Giải pháp để đồng bào không bị ám ảnh bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Những năm gần đây, phía Tây của tỉnh Thanh Hóa liên tục phải hứng chịu những trận lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Nhiều gia đình mất đi người thân, bản làng tan hoang, người sống chịu cảnh màn trời chiếu đất. Thiên tai cũng gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.

Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa tan hoang sau lũ. Ảnh: Đình Nam/TTXVN

Bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa tan hoang sau lũ. Ảnh: Đình Nam/TTXVN

Trận lũ ống, lũ quét đầu tháng 8 vừa tràn qua bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn khiến 15 người bị chết và mất tích. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 8 người chưa được tìm thấy. Cơn lũ dữ đi qua cuốn trôi, nhấn chìm, tàn phá 32 ngôi nhà và 1 nhà văn hóa bản. Thảm khốc nhất có gia đình bị lũ dữ cuốn trôi 6 người cùng toàn bộ nhà cửa và tài sản.

Cuối tháng 8 năm 2018, ở bản Poong xã Tam Chung, huyện Mường Lát cũng xảy ra lũ ống, lũ quét làm 30 căn nhà của dân bản bị cuốn trôi. Toàn bộ tài sản tiêu tan theo dòng nước lũ.

Những bản làng bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ ống, lũ quét thường là những bản mà đồng bào dựng nhà ven sông, ven suối. Bên cạnh việc thuận lợi cho sinh hoạt và gần nguồn nước nhưng khi thiên tai lũ ống, lũ quét ập về người dân không kịp trở tay. Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho đồng bào, giải pháp căn cơ, bền vững nhất vẫn là di dân tái định cư.

Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tại 11 huyện miền núi trong tỉnh vẫn còn khoảng 4.600 hộ dân đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương đã khoanh vùng khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá. Tỉnh đã có quyết định phê duyệt phương án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tại các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở các huyện miền núi đến năm 2025 với kinh phí gần 1.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh chưa đủ kinh phí thực hiện di dân, trước mắt ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho đồng bào hiểu biết về tác hại và hướng dẫn họ kỹ năng ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Khi xảy ra mưa bão khoảng 2 giờ mà chưa ngớt, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần khẩn trương, quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Những năm vừa qua, kinh phí dành cho công tác di dân tái định cư của tỉnh Thanh Hóa được bố trí rất hạn hẹp, chủ yếu ngân sách của trung ương, binh quân mỗi năm từ 2 - 5 tỉ đồng. Hằng năm, tỉnh cũng không xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách cho việc di dân tái định cư này. Riêng năm 2018, do bị ảnh hưởng nặng nề của lũ quét ở Mường Lát và Quan Hóa, tỉnh mới bố trí ngân sách khẩn cấp 58,6 tỉ đồng để thực hiện việc di dân, tái định cư cho 368 hộ.

Sau 2 trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất vừa qua, ở bản Poong xảy ra sạt lở nghiêm trọng, lũ dữ gần như cuốn trôi toàn bộ bản làng nhưng không có thương vong về người. Anh Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poong đã không quản nguy hiểm băng rừng báo cho trên 400 hộ dân chạy lũ. Tại bản Sa Ná nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi ít hơn nhưng có đến 15 người mất tích.

Ông Lương Văn Mơ, bản Sa Ná cho biết: Khi nhìn thấy nước lũ từ trên cao ập về, tôi cố gọi và ra hiệu cho những gia đình ở phía dưới. Tuy nhiên gọi đến khản cả cổ, ra hiệu đến mỏi cả tay nhưng khoảng cách khá xa nên họ không nhìn thấy, không nghe thấy. Nếu lúc đó tôi có tù và hoặc trống để đánh báo hiệu cho các hộ phía dưới thì thiệt hại về người sẽ không lớn đến vậy.

Từ thực tế trên cho thấy việc đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo đầu nguồn suối có bản làng sinh sống là cần thiết. Khi lũ ống, lũ quét, sạt lở xảy ra hệ thống báo động để người dân kịp chạy lũ. Giải pháp này không tốn nhiều kinh phí. Chính quyền địa phương cũng nên trang bị tù và, kẻng, trống cho những hộ đầu nguồn sông, suối để kịp thời báo động khi có lũ về.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/giai-phap-de-dong-bao-khong-bi-am-anh-boi-lu-ong-lu-quet-sat-lo-dat-20190807172409067.htm