Giải pháp cho nguồn nhân lực trình độ cao

Phải gắn kết với DN trong đào tạo nghề và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục dạy nghề song song với việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo...

TS. Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ- TB&XH chia sẻ, với dân số ước tính khoảng 94 triệu người vào năm 2018; trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,61 triệu người, chiếm 59,5%, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng với nguồn cung lao động dồi dào và ổn định.

Tập trung vào công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Hiện tại, dân số từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam vẫn gia tăng (từ quý II/2012 đến quý II/2017 dân số tăng 3,4 triệu người), lực lượng lao động trong giai đoạn này vẫn tăng trên 1,9 triệu người) và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức ổn định. Lực lượng lao động với trình độ chuyên môn kỹ thuật cao tăng trong giai đoạn quý II/2012 đến quý II/2017. Tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật giảm 5,10 điểm phần trăm, tỷ lệ lao động với trình độ sơ cấp tăng 1,08 điểm phần trăm, tỷ lệ lao động với trình độ cao đẳng tăng 0,80 điểm phần trăm và tăng cao nhất là tỷ lệ lao động với trình độ đại học tăng 3,00 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế; trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập; Khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.

Hệ quả của việc này là xu hướng thất nghiệp gia tăng có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là chất lượng đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng chưa cao nên lao động mới tốt nghiệp đa số không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của của cơ quan DN. Đồng thời, sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế khiến cho cung và cầu trong lao động thay đổi, trong khi các ngành đào tạo trong nhà trường chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của DN.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời sự biến động của thị trường lao động; chưa đưa ra được các dự báo trung và ngắn hạn về thị trường lao động và tính hiệu quả chưa cao của hoạt động dịch vụ việc làm đã góp phần làm gia tăng xu hướng này.

Toàn cầu hóa và hội nhập đang là xu hướng phát triển chủ yếu trong các quan hệ quốc tế trên tất cả các phương diện, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, thông qua các cam kết, các hiệp định. Việt Nam đã trở thành các thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam, tham gia vào CPTPP, các định chế quốc tế sẽ thúc đẩy dòng chu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, công nghệ và lao động, nhất là lao động có kỹ năng có cơ hội di chuyển trong thị trường lao động của khối AEC.

Nhưng thách thức lớn nhất là tính cạnh tranh trong thị trường nhân lực sẽ rất cao, trong khi mức độ sẵn sàng của Việt Nam còn chậm. Cạnh tranh giữa nước ta với các nước trên thế giới trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao ngày càng tăng đòi hỏi chất lượng giáo dục nghề nghiệp phải được cải thiện đáng kể theo hướng tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới nhằm tăng cường khả năng công nhận văn bằng chứng chỉ giữa Việt Nam và các nước khác, TS. Lê Kim Dung cho biết thêm.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới sẽ tập trung vào những giải pháp chủ yếu là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề; Phát triển chương trình và đào tạo nghề chất lượng cao; Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng. Đồng thời phải gắn kết với DN trong đào tạo nghề và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục dạy nghề song song với việc tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo.

Hữu An

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/giai-phap-cho-nguon-nhan-luc-trinh-do-cao-75902.html