Giải pháp đơn giản tăng năng suất cây sắn

Hiện cả nước trồng hơn 550.000 ha sắn nhưng việc canh tác còn nhiều tồn tại, hạn chế, chỉ khoảng hơn 20.500 ha đất trồng sắn được tưới, dẫn đến năng suất đạt thấp, từ 12,7 - 32 tấn/ha.

Cây sắn góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân - Ảnh: Thạch Cường

Thông tin trên được công bố tại hội thảo giải pháp phát triển thủy lợi và chuỗi giá trị lương thực cho cây khoai mì (sắn), do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Quảng Ngãi và Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản vừa tổ chức tại Quảng Ngãi.

Tưới nước đều, năng suất tăng 30 - 50%

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh cây sắn đã đóng góp không nhỏ vào việc xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các hộ nông dân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, so với các loại cây trồng khác, cây sắn chiếm ưu thế hơn nhờ giá thu mua củ sắn tươi tăng lên, thị trường tiêu thụ ổn định.

Theo thống kê của Viện Khoa học thủy lợi VN, giai đoạn từ năm 2000 - 2015, tốc độ tăng trưởng diện tích trồng sắn bình quân hằng năm trên cả nước là 6%, tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân hằng năm đạt 10%. Hiện cả nước trồng hơn 550.000 ha sắn, trong đó vùng trồng sắn nhiều nhất là các tỉnh bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây nguyên. Mặc dù gia tăng diện tích nhưng việc canh tác cây sắn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chỉ khoảng hơn 20.500 ha đất trồng sắn được tưới. Vì thế, năng suất đạt thấp, từ 12,7 - 32 tấn/ha.

“Đa số nông dân quan niệm cây sắn là cây dễ trồng nên đầu tư thâm canh thấp, chưa chú trọng chế độ tưới cho cây sắn. Do vậy, đất trồng sắn đã nghèo lại ngày càng cạn kiệt dinh dưỡng hơn và kéo theo năng suất ngày càng thấp”, ông Nguyễn Mậu Văn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, lý giải và cho rằng có nhiều biện pháp để tăng năng suất cây sắn như sử dụng giống cho năng suất cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư thâm canh, tưới nước, trong đó tưới nước cho cây sắn là một trong những biện pháp quan trọng để tăng năng suất, chất lượng sắn.

Đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT Tây Ninh - địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Gia Lai) về diện tích trồng sắn với gần 56.000 ha, cho sản lượng hằng năm đạt hơn 1,7 triệu tấn, chia sẻ: cây sắn là cây trồng có khả năng chịu hạn và nhu cầu nước ít hơn các cây khác, nhưng việc tưới nước giúp cho cây sắn phát triển nhanh, năng suất và chữ bột cao, tăng vụ. Tại Tây Ninh, các diện tích trồng sắn sử dụng phương pháp tưới bằng béc quay đều cho hiệu quả cao. Cụ thể, năng suất sắn tăng từ 30 - 50% so với không áp dụng tưới (sắn không tưới chỉ cho năng suất từ 20 - 25 tấn/ha, diện tích sắn có tưới năng suất có thể đạt 40 - 50 tấn/ha tùy vào mức độ thâm canh). Ngoài ra, việc tưới phun, đặc biệt là tưới béc quay góp phần giúp rửa trôi nhện, sâu bệnh hại trên cây sắn.

Nhà nước cần hỗ trợ

Theo Viện Khoa học thủy lợi VN, sắn là cây trồng cho thu nhập chính của các hộ nông dân nghèo, để nhân rộng mô hình tưới sắn ra diện rộng cần thực hiện tốt các giải pháp: Nhà nước cần hỗ trợ kỹ thuật tiên tiến (giống, tưới tiết kiệm nước, đặc biệt hỗ trợ kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sắn ổn định); các nhà máy chế biến sắn cần xây dựng cơ chế phối hợp với các hộ trồng sắn theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng, hỗ trợ xây dựng tưới tiết kiệm nước, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo ổn định lâu dài cho nông dân trồng sắn.

Đối với vùng miền núi phía bắc và miền Trung, sắn trồng ở vùng đồi khó khai thác nguồn nước, do vậy áp dụng tưới cho vùng ven sông, suối. Vùng Tây nguyên sắn đã được thực hiện tưới, do đó cần tìm các giải pháp phát triển hệ thống ao hồ nhỏ thu trữ nước, kết hợp hướng dẫn xây dựng mô hình tưới với giá rẻ để nông dân dễ áp dụng.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế từ cây sắn như: cần quy hoạch vùng trồng sắn tập trung, thực hiện dồn điền đổi thửa để thuận lợi cho việc cơ giới hóa đồng ruộng; tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp; áp dụng các tiến bộ mới trong sản xuất cây sắn… Đồng thời chú trọng phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa các sản phẩm từ sắn, chế biến sâu sản phẩm nhằm tăng giá trị thương phẩm của cây sắn, liên kết chuỗi giá trị tạo ra những giá trị gia tăng đối với các ngành hàng khác nhau như thực phẩm, nhiên liệu sinh học, chế phẩm dược…

Thí điểm mô hình trồng sắn cho năng suất cao tại Quảng Ngãi

Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu tổng quan mô hình tưới cho cây trồng cạn tại Nhật Bản, ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây sắn ở VN. Hiện tại tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh thống nhất chủ trương việc Viện Tưới tiêu Nhật Bản phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh triển khai thí điểm mô hình trồng sắn bằng quy trình kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất và xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm từ cây sắn.

Hiển Cừ

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/giai-phap-don-gian-tang-nang-suat-cay-san-1035864.html