Giải pháp chống ngập căn cơ là gì?

Cần lồng ghép việc giải quyết những tồn tại khi ngập nước, kể cả kẹt xe, ô nhiễm môi trường, với di dời nhà ven kênh rạch trong các dự án phát triển đô thị quy mô lớn

Cơn mưa chiều 15-5 khiến nhiều tuyến đường ở TP HCM ngập sâu, xe chết máy, nhiều người dân phải lội nước về nhà.

Chống ngập chưa hiệu quả

Đáng nói là một số điểm ngập cũ chưa được giải quyết xong thì đã phát sinh điểm ngập mới. Nhiều nơi hoàn thành dự án chống ngập nhưng vẫn mênh mông nước. Trong đó, đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức) được lắp đặt cống thoát nước với vốn đầu tư 248 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chưa tới 20 ngày nhưng vẫn ngập.

Điều này cho thấy một số vấn đề bất cập, chưa hiệu quả trong công tác chống ngập. Dễ thấy là tiếp giáp đường Võ Văn Ngân có các đường Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Hồ Văn Tư, Đặng Văn Bi vốn có lượng nước rất lớn mỗi khi mưa tràn về khu vực chợ Thủ Đức. Cống chưa được đầu tư đồng bộ thì khó giải quyết triệt để việc thoát nước cho cả khu vực này, một tuyến đường không thể gánh vác.

Khu vực chợ Thủ Đức (TP HCM) mênh mông nước sau cơn mưa chiều 15-5. Ảnh: ANH VŨ

Khu vực chợ Thủ Đức (TP HCM) mênh mông nước sau cơn mưa chiều 15-5. Ảnh: ANH VŨ

Trước đó, Sở Xây dựng TP HCM thông tin trên địa bàn đến hết năm 2023 chỉ còn 13 đường trục chính ngập do mưa, 5 đường trục chính ngập do triều cường. Tuy nhiên, ngập nước trên diện rộng còn có các hẻm, khu dân cư trong nhiều giờ liền.

Nguyên nhân ngập những năm qua phần lớn là do đô thị hóa mất kiểm soát, san lấp rạch tràn lan dẫn đến thu hẹp không gian dẫn dòng và thoát nước. Không còn khả năng cân bằng, lượng nước mưa không đủ phạm vi kịp di chuyển và trở nên quá tải; chưa kể tình trạng cống có kích thước lớn nhỏ khác nhau, gây nghẽn cục bộ.

Thêm một thực trạng khác, việc lấp rạch thay thế bằng cống cũng gây ngập nước nặng hơn. Quận Bình Thạnh có rạch Phan Văn Hân dài gần 500 m, rạch Tân Cảng dài hơn 200 m, bị lấp thay thế bằng tuyến cống có tiết diện 1,6 m x 2 m và 2 m x 2 m - chỉ rộng bằng 1/10 so với rạch cũ rộng 20 m. TP Thủ Đức có rạch Bá Đỏ rộng 50 m gom nước thoát ra sông Sài Gòn và Rạch Chiếc bị lấp gần hết, thay thế bằng cống hộp.

Với giải pháp làm cống thay rạch, cái lợi trước mắt chỉ là sự dễ dàng, dễ làm nhưng hậu quả sẽ rất nặng nề, không bảo đảm thoát nước như rạch - loại hình như mương hở có thể thu nước tự nhiên dọc hai bên, tiết diện cống chưa tương xứng. Rạch còn có chức năng hút nước xuống đất, góp phần làm mát đô thị trong các ngày nắng nóng.

Xác định đúng nguyên nhân, đầu tư đồng bộ

Để chống ngập hiệu quả, bên cạnh việc kiểm tra hệ thống cống, cửa thu nước để khai thông thì cần rà soát quy hoạch tổng thể mặt bằng lưu vực, địa hình; đánh giá lại công tác chống ngập, xem xét toàn diện, xác định đúng nguyên nhân và phạm vi. Cần đầu tư đồng bộ, giải quyết ngập cho cả khu vực chứ không chỉ trên một đoạn đường. Các dự án, công trình chống ngập phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia, đạt mục tiêu.

Cần ưu tiên dẫn dòng thoát nước ngắn nhất, hạn chế xung đột, như dẫn dòng ra sông Sài Gòn và các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật… Khu vực chợ Thủ Đức trong lúc chờ đợi đầu tư hệ thống cống theo quy hoạch có thể tận dụng các rạch, suối Linh Tây để thoát nước.

Nên thận trọng, cân nhắc, đừng tiếp tục lấp rạch để thay bằng cống, khó khắc phục về sau, gây thiệt hại lớn khó bù đắp khi làm mất đi môi trường thoát nước tự nhiên. Cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ sông, rạch, kênh, mương để vừa thoát nước mưa theo địa hình tự nhiên vừa giữ được chức năng hệ sinh thái, thảm thực vật.

Hơn nữa, cần mở rộng không gian xanh, tăng cường bề mặt thấm hút nước trong đô thị. Tận dụng một số công viên phù hợp để làm hầm chứa nước phía dưới như các đô thị lớn trên thế giới chống ngập và sử dụng nước rửa đường, tưới cây xanh.

Cần thay đổi cách phát triển công viên; triển khai các dự án nhà ở, cải tạo đô thị nên tạo vùng trũng, bố trí hồ nhân tạo, thay vì cống thì xây dựng mương hở sẽ dễ thu nước hai bên. Cách tiếp cận này còn giúp tạo cảnh quan, góp phần bổ sung nước ngầm, làm chậm quá trình chuyển nước mưa, giảm xói mòn và thấm hút nước xuống lòng đất.

TP HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung, nên tính tới nguyên tắc, quy trình thiết kế đô thị xứng tầm. Cần lồng ghép việc giải quyết những tồn tại khi ngập nước, kể cả kẹt xe, ô nhiễm môi trường, với di dời nhà ven kênh rạch trong các dự án phát triển đô thị quy mô lớn. Bởi lẽ, mỗi ngành này thì không thể đơn độc mà làm được. Tất cả cần thông qua giải pháp tổng thể bằng chính sách, quy hoạch, thiết kế, cải tạo đô thị. Cùng với đó là công tác quản lý, điều hành khoa học giải quyết tổng hợp. Được như vậy, khi có sự cố ngoài ý muốn, trục trặc nào đó thì hệ thống nhanh chóng bổ khuyết cho nhau.

Với diễn biến ngập nước ngày càng trầm trọng, cần thẳng thắn nhìn nhận đúng thực tế để sớm có giải pháp hữu hiệu. Đừng chống ngập theo kiểu đối phó, chắp vá!

Trần Văn Tường (kỹ sư cầu đường)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-phap-chong-ngap-can-co-la-gi-19624051920330557.htm