Giải pháp chống nóng, 'hạ nhiệt' cho nhà ở vào mùa hè

Sử dụng ô gạch thông giá, sơn cách nhiệt, trồng cây xanh… đây là ba trong số nhiều giải pháp để giảm nhiệt căn nhà trong mùa hè oi bức.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trung bình tháng 1,2,3/2024 tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm, từ 0,5 - 1,5 độ C.

“Mùa hè năm 2024 khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối”, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo.

Trước thực trạng trên, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi về giải pháp chống nóng cho nhà ở, với kiến trúc sư Lương Thành, nhà sáng lập Công ty kiến trúc LTA, và kiến trúc sư Phạm Vĩ Anh đến từ Công ty tư vấn thiết kế Haiversion.

Theo đó, hai vị kiến trúc sư đều có chung quan điểm rằng, xét về quy hoạch tổng thể tại Hà Nội và TP.HCM, hiện mật độ xây dựng đang ở mức quá cao, trong khi mảng không gian xanh còn rất hạn chế. Điều này đã tạo ra hiệu ứng “nung nóng” cho các khối nhà.

Ngoài ra, thiết kế của phần đông các căn nhà ống hiện tại cũng không đáp ứng được cơ chế đối lưu gió. Với những căn nằm trong ngõ nhỏ, nằm san sát nhau, tình trạng bí bách, oi bức còn gia tăng gấp bội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của gia chủ.

Với “đề bài” là cải thiện khả năng cách nhiệt của căn nhà nhưng không thay đổi kết cấu công trình, các kiến trúc sư đã đưa những các giải pháp hữu hiệu dưới đây.

Sử dụng bông thủy tinh cách nhiệt

Theo kiến trúc sư Lương Thành, gia chủ có thể xây thêm một lớp tường nữa cho căn nhà. Khoảng trống giữa hai lớp tường sẽ được trang bị một lớp bông thủy tinh cách nhiệt.

Bông thủy tinh cách nhiệt có thể gây dị ứng đối với những người tiếp xúc trực tiếp.

Đây là loại vật liệu được tạo thành từ các sợi thủy tinh siêu nhỏ, xếp đan xen vào nhau, tạo ra cấu trúc xốp với nhiều khoảng trống chứa không khí.

Nhờ cấu trúc đặc biệt này nên bông thủy tinh có khả năng cản trở sự truyền nhiệt, ngăn chặn nhiệt lượng từ môi trường bên ngoài truyền vào trong nhà và ngược lại.

Tuy nhiên, bông thủy tinh cũng tồn tại một số nhược điểm. Trong quá trình thi công, những sợi bông thủy tinh có thể sẽ gây nên một số những phản ứng như dị ứng, kích ứng da, ngứa, mẩn đỏ và có thể dẫn đến tình trạng phơi nhiễm bông thủy tinh nếu tiếp xúc trong thời gian dài mà không có đồ bảo hộ.

Dùng ô gạch thông gió

Đây là các ô gạch có hoa văn, họa tiết trang trí dạng rỗng. Đặc điểm này sẽ giúp căn nhà đón thêm nguồn sáng tự nhiên và tạo ra dòng khí đối lưu. Bên cạnh đó, những ô gạch này cũng được đánh giá rất cao về tính thẩm mỹ và sự độc đáo trong thiết kế.

Nhược điểm của gạch bông gió là không có khả năng chống hắt mưa tốt. Điều này đồng nghĩa với việc gia chủ phải làm thêm một lớp vách để hạn chế hoàn toàn tình trạng này.

Không chỉ vậy, gạch thông gió cũng tương đối dày và nặng. Kích thước phổ biến của gạch thông gió là 6,5 – 8 cm và nặng 3 – 10 kg. Với kích thước và trọng lượng như trên, quá trình thi công sẽ tốn nhiều thời gian, sức lực và chi phí đắt đỏ hơn.

Giải pháp kính hai lớp

Đúng như tên gọi, tường kính hai lớp sẽ có hai lớp kính cường lực, đặt song song với nhau. Vùng không gian ở giữa hai lớp sẽ có chức năng hấp thụ nhiệt và cách âm. Ngoài ra, giải pháp này cũng giúp căn nhà có thể khai thác được tối đa ánh sáng tự nhiên.

Tuy nhiên, kinh hai lớp có chi phí lắp đặt tương đối cao. Gia chủ cũng sẽ phải thường xuyên bảo trì để giữ trọn công năng cũng như tính thẩm mỹ của vật liệu.

Lắp phim cách nhiệt

Phim cách nhiệt hay còn gọi là phim chống nóng có khả năng giảm sự hấp thụ của tia hồng ngoại, tia tử ngoại lên trên bề mặt nhựa polyester.

Quá trình dán phim cách nhiệt không tốn nhiều thời gian.

Đây là loại vật liệu có khả năng chống nóng tốt và có thể cản được tia UV. Phim cách nhiệt còn giúp gia chủ có được khoảng không gian riêng tư, khi người bên ngoài không thể nhìn vào bên trong căn nhà. Mức giá của vật liệu này cũng tương đối bình dân, nếu so với các giải pháp chống nóng khác.

Dẫu vậy, phim cách nhiệt cũng có một số hạn chế, chẳng hạn làm giảm khả năng thu sáng vào căn nhà. Độ bền bỉ của sản phẩm cũng không cao. Sau một thời gian sử dụng, phim cách nhiệt có thể bị phồng, bong tróc, gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ cũng như giảm tác dụng ngăn cản các tia gây hại.

Sử dụng sơn cách nhiệt

Đây là dòng sơn có chứa chất tạo màng và có khả năng cách nhiệt tốt. Loại sơn này thường được sử dụng trên những bề mặt thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, chẳng hạn như mái tôn, tường ngoài của ngôi nhà hay sân thượng...

Độ bền của lớp sơn thường là 10 năm và hiệu quả chống nóng của bề mặt là gần 5 năm. Bên cạnh đó, sơn cách nhiệt còn có khả năng chống ăn mòn, gỉ sét - một đặc điểm rất phù hợp khi dùng cho mái tôn.

Đổi lại, sơn cách nhiệt có giá thành tương đối cao. Ngoài ra, màu sắc của sơn cũng không đa dạng. Trong trường hợp bề mặt tường bị phồng rộp, bong tróc, hiệu quả chống nóng của sơn cũng sẽ bị giảm sút.

Trang bị tôn lạnh

Đúng như tên gọi, tôn lạnh có khả năng hạn chế hấp thụ nhiệt từ ánh sáng mặt trời rất tốt. Đây là một loại tôn cán mỏng đã qua mạ hợp kim nhôm kẽm. Nhờ có chất liệu này nên tôn lạnh có khả năng chống ăn mòn và hạn chế các hư hại do tác động của môi trường.

Việc lắp đặt, thi công tôn lạnh cũng diễn ra khá nhanh chóng. Do đó, gia chủ có thể dễ dàng tháo dỡ và tái sử dụng tôn lạnh cho các công trình khác. Nhược điểm lớn nhất của tôn lạnh chính là giá thành khá cao.

Lát gạch chống nóng

Với những công trình mái bằng, gia chủ thường lựa chọn gạch chống nóng để thi công nhằm mục đích giảm nền nhiệt cũng như tăng công năng sử dụng cho phần sân thượng. Các loại gạch chống nóng hiện nay còn có tính thẩm mỹ cao nhờ sự đa dạng về mẫu mã, kích thước, màu sắc và thiết kế.

Yếu điểm của gạch chống nóng là độ bền bỉ. Sau một thời gian đưa vào hoạt động, lớp gạch có thể sẽ bị thấm nước, dẫn đến hiện tượng ẩm mốc, nứt trần nhà, giảm tuổi thọ của công trình.

Trồng nhiều cây xanh

Gia chủ có thể tham khảo các loại cây trồng trong nhà như cây lưỡi hổ, cây lan ý, cây trầu bà, cây vạn thiên thanh, đa búp đỏ… Đây là những cây ưa bóng mát, dễ dàng phát triển ở điều kiện không nhiều nắng và có tốc độ sinh sôi thấp.

Quá trình chăm sóc cây xanh mang lại sự thong thả và thư thái trong tâm trí.

Cây xanh không chỉ giúp thanh lọc không khí mà còn tăng tính thẩm mỹ cho căn nhà. Đây có thể coi là giải pháp chống nóng có giá “bình dân” nhất nhưng vẫn mang lại tính hiệu quả cao.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/giai-phap-chong-nong-ha-nhiet-cho-nha-o-vao-mua-he-d214966.html