Giải pháp đột phá cho ngành du lịch

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành du lịch trở thành điều kiện tất yếu để tạo nên nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, kích thích sự tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam. Để phù hợp với bối cảnh mới, các doanh nghiệp du lịch buộc phải thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc ứng dụng những giải pháp công nghệ trong các sản phẩm du lịch cũng như hoạt động kinh doanh.

Phát triển du lịch thông minh

Hiện nay, việc ứng dụng giải pháp công nghệ số cho du lịch thông minh đã có mặt trong hầu hết các khâu của ngành du lịch. Từ việc ứng dụng nền tảng số trong việc tra cứu thông tin du lịch và kết nối du khách với nhà cung cấp dịch vụ, quản lý về thông tin, cơ sở lưu trú, phương tiện đi lại, điểm ăn uống, hoạt động trải nghiệm... đến việc cơ quan chức năng tiến hành quản lý du lịch bằng nền tảng số như: Dịch vụ công, hành chính công trực tuyến, kết nối mạng liên thông, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, thị thực điện tử, thanh toán điện tử, đào tạo nhân lực trực tuyến… Điều này cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành du lịch trong bối cảnh lan rộng của cuộc CMCN 4.0.

Một số tiện ích trong ứng dụng công nghệ số vào du lịch như việc phát triển các website giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, xây dựng các sàn giao dịch điện tử du lịch vừa là trung gian giúp khách hàng lựa chọn dịch vụ và thanh toán trực tuyến, vừa là nơi để các doanh nghiệp quảng cáo và bán hàng. Cũng trên nền tảng internet, các cơ quan quản lý địa phương quảng bá điểm du lịch bằng công cụ tìm kiếm, mạng xã hội. Phát triển các ứng dụng di động giới thiệu điểm tham quan, kết nối giao thông dịch vụ tại điểm đến. Cung cấp đường truyền internet không dây miễn phí tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi. Thí điểm thiết bị ứng dụng, Robot thuyết minh ngôn ngữ, thiết lập hệ thống camera bảo đảm an ninh tại các điểm du lịch lớn…

Thung lũng Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) được du khách biết đến nhiều hơn qua các trang mạng xã hội. Ảnh: THUẬN BÙI

Anh Fabien Morin, du khách người Pháp, chia sẻ: “Tôi và bạn bè tự tìm hiểu về một số điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam qua các website về du lịch, văn hóa và ẩm thực. Do không thông qua công ty lữ hành nên chúng tôi tự đặt phòng qua trang điện tử Booking.com; việc tham quan, đi lại và ăn uống cũng dựa vào công cụ tìm kiếm và các ứng dụng cho du lịch, như: TripIt, Google Maps, Google Translate… Nhờ công nghệ số, chúng tôi đã có một chuyến du lịch khám phá đầy ý nghĩa nhưng vẫn tiết kiệm được chi phí”.

Nhà nước đóng vai trò định hướng chiến lược

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, việc ứng dụng giải pháp công nghệ số trong ngành du lịch vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Tổng cục Du lịch: Các sàn giao dịch điện tử của doanh nghiệp Việt Nam như: Tripi.vn, gotadi.vn, ivivu.com… chỉ chiếm khoảng 20% các giao dịch dịch vụ, thị phần còn lại vẫn thuộc về các sàn giao dịch điện tử nước ngoài. 50% các doanh nghiệp đã áp dụng đặt hàng và thanh toán trực tuyến các dịch vụ du lịch nhưng hiệu quả không đồng đều, doanh số thu được qua mạng chưa cao. Các ứng dụng thanh toán điện tử cũng chưa đồng bộ giữa các ngân hàng. Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo đã có nhưng chưa phổ biến, còn nhiều hạn chế về công nghệ, hình ảnh. Quảng bá bằng công cụ tìm kiếm và mạng xã hội chủ yếu sử dụng dịch vụ miễn phí nên hiệu quả chưa cao…

Ông Vũ Quốc Trí, Chánh văn phòng Tổng cục Du lịch, cho biết: Công nghệ đã tiến sâu và đồng hành cùng với sự phát triển của du lịch, vì vậy ứng dụng CNTT trở thành yêu cầu và giải pháp đột phá cho du lịch Việt Nam. Để làm được điều này, Nhà nước đóng vai trò định hướng chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia, huy động nguồn lực của xã hội, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân sẽ tham gia trong sự kết nối chặt chẽ, đồng bộ để tạo ra một môi trường hệ sinh thái du lịch thông minh, phục vụ nhu cầu thị trường theo xu hướng cá nhân hóa. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị doanh nghiệp, quản lý điều hành, quản trị nguồn lực, kinh doanh, tiếp thị trực tuyến để nhanh chóng bắt kịp xu hướng, nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu, phát triển du lịch thông minh tương xứng với tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam.

Về phía nhà quản lý cần phải thay đổi nhận thức, thích ứng kịp thời với sự thay đổi hành vi của khách hàng. Có chính sách thông tin, quảng bá, tạo thuận lợi cho khách du lịch đến các điểm phụ cận, phát triển và hoàn thiện các phần mềm ứng dụng. Cung cấp thông tin và tương tác hiệu quả giữa khách du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch dài hạn, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ công nghệ ứng dụng mới, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.

DƯƠNG SAO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giai-phap-dot-pha-cho-nganh-du-lich-549036