Giải pháp đổi mới và hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính ở các trường nghệ thuật và thể dục thể thao công lập ở Việt Nam

NGUYỄN KIỀU DUYÊN (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

TÓM TẮT:

Bài báo phân tích phân tích dự báo các xu hướng và yêu cầu trong phát triển lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhân lực nghệ thuật, thể dục thể thao ở Việt Nam trong giai đoạn tới, từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới, hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính ở các trường nghệ thuật và thể dục thể thao công lập.

Từ khóa: tự chủ tài chính, giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính, trường nghệ thuật và thể dục thể thao công lập.

1. Thực trạng tự chủ tài chính tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật và thể dục thể thao công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 1.1. Về cơ chế học phí trong đào tạo nghệ thuật và thể dục thể thao

Khảo sát kết quả thực hiện cơ chế thu học phí ở các trường nghệ thuật và thể dục thể thao (NT-TDTT) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), nhóm đề tài nhận thấy rằng sau khi thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, mức thu học phí của các trường tăng cao rõ rệt. Theo Báo cáo số liệu tổng hợp nguồn thu và chi của các trường NT-TDTT giai đoạn 2015-2019, mức thu học phí đạt trung bình 55,9 tỷ đồng; mức thu học phí năm 2019 đạt 88,3 tỷ đồng cao gấp 2,7 lần so với năm 2015.

Nhóm trường có nguồn thu học phí lớn nhất là Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh; Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Nhóm trường có nguồn thu học phí thấp là Cao đẳng Múa Việt Nam; Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc; Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và Trung cấp Xiếc và Tạp kỹ.

1.2. Về cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước

Trong giai đoạn 2015-2019, Bộ VHTTDL đã tiến hành giao kinh phí tự chủ cho các trường NT-TDTT trực thuộc Bộ quản lý. Đa số các trường được giao kinh phí tự chủ năm 2015 cao gấp 1,5- 2 lần kinh phí giao năm 2019. Điều này cho thấy, Nhà nước tiếp tục ưu tiên phát triển lĩnh vực đào tạo NT-TDTT. Ví dụ, nguồn kinh phí xây dựng cơ bản của các trường nghệ thuật trước năm 2005 đạt 50.700 triệu đồng, đến năm 2008 đã tăng lên gấp gần 2 lần với mức 100.000 triệu đồng (sau hơn 2 năm Nghị định số 43/2006/NĐ-CP đi vào thực tiễn). Năm 2005, các trường chưa thực hiện cơ chế tự chủ, nguồn CTMTQG cấp cho lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật (VHNT) chỉ đạt 6.100 triệu đồng; đào tạo TDTT chỉ đạt 1.000 triệu đồng; đến năm 2012, kinh phí đào tạo các trường nghệ thuật đã tăng đến 20.700 triệu đồng (gấp 3,4 lần); đào tạo TDTT tăng đến 3.500 triệu đồng (gấp 3,5 lần).

1.3. Về sử dụng kết quả hoạt động tài chính trong năm

Các trường NT-TDTT thực hiện theo quy định Nghị định số 16/2015/NĐ-CP. Hàng năm, sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định; phần chênh lệch thu lớn hơn chi (thu, chi hoạt động thường xuyên và nhiệm vụ nhà nước đặt hàng), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau: Trích tối thiểu 25% số chênh lệch thu lớn hơn chi để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; Trả thu nhập tăng thêm cho người lao động; Trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập. Đối với Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi mức trích tối đa 2 Quỹ không quá 3 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập tăng thêm bình quân trong năm.

Kết quả điều tra ở các trường NT-TDTT của Bộ VHTTDL cho thấy có một số điểm bất cập trong sử dụng Quỹ. Mặc dù quy định tỷ lệ trích lập các quỹ đối với các trường là đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi phí hoạt động, nhưng thực tế cho thấy sau khi trích lập các quỹ theo quy định thì phần còn lại đơn vị được trao quyền tự chủ là rất hạn hẹp. Ngoài ra, việc quy định các đơn vị phải tiết kiệm 10% kinh phí hoạt động làm nguồn cải cách tiền lương cũng gây khó khăn cho đơn vị, bởi trao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính nhưng Nhà nước lại quy định chính sách tiền lương chủ yếu dựa theo ngạch bậc và thâm niên hiện nay buộc các trường thực hiện cho thấy không phù hợp.

1.4. Về thu nhập tiền lương

Ngoài nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên, các trường đã chủ động sử dụng 35-40% nguồn thu sự nghiệp để cải cách tiền lương theo quy định của Chính phủ đã góp phần bù đắp một phần nhu cầu tiền lương tăng thêm cho cán bộ quản lý và giảng dạy.

Kết quả khảo sát các trường cho thấy, thu nhập tăng thêm của cán bộ quản lý, viên chức, người lao động đã có sự cải thiện đáng kể so với trước năm 2019. Thu nhập của cán bộ viên chức, người lao động tăng bình quân từ 0,5 đến 1,5 lần tiền lương cấp bậc của đơn vị. Việc chi trả thu nhập cho từng lao động trong đơn vị do thủ trưởng quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ gắn với hiệu suất công tác.

Thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ, các trường văn hóa nghệ thuật và thể thao hàng năm đã tự chủ tính toán dự kiến chênh lệch thu chi để có thể thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm và trích lập các quỹ, xây dựng phương án trả lương, trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ viên chức.

2. Giải pháp đổi mới, hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính ở các trường nghệ thuật và thể dục thể thao công lập

Từ kết quả đạt được và những mặt hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ở các trường đào tạo NT-TDTT trực thuộc Bộ VHTTDL trong giai đoạn 2006-2012, có thể thấy rằng, vấn đề đổi mới cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đang đặt ra hết sức cấp thiết. Hiện nay, chúng ta đã có tương đối đầy đủ những căn cứ pháp lý để có thể tiến hành đổi mới mạnh mẽ cơ chế tự chủ tài chính, đó là Thông báo số 37-TB/TW ngày 26 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị về Đề án “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”; Kết luận số 23 - KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành TW Đảng khóa XI về “Một số vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”; Kết luận số 51- KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 09/8/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 37-TB/TW của Bộ Chính trị, cũng như Luật Giáo dục đại học năm 2012, Điều lệ các trường đại học 2010.

Các giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính ở các trường NT-TDTT công lập trước hết cần tập trung vào những khía cạnh sau:

2.1. Đổi mới cơ chế học phí trong lĩnh vực đào tạo NT-TDTT

- Thực hiện chuyển đổi chính sách học phí hiện nay sang cơ chế giá dịch vụ. Điều chỉnh mức học phí phù hợp đối với từng ngành đào tạo NT-TDTT có nhu cầu cao, có khả năng xã hội hóa cao; đồng thời thực hiện cơ chế thu học phí cao đối với ngành nghề đòi hỏi đào tạo chất lượng cao.

- Đối với các bộ môn nghệ thuật truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương,...), Nhà nước tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ tài chính thông qua NSNN nhằm thu hút sinh viên theo học cũng như đảm bảo mục tiêu phát triển nhân lực cho đất nước, bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Thực hiện chính sách miễn giảm học phí đi đôi với chính sách tài trợ học bổng, giải thưởng cho sinh viên có thành tích học tập cao.

- Đối với những bộ môn nghệ thuật và thể thao có thị trường khán giả, có khả năng xã hội hóa, từng bước điều chỉnh mức học phí cho phù hợp, tiến tới xây dựng mức khung học phí đáp ứng được nhu cầu chi phí đào tạo.

- Xây dựng, hoàn thiện danh mục tiêu chí, tiêu chuẩn và hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật của loại hình dịch vụ giáo dục đại học (yêu cầu về chất lượng) để làm cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ, đánh giá chất lượng dịch vụ cung cấp. Trên cơ sở đó, tính toán xác định chi phí đào tạo và mức học phí cần thiết sát với điều kiện thực tế.

- Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ từ NSNN đối với các trường đào tạo NT-TDTT và người học phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa, thể thao của đất nước. Đối với giáo dục đại học, việc tính đủ học phí là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế về giáo dục đại học, học đại học để có nghề, tạo thu nhập kiếm sống, nuôi sống bản thân và gia đình nên người học phải đóng đủ học phí.

Tuy vậy, để có những bước đi phù hợp, khả năng chi trả của dân cư và nhận được sự đồng thuận của xã hội, lộ trình tính đủ chi phí đào tạo đại học trong học phí sẽ được thực hiện theo 3 mức độ như sau: Mức 1: Chi phí đào tạo đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương của lao động trực tiếp và gián tiếp (chi phí hiện nay chưa tính đủ yếu tố này); Mức 2: Chi phí đào tạo tính đủ chi phí tiền lương và chi phí về quản lý, nghiệp vụ giảng dạy, học tập (tính đủ chi phí thường xuyên); Mức 3: Chi phí đào tạo tính đủ chi phí tiền lương, chi phí quản lý và cả chi phí khấu hao tài sản cố định. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, lựa chọn bước đi, xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo (học phí) theo từng ngành học, đảm bảo phù hợp với thu nhập của người dân, nhu cầu của xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước để làm sơ sở cho việc xác định mức học phí phù hợp.

- Xác định theo nguyên tắc tính theo từng loại dịch vụ, trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí gồm: chi phí tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ, chi phí vật liệu, chi phí công cụ, dụng cụ, chi phí năng lượng, chi phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định, chi phí khấu hao tài sản cố định, thuê nhân công,... và chi phí của bộ phận quản lý gián tiếp. Giá dịch vụ công được xem xét, điều chỉnh khi các yếu tố hình thành giá thay đổi, bao gồm được điều chỉnh khi Nhà nước thay đổi về cơ chế, chính sách tiền lương.

- Thực hiện có lộ trình việc xóa bỏ bao cấp qua giá, phí dịch vụ (Nhà nước tiếp tục đảm bảo kinh phí hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo để được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ giáo dục đại học với chất lượng cao hơn; đảm bảo lợi ích của trường đại học). Quy định cụ thể các tiêu chí chọn lựa các ngành đào tạo cần đặt hàng và tiêu chí chọn lựa các cơ sở đào tạo nhận đặt hàng (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cơ hữu về ngành nghề đào tạo cần đặt hàng,…).

2.2. Đổi mới cơ chế phân bổ NSNN đối với các đơn vị đào tạo công lập về NT-TDTT

- Xác định lại tiêu chí phân loại các đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công đào tạo về nghệ thuật và thể dục thể thao, đảm bảo thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ công tính đủ chi phí.

- Thực hiện phân rõ quyền hạn giữa các trường tự chủ tài chính và những trường chưa được giao tự chủ tài chính. Trong đó, cho phép các trường được giao tự chủ giữ lại nguồn thu phí (trường hợp phí gắn trực tiếp với kết quả hoạt động của đơn vị, được xác định là giá dịch vụ, nguồn thu phí là doanh thu của đơn vị. Nhà nước giao tài sản cho đơn vị quản lý nhằm khuyến khích các đơn vị phấn đấu nâng cao quyền tự chủ. Đối với các đơn vị chưa được giao tự chủ, Nhà nước cho phép xếp nguồn thu phí không gắn trực tiếp với kết quả hoạt động của đơn vị vào nguồn thu của đơn vị.

- Thực hiện thay đổi cơ chế phân bổ NSNN đối với các trường nghệ thuật, thể thao theo các tiêu chí đầu vào như hiện nay, sang việc phân bổ NSNN theo tiêu chí đầu ra, gắn với các hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật trong đào tạo, định mức phân bổ chi phí đào tạo, có sự phân biệt giữa cơ sở hoạt động có chất lượng, hiệu quả, với cơ sở kém chất lượng, không hiệu quả, thực hiện phân bổ kinh phí gắn với các kết quả đánh giá, kiểm định độc lập về chất lượng đào tạo.

- Thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước theo cơ chế đặt hàng đối với các trường nghệ thuật, thể thao (những ngành ít học sinh đăng ký), phù hợp với nhu cầu sử dụng của Nhà nước.

- Ngân sách Nhà nước tiếp tục đảm bảo ngân sách chi hoạt động thường xuyên cho đơn vị chưa được giao tự chủ. Chi cho con người được xác định trên cơ sở số lượng vị trí việc làm; số lượng người làm việc cấp có thẩm quyền giao; tiền lương ngạch, bậc, chức vụ; các khoản phụ cấp; các khoản đóng góp theo chế độ hiện hành, được điều chỉnh trong trường hợp Nhà nước điều chỉnh chính sách tiền lương, phụ cấp hoặc điều chỉnh số lượng vị trí việc làm của đơn vị (chi theo đơn giá tiền lương trên cơ sở hệ thống định mức lao động).

- Ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí một phần cho các đơn vị sự nghiệp đào tạo nghệ thuật và thể thao chưa tính đủ chi phí trong giá dịch vụ. Tuy nhiên, các Bộ, ngành cần xác định lộ trình rõ ràng để các đơn vị từng bước nâng dần tính tự chủ.

- Tập trung ưu tiên ngân sách đầu tư 7 cơ sở đào tạo trọng điểm chất lượng cao về lĩnh vực NT-TDTT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển, bảo đảm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Lựa chọn và đầu tư 6 trường NT-TDTT ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực (mỗi lĩnh vực có một cơ sở đào tạo: văn hóa, âm nhạc, sân khấu - điện ảnh, mỹ thuật, múa, xiếc). Đầu tư nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa các trường đại học TDTT (chủ yếu là 3 cơ sở đại học trực thuộc Bộ VHTTDL quản lý); đáp ứng yêu cầu đào tạo 60% nhân lực có trình độ đại học trong tổng số nguồn nhân lực TDTT cả nước.

- Về lộ trình thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, trước mắt tiếp tục duy trì cơ chế phân bổ NSNN hiện nay cho các trường và các chuyên ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống (như Tuồng, Chèo, Cải Lương...), nhằm đảo bảo yêu cầu phát triển nhân lực cho ngành cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các loại hình di sản nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của dân tộc. Trong các giai đoạn tiếp theo, căn cứ điều kiện thực tế phát triển, từng bước nâng cao năng lực tự chủ tài chính của các trường.

- Xây dựng phương án cơ cấu lại nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các ngành nghề đào tạo NT-TDTT theo hướng tăng mức hỗ trợ đối với những ngành học khó tuyển, đồng thời giảm và tiến tới không hỗ trợ đối với những ngành học xã hội đã có đủ yêu cầu.

- Tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ trực tiếp cho học sinh nghèo, học sinh là con em gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho người học được tiếp cận, lựa chọn được cơ sở đào tạo chất lượng, phù hợp với nhu cầu học tập của bản thân.

2.3. Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính trong một số nội dung quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ

- Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đồng bộ về nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy và tài chính.

- Xây dựng bộ tiêu chí cụ thể cho lĩnh vực này để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với các trường trên cơ sở các tiêu chí cơ bản sau đây: Khối lượng công việc phải hoàn thành hàng năm; Chất lượng công việc đã hoàn thành được duyệt hoặc chấp nhận; Thời hạn hoàn thành công việc; Tình hình chấp hành chính sách, chế độ và quy định về tài chính. Sản phẩm đầu ra; Và các tiêu chí riêng khác (bổ sung làm rõ thêm nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành).

- Thực hiện phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đào tạo nghệ thuật và thể thao trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, chỉ tiêu, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại dịch vụ.

- Các trường đại học khi đã đáp ứng đủ các tiêu chí về đảm bảo chất lượng, đội ngũ giảng viên theo chuẩn quy định của Nhà nước được giao quyền tự chủ trong việc quyết định chương trình đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, hợp tác quốc tế và mức thu học phí theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí hợp lý.

- Trường được tự quyết định chế độ chi trả tiền lương đối với giảng viên và cán bộ gắn với năng suất, chất lượng hiệu quả công việcTừng bước tiến tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, đầu ra theo cơ chế doanh nghiệp.

- Khuyến khích các trường đào tạo NT-TDTT có điều kiện chuyển sang thực hiện theo phương thức tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên.

- Nhà nước cần quy định rõ về quyền tự chủ đối với số thu phí để lại. Trong đó, xác định rõ số được để lại chi thường xuyên và số chi không thường xuyên (bao gồm mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ thu phí, lệ phí), tránh tình trạng để chênh lệch thu chi lớn, tạo sự không bình đẳng giữa các đơn vị.

- Đối với các đơn vị chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn, Nhà nước tiếp tục đảm bảo điều chỉnh lương tăng thêm theo chế độ Nhà nước quy định. Đối với các đơn vị tự chủ toàn bộ kinh phí, khi Nhà nước điều chỉnh lương tăng thêm theo chế độ quy định, đơn vị tự đảm bảo nguồn thu để cân đối lương.

- Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính theo hướng: giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu của xã hội.

- Thực hiện minh bạch hóa các hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập; khắc phục tình trạng công - tư lẫn lộn.

- Đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư và quản lý tài sản của Nhà nước. Các trường được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện theo quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

- NSNN tiếp tục chính sách ưu tiên cho việc xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ sở, … đảm bảo chất lượng đào tạo; NSNN giảm dần, tiến tới không hỗ trợ chi phí đào tạo đối với những ngành học đã đáp ứng nhu cầu xã hội, ngành học mà người học và gia đình sẵn sàng bỏ chi phí để theo học.

- Nhà nước sử dụng NSNN như một công cụ điều chỉnh kinh tế vĩ mô để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học theo hướng chi phí, nâng cao chất lượng; sử dụng NSNN để điều chỉnh, phân luồng cơ cấu, ngành nghề đào tạo phù hợp với quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực đối với từng ngành nghề.

- Cần tiến tới xây dựng các tiêu chí để từng bước thực hiện việc đấu thầu kinh phí đào tạo từ NSNN, theo đó, nguồn lực từ NSNN sẽ được giao cho những cơ sở đào tạo có chất lượng, hiệu quả và chi phí hợp lý, thực hiện cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo, không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập.

2.4. Đổi mới chính sách đối với người học NT-TDTT

- Thay đổi phương thức miễn thu học phí đối với sinh viên sư phạm NT-TDTT bằng cách Nhà nước cấp tín dụng cho sinh viên sư phạm, Nhà nước xóa nợ cả gốc và lãi nếu học sinh đó công tác trong lĩnh vực sư phạm; nếu không làm trong ngành Sư phạm sẽ phải trả nợ vay.

- Thực hiện chính sách, Nhà nước đặt hàng đào tạo, gắn với nhu cầu sử dụng đối với học sinh năng khiếu NT-TDTT.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo NT-TDTT thông qua chính sách tín dụng đào tạo, chính sách cấp học bổng Chính phủ,… tăng mức hỗ trợ tương xứng với nhu cầu đào tạo đối với các học sinh thuộc đối tượng gia đình nghèo, đối tượng chính sách xã hội, học sinh tài năng.

- Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo để được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu với chất lượng cao hơn; đảm bảo lợi ích của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. …

- Tiếp tục tăng NSNN đào tạo đối tượng học sinh cử tuyển theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng đào tạo sinh viên đang được ban hành thực hiện.

2.5. Giải pháp nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và các giải pháp khác

- Nhà nước cần xác định lại tiêu chí phân loại các đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công đào tạo về nghệ thuật và thể dục thể thao, đảm bảo thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ công tính đủ chi phí.

- Thực hiện cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh đối với các trường đào tạo NT-TDTT. Tiến tới các trường chủ động về thời gian tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức hình thức thi tuyển sinh phù hợp.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện phân công, phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ.

- Đổi mới cơ chế quản lý đội ngũ viên chức phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, thích ứng với việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với các quy luật của nền kinh tế thị trường.

- Xây dựng chuẩn tuyển dụng đội ngũ giảng viên, quy trình tuyển dụng cán bộ hợp lý.

- Sử dụng, bố trí đúng người, đúng việc phù hợp với năng lực, sở trường của mỗi người để phân công công tác phù hợp.

- Xây dựng quy trình đánh giá giảng viên theo mô thức đánh giá 360 độ. Áp dụng mô thức đánh giá 360 độ với những bậc được trình bày sau đây: Bậc 1: Tự đánh giá; Bậc 2: Được đánh giá qua cấp trên trực tiếp; Bậc 3: Giám định của cấp trên gián tiếp, đánh giá đồng nhất (so sánh giữa bậc 1 và bậc 2 và so sánh kết quả với các Giảng viên khác, đồng thời cần phải bàn luận cùng cấp trên trực tiếp); Bước 4: Được đánh giá bởi viên chức trực thuộc (nếu giảng viên kiêm giữ chức vụ lãnh đạo); Bước 5: Đánh giá bởi các đồng nghiệp; Bước 6: Đánh giá bởi nhóm lợi ích liên quan (chủ yếu là đánh giá của sinh viên).

- Đổi mới quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng giảng viên theo quan điểm tự chủ về biên chế, quản lý sử dụng cán bộ.

- Các đơn vị tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để định rõ: những nhiệm vụ không còn phù hợp; những nhiệm vụ trùng lắp cần chuyển giao cho đơn vị khác thực hiện; những nhiệm vụ cần phân cho cấp dưới hoặc các đơn vị sự nghiệp tổ chức dịch vụ công đã được xã hội hóa.

- Xây dựng định mức lao động của giảng viên tại các trường đại học đào tạo theo hệ thống tín chỉ phù hợp quan điểm tự chủ và trách nhiệm xã hội.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhà trường cần tiến hành xây dựng một tập thể nghiên cứu khoa học mạnh, đặc biệt xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực để phát huy thế mạnh liên thông, liên kết.

- Về phía các trường đại học và cao đẳng, cần phải có Hội đồng trường để những quyết định đưa ra là vì lợi ích chung, không chỉ vì lợi ích của riêng nhà trường.

- Tăng cường tự chủ tài chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường. Trong các cơ sở giáo dục đại học, ưu tiên đầu tư công tác nghiên cứu khoa học trọng điểm, chuyên ngành, cơ sở sản xuất thử nghiệm ở trình độ hiện đại để phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học. Phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ trong các trường nghệ thuật, thể thao, hỗ trợ và khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu để là hạt nhân hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ khởi nghiệp. Bổ sung thường xuyên sách và tạp chí khoa học chuyên ngành để các trường NT-TDTT có điều kiện tiếp cận những thành tựu mới của khoa học và công nghệ.

- Khuyến khích thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các trường đại học nghệ thuật và thể thao. Giao nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cho các trường học để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học. Thực hiện hỗ trợ đăng ký và khai thác bản quyền trong các trường đào tạo NT-TDTT.

3. Kết luận

Các giải pháp nhằm đổi mới, hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính ở các trường NT-TDTT công lập tập trung vào những khía cạnh sau: Đổi mới cơ chế học phí trong lĩnh vực đào tạo NT-TDTT; Đổi mới cơ chế phân bổ NSNN đối với các đơn vị đào tạo công lập về NT-TDTT; Đổi mới cơ chế tự chủ tài chính trong Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Đổi mới chính sách đối với người học NT-TDTT.Đây chính là những đóng góp thiết thực mang tính thực tiễn của đề tài bên cạnh những đóng góp về mặt tư liệu và sự cố gắng hệ thống hóa những luận điểm, quan điểm, lý thuyết, khái niệm nghiên cứu về vấn đề tự chủ tài chính ở các trường đại học nói chung, các trường NT-TDTT công lập nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bộ Giáo dục - Đào tạo (2009), “Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014”.
Hoàng Tuy (2008), “Khủng hoảng giáo dục: Nguyên nhân và lối ra trước thách thức toàn cầu hóa”, bài viết được tác giả thuyết trình tại Viện Nghiên cứu Phát triển ngày 6/6/2008.
Nguyễn Thanh Tuyền (2001),: “Tự chủ tài chính: yếu tố quan trọng trong việc mở rộng quyền tự chủ toàn diện đối với các trường đại học”, Tham luận Hội thảo “Quản lý nhà nước và tự chủ tài chính trong các trường đại học” năm 2001.
Nguyễn Xuân Thảo (2009), Quan niệm của người Mỹ về giáo dục đại học như một dịch vụ trong giáo dục xuyên biên giới, Tạp chí Thông tin Giáo dục Quốc tế, số 5/2009.
Trần Thị Bích Liễu, Charles S. Gaede (2007),“Phân tích chất lượng giáo dục đại học Việt Nam và Mỹ trong hoàn cảnh mỗi nước và rút ra bài học cho Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục so sánh lần 1: Phát triển giáo dục so sánh ở Việt Nam", Viện Nghiên cứu Giáo dục tổ chức.
Võ Tòng Xuân (2001), “Một số cách làm phong phú ngân sách đại học”, Kỷ yếu Hội thảo “Quản lý nhà nước và tự chủ tài chính trong các trường đại học”.

Solutions to perfect the financial autonomy mechanism in

Vietnam’s public art and sport schools

Nguyen Kieu Duyen

Ministry of Culture, Sports and Tourism

ABSTRACT:

This paper analyzes requirements and predicts development trends in the field of education, human resource training for arts and sports in Vietnam in the coming time. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to perfect the financial autonomy mechanism in Vietnam’s public art and sport schools.

Keywords: financial autonomy, solutions to perfecting financial autonomy mechanism, public art and sport schools.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7, tháng 3 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-doi-moi-va-hoan-thien-co-che-tu-chu-tai-chinh-o-cac-truong-nghe-thuat-va-the-duc-the-thao-cong-lap-o-viet-nam-80585.htm