Giải pháp căn cơ, quyết liệt tháo gỡ các 'điểm nghẽn'

Tiếp tục theo dõi ngày làm việc thứ hai phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước của Quốc hội, đại diện cơ quan dân cử địa phương đánh giá: các ĐBQH đã có nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng, chỉ rõ được những vấn đề 'nóng' đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm; đồng thời, đưa ra giải pháp căn cơ, thỏa đáng tháo gỡ các 'điểm nghẽn' của nền kinh tế.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình NGUYỄN HOÀNG HÀ:
Hiến kế tâm huyết, trách nhiệm

Qua theo dõi phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương những tháng đầu năm 2023; nhờ đó, thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; ngành du lịch tiếp tục phục hồi. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, quốc phòng an ninh được bảo đảm.

Xoay quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, tôi đánh giá cao ý kiến, hiến kế tâm huyết trách nhiệm của các đại biểu, nhất là về lĩnh vực đầu tư cho “tam nông”. Bên cạnh nỗ lực của các bộ, ngành,trong việc tham mưu cho Chính phủ có nhiều chính sách và giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua,cử tri và nhân dân cũng vẫn rất lo ngại và luôn trăn trở về tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tình trạng giá cả thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Trong khi đó, một số nông sản, hàng hóa sản xuất ra không tiêu thụ, bán giá thành rất thấp hoặc lỗ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất người nông dân. Do đó, mong rằng Chính phủ có các giải pháp kịp thời, hữu hiệu hơn và có chính sách hỗ trợ cho người nông dân.

Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Thực tế thấy rằng, trong giai đoạn này, cả doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội. Do đó, rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư kinh doanh. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công phụ hiện nay để nâng cao hiệu quả phối hợp.

Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Quảng Bình NGUYỄN THỊ MAI:
Phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri

Trong ngày thảo luận thứ hai của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023, các đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chỉ ra những vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Đây đều là những ý kiến rất xác đáng, phù hợp với bối cảnh thực tiễn tình hình, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Chủ tọa điều hành phiên thảo luận thể hiện sự linh hoạt, hướng các nội dung đi vào trọng tâm, trọng điểm…

Qua thảo luận, các ĐBQH đã chỉ rõ những hạn chế, bất cập nổi lên từ quý IV.2022 và những tháng đầu năm 2023, như: tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra; kim ngạch xuất, nhập khẩu, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc chỉ tăng ở mức thấp; một số điểm "nghẽn” của các thị trường chưa được tháo gỡ hiệu quả; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, một số doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô hoặc dừng hoạt động; kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro; nguy cơ nợ xấu gia tăng; tình hình dịch bệnh, thiên tai dự báo sẽ diễn biến phức tạp…

Các đại biểu cũng đặt nhiều kỳ vọng vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp… Cùng với đó là các giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, giải ngân vốn Chương trình phục hồi; chấm dứt việc chậm giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng xây dựng dự toán thu thấp; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững...

Tôi tán thành với đề nghị của đại biểu Quốc hội về việc cần ban hành bộ quy tắc, quy chuẩn xử lý những vấn đề phổ biến gặp phải trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các nhiệm vụ liên quan và phổ biến rộng rãi…; đồng thời, cân nhắc ưu tiên nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực quốc phòng - an ninh; có chính sách hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, có mức hỗ trợ phù hợp thực tiễn cho lực lượng hải đội dân quân, đặc công nước, các lực lượng dân quân tự vệ biển…; quan tâm, có cơ chế chính sách phù hợp, nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa ĐỖ NGỌC DUY:
Thảo luận những vấn đề thực tế đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ

Tham gia dự thính phiên thảo luận của Quốc hội vềđánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, tôi cảm nhận rõ không khí sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến phong phú, sâu sắc về các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội. Các ý kiến đều có sự phân tích từ lý luận và thực tiễn để làm rõ những vấn đề “nóng”, “nổi cộm” của đất nước; nhiều đại biểu đưa ra những đề xuất, giải pháp thiết thực, khả thi.

Đúng như nhận định của các đại biểu Quốc hội, năm 2022 mặc dù tình hình quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn, song kinh tế nước ta vẫn đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó GDP tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong hơn 10 năm qua. Đây là minh chứng cụ thể và rõ nét nhất cho những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch. Bên cạnh những mặt tích cực, các ĐBQH đã thẳng thắn chỉ rõ những mặt hạn chế trong bức tranh kinh tế - xã hội của nước ta. Điển hình như: việc chậm phê duyệt các quy hoạch, chậm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hạn chế trong phân bổ giải ngân vốn đầu tư công; vấn đề điều tiết và chậm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản...

Tôi đặc biệt ấn tượng với một số giải pháp các đại biểu Quốc hội đưa ra, điển hình như: miễn giảm, gia hạn thuế phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; các giải pháp giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, than, xăng dầu. Tôi cho rằng, đây đều là những vấn đề thực tế đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ, có tính chất sát sườn và cấp thiết, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện hiệu quả các chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu, các bộ trưởng cũng đã tham gia giải trình, làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri còn băn khoăn. Qua các ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu Quốc hội và giải trình của tư lệnh ngành giúp Quốc hội có cơ sở phân tích đúng tình hình, quyết định những giải pháp căn cơ, thỏa đáng để kịp thời tháo gỡ các điểm "nghẽn” của nền kinh tế; đồng hành cùng Chính phủ để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra trong thời gian tới.

DIỆP ANH - TRỌNG HIẾU - ĐÀO CẢNH thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/giai-phap-can-co-quyet-liet-thao-go-cac-diem-nghen-i331129/