5,71%, tương ứng là 911.706 người. So với năm 2021 tăng 2,02%, tương ứng là 333.636 người. Số tham gia BH thất nghiệp đạt 28% lực lượng lao động, tương ứng 13.845.967 người, so với cùng kỳ tăng 5,94%, tương ứng là 775.888 người; so với năm 2021, tăng 3,37% tương ứng là 451.024 người.

Mở rộng độ bao phủ của chính sách an sinh

Theo TS. Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tỷ lệ tham gia BHXH, BH thất nghiệp tăng, ước đạt mục tiêu vào cuối năm 2022: Chỉ tiêu BHXH và BH thất nghiệp đều tăng so với cùng kỳ và năm 2021.

Người lao động nhận lương hưu, đảm bảo được cuộc sống khi về già.

Theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, đến cuối năm 2022, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt khoảng 38% (kế hoạch là 37-38%); tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp khoảng 31% (kế hoạch là khoảng 31%), đạt mục tiêu được Quốc hội giao.

BHXH Việt Nam ước 8 tháng năm 2022, số lao động tham gia BHXH bắt buộc chiếm khoảng 34,4% lực lượng lao động; BHXH tự nguyện chiếm khoảng 3,3% lực lượng lao động; BH thất nghiệp chiếm khoảng 30,6% lực lượng lao động.

Như vậy, còn khoảng 60% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH và BH thất nghiệp mà chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức. Người lao động khi về già sẽ không có lương hưu, khi thất nghiệp, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không được hỗ trợ bảo hiểm.

Bên cạnh đó, TS. Lâm Văn Đoan cũng chỉ ra nỗi lo khi số người hưởng BHXH một lần vẫn ở mức rất cao. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, riêng năm 2021, đã có hơn 800.000 người hưởng BHXH một lần; 4 tháng đầu năm 2022 có 308.151 người, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2021; ước 5 tháng đầu năm 2022 là 404.722 người, tăng 1,2% so với cùng kỳ.

Nếu so sánh về tỷ lệ thì số người hưởng BHXH một lần chiếm bình quân 4,7% tổng số người tham gia BHXH bắt buộc - tương đương với tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bình quân cả giai đoạn 2014 - 2020. Điều này cũng có nghĩa là, cứ có 2 người mới tham gia vào BHXH thì có 1 người cũ rời khỏi hệ thống.

Giao chỉ tiêu phát triển BHXH đến từng huyện, xã

Trước những con số trên, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, đánh giá hệ thống BHXH, BH thất nghiệp của Việt Nam chưa hoàn chỉnh và chưa gắn kết chặt chẽ với hệ thống an sinh xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các loại hình kinh tế mới, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tự do trên nền tảng trực tuyến... Lao động trong phân khúc thị trường lao động này chưa được tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp.

Do vậy, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh cần chính thức hóa thị trường lao động khu vực phi chính thức nhằm từng bước dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Đồng thời, để phát triển đối tượng tham gia BHXH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đã có các văn bản gửi Bí thư tỉnh ủy, thành phố về công tác BHXH để địa phương đưa vào Nghị quyết của Ban Thường vụ, họp Hội đồng Nhân dân ra Nghị quyết giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT đến từng huyện, xã. Đến nay, đã có 56 tỉnh Hội đồng nhân dân giao chỉ tiêu, trong đó có 42 tỉnh giao chỉ tiêu phát triển BHXH đến từng huyện; 31 tỉnh giao chỉ tiêu này đến cấp xã- toàn hệ thống chính trị vào cuộc; 61 tỉnh, thành đã thực hiện giao chỉ tiêu phát triển BHYT.

Cũng theo ông Nguyễn Thế Mạnh, thời gian qua dù khó khăn nhưng với sự cố gắng của ngành BHXH Việt Nam cùng các ngành, cấp nên công tác phát triển BHXH, BH thất nghiệp đã tăng. Đặc biệt đối tượng BHXH bắt buộc tăng lên dù ít cũng là sự cố gắng của Ngành và Ngành xác định tập trung vận động người tham gia BHXH tự nguyện nhằm bù vào số BHXH bắt buộc để đạt kế hoạch giao.

Liên quan công tác thanh kiểm tra, BHXH Việt Nam đã kết hợp các phương pháp từ trực tiếp đến thanh tra hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đồng thời, trong bối ảnh dịch bệnh, chỉ tiêu phát triển BHXH bắt buộc vẫn duy trì và có sự gia tăng, người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 28 về Cải cách chính sách BHXH. Rõ ràng sau Nghị quyết số 28 với tư duy và cách làm mới, giao chỉ tiêu cho các địa phương nên nhận thức của các cấp ủy địa phương về trách nhiệm của mình và có sự gắn bó với cơ quan BHXH đang là hướng đi đúng trong việc mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội và cần được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Hải Đăng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/giai-noi-lo-nguoi-lao-dong-ve-gia-khong-co-luong-huu-1087994.html