Giải pháp lớn chăm lo bộ đội và bảo đảm an sinh xã hội trong quân đội

LTS: Tại tọa đàm do Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức sáng 17-5, đã có nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong quân đội. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu một số ý kiến tham luận tại tọa đàm.

*Đồng chí HÀ ĐĂNG, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương:

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH

Tại Việt Nam, vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được Đảng ta quan tâm từ rất sớm. Đến nay, chúng ta đã hình thành hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế, gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; cho cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Hệ thống chính sách BHXH, các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp hơn thể hiện sự ưu việt của chế độ, như khi ốm đau vào viện có BHYT chi trả; khi thất nghiệp có bảo hiểm thất nghiệp chi trả trợ cấp; khi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có BHXH giúp đỡ…

Đồng chí Hà Đăng.

Để tổ chức tốt việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng đang phục vụ trong quân đội, từ tháng 5-2008, BHXH Bộ Quốc phòng ra đời và đã tích cực, chủ động tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp nhằm triển khai tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với các đối tượng đang công tác trong quân đội và thân nhân của quân nhân.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến công tác BHXH, BHYT vẫn còn một số hạn chế, bất cập, đã được chỉ rõ tại Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, đồng thời đề ra các giải pháp để khắc phục. Thời gian tới, cần tăng cườngcông tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về chính sách BHXH. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH đối với việc ổn định đời sống nhân dân, ổn định kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; sự cần thiết và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH, tạo sự đồng thuận xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các chủ trương cải cách chính sách BHXH.

BHXH là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm bảo đảm công bằng và ổn định xã hội. Với quan điểm chiến lược coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng đặc biệt công tác này và lãnh đạo hệ thống chính trị, cải cách chính sách BHXH, góp phần ổn định đời sống của người lao động và gia đình họ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

HÀ ANH (lược ghi)

*Tiến sĩ BÙI SỸ LỢI, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:

Quân đội là điểm sáng chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT

Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng (BQP) là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT cho các đối tượng do BQP quản lý và thân nhân của quân nhân được hưởng chế độ BHYT. Với phạm vi đối tượng quản lý rộng lớn và có tính đặc thù, trải rộng trên phạm vi toàn quốc, suốt 10 năm qua, BHXH BQP đã góp phần quan trọng vào thực hiện chính sách an sinh xã hội của đất nước. Qua theo dõi, giám sát hoạt động, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chứng kiến sự phát triển, vươn lên mạnh mẽ của BHXH BQP, trở thành điểm sáng trong việc thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT.

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi.

Những năm qua, BHXH BQP không chỉ tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất giúp cấp trên hoạch định nhiều chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT và các chính sách liên quan phù hợp với đặc thù quân đội mà còn luôn đi đầu trong triển khai các chính sách mới về BHXH, BHYT trong quân đội. Việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH trong quân đội được thực hiện đầy đủ, đúng nguyên tắc, đúng chế độ và bảo đảm kịp thời quyền lợi cho đối tượng được thụ hưởng, tạo niềm tin cho người lao động đối với việc thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc thu, nộp BHXH, BHYT đi vào nền nếp, hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu do BHXH Việt Nam giao. Cùng với đó, cán bộ, nhân viên ngành BHXH trong quân đội luôn đề cao trách nhiệm, quyết tâm nâng cao chất lượng phục vụ vì sự nghiệp an sinh xã hội trong quân đội.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn phát triển mới, BHXH BQP và các cơ quan, đơn vị trong quân đội cần quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ, tạo thuận lợi tốt nhất cho cán bộ, chiến sĩ và thân nhân của họ. Điều này đòi hỏi BHXH BQP phải tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm bí mật quân sự. Đây là yêu cầu cấp bách trước mắt nhưng cũng là yêu cầu thường xuyên, lâu dài trong toàn quân. Bởi vậy, cán bộ, viên chức của BHXH BQP phải vượt lên chính những thành tựu đã đạt được để luôn xứng đáng là điểm sáng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, đóng góp cho nhiệm vụ chính trị vẻ vang của quân đội, tăng thêm sức mạnh chiến đấu, phục vụ nhân dân và bảo vệ đất nước.

MAI CHI (ghi)

*Đồng chí PHẠM LƯƠNG SƠN, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam:

Tạo đột phá trong lộ trình thực hiện BHXH toàn dân

Sau Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, một trong những quan điểm mang tính đột phá của Đảng là tiến tới bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân. Sau khi có nghị quyết của Đảng, quan điểm này sẽ được luật hóa và BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện sẽ cố gắng để đưa những quan điểm, chủ trương của Đảng, luật pháp của Nhà nước cũng như các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý đi vào cuộc sống hiệu quả nhất, góp phần nâng cao hiệu quả chính sách BHXH, BHYT của cả nước nói chung và trong quân đội nói riêng.

Đồng chí Phạm Lương Sơn.

Những năm qua, trong quá trình tham gia xây dựng chính sách trình Chính phủ, BHXH Việt Nam luôn phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế để quan tâm đến những nét đặc thù của LLVT. Ngoài những nghị định, thông tư hướng dẫn áp dụng chung cho tất cả các ngành, lĩnh vực thì quân đội luôn có thông tư hướng dẫn riêng để bảo đảm thực hiện đúng, đủ quyền lợi được thụ hưởng về BHXH, BHYT của quân nhân. Trong 10 năm qua, BHXH Bộ Quốc phòng luôn đồng hành cùng BHXH Việt Nam để tổ chức thực hiện tốt những chính sách BHXH, trong đó có những chính sách đặc thù trong quân đội. Vì vậy, thời gian tới, ngành BHXH quân đội cần xây dựng, hoàn thiện và nâng cấp theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp bền vững. BHXH Việt Nam luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ BHXH, Bộ Quốc phòng về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực phục vụ.

Quân đội đang thực hiện rất tốt việc cấp thẻ BHYT cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ. Đến thời điểm này, cả nước có hơn 82 triệu người tham gia BHYT, trong đó có sự đóng góp rất lớn của quân đội để hướng tới mục tiêu toàn dân tham gia BHYT. Thời gian tới, thực hiện chủ trương toàn dân tham gia BHXH, với quân đội nói riêng cần nghiên cứu, đưa ra lộ trình thích hợp để cùng với cơ quan BHXH các cấp, làm tốt việc thực hiện BHXH cho thân nhân cán bộ, chiến sĩ chưa tham gia BHXH bắt buộc; tạo ra bước đột phá quan trọng trong việc thực hiện lộ trình BHXH toàn dân.

Để các chính sách về BHXH, BHYT đến được với các tầng lớp nhân dân thì công tác tuyên truyền hết sức quan trọng. Những năm gần đây, BHXH Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền chính sách về BHXH. Báo Quân đội nhân dân đã có nhiều chuyên mục, chuyên đề riêng, sâu về BHXH. Sắp tới, công tác tuyên truyền cần được triển khai sâu rộng hơn nữa đến tất cả các quân khu, quân đoàn để nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

MINH MẠNH (ghi)

*Thiếu tướng, PGS, TS TRẦN VIẾT TIẾN, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103:

Bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho quân nhân khi đến khám, chữa bệnh

Là một trong những bệnh viện có số lượng quân nhân đến khám, chữa bệnh (KCB) nhiều nhất toàn quân, Bệnh viện Quân y 103 đã triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, hướng dẫn của cơ quan BHXH Bộ Quốc phòng và Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho quân nhân khi đến KCB.

Thiếu tướng, PGS, TS Trần Viết Tiến.

Sau hơn 2 năm thực hiện KCB cho quân nhân theo BHYT, Bệnh viện Quân y 103 nhận thấy: Về ưu điểm, khi quân nhân KCB bằng thẻ BHYT đúng tuyến, phạm vi được hưởng BHYT rộng hơn BHYT thường. Thể hiện là không áp dụng quy định về giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT gồm thuốc, hóa chất, vật tư y tế được phép lưu hành tại Việt Nam và các kỹ thuật y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đăng ký vượt tuyến do chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn, lữ đoàn và tương đương trở lên quyết định; do đó, các đơn vị có điều kiện để lựa chọn đăng ký tuyến KCB phù hợp với địa bàn đóng quân. Quân nhân có thẻ BHYT có thể lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội mà vẫn được bảo đảm quyền lợi theo Luật BHYT.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, cần khắc phục trong thời gian tới, đó là: Quân nhân có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại một cơ sở y tế nhưng khi KCB, thủ trưởng đơn vị vẫn viết giấy giới thiệu mà không phải giấy chuyển tuyến của cơ sở y tế nơi đăng ký KCB ban đầu theo quy định, gây khó khăn cho cơ sở KCB. Từ 1-1-2018, quân nhân đi KCB phải xuất trình thẻ BHYT nhưng thực tế còn nhiều quân nhân chưa có thẻ BHYT gây khó khăn cho việc thanh toán....

Từ đó, tôi kiến nghị trong thời gian tới, cần tổ chức quán triệt cho các đơn vị trong toàn quân, bảo đảm 100% quân nhân tham gia KCB bằng thẻ BHYT; bổ sung kịp thời các chế độ BHYT, chính sách phù hợp đặc thù quân đội. Có nguồn kinh phí nâng cấp hệ thống quản lý KCB bằng công nghệ thông tin; hằng năm tổ chức tập huấn về chính sách BHXH và BHYT cho các cơ sở KCB trong quân đội.

DUY THÀNH (ghi)

*Đại tá, TS NGUYỄN XUÂN KIÊN, Phó cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần:

Làm tốt vai trò tham mưu về công tác y tế trong quân đội

Cục Quân y là cơ quan tham mưu chiến lược, có chức năng tham mưu với Tổng cục Hậu cần và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác y tế trong quân đội, trong đó có BHYT. Cùng với các cơ quan chức năng, Cục Quân y đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng để quân đội đi đầu trong thực hiện tiến tới BHYT toàn dân (vượt thời gian theo lộ trình dự kiến là năm 2020); tham mưu soạn thảo 1 nghị định, 3 thông tư về BHYT trong quân đội theo Luật Khám chữa bệnh (KCB) và Luật BHYT.

Đại tá, TS Nguyễn Xuân Kiên.

Kết quả bước đầu thực hiện BHYT quân nhân có thể thấy được những thuận lợi rõ rệt, đó là: Quân nhân khi đi KCB BHYT được bảo đảm quyền lợi ở mức cao nhất và thuận lợi nhất; có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật chất lượng tốt hơn ở tất cả các cơ sở quân y và dân y. Tỷ lệ sức khỏe toàn quân giữ ổn định và vượt chỉ tiêu theo quy định (hơn 98,5%). Các cơ sở quân y đã phát huy nội lực, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật để hạn chế sự tụt hậu so với các cơ sở y tế dân y, nâng cao chất lượng KCB, chăm sóc sức khỏe bộ đội và tham gia KCB cho nhân dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện dân y, nhất là tuyến Trung ương.

Để nâng cao chất lượng KCB BHYT cho quân nhân trong thời gian tới, theo tôi cần: Củng cố, hoàn thiện về tổ chức của BHXH Bộ Quốc phòng để nâng cao năng lực, chất lượng việc thực hiện ký hợp đồng, tạm ứng và thanh quyết toán với 100% các cơ sở quân y đã đủ điều kiện tham gia KCB BHYT, giảm các khó khăn vướng mắc khi tham gia BHYT. Đầu tư củng cố hệ thống cơ sở quân y, nhất là các bệnh xá, để đủ điều kiện tham gia KCB BHYT. Có quy chế đặc thù đối với các đơn vị khó khăn, đóng quân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về BHYT để khắc phục những bất cập, vướng mắc, phù hợp với đặc thù hoạt động của quân đội.

VŨ MINH (ghi)

* Đại tá NGUYỄN QUỐC HẢI, Phó trưởng Phòng Quân số chính sách, Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu:

Tạo hành lang pháp lý thống nhất để tổ chức thực hiện hiệu quả

Ngày 26-11-2015, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (QNCN, CN&VCQP); có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Luật đã góp phần quan trọng trong thực hiện quản lý Nhà nước và xây dựng đội ngũ QNCN, CN&VCQP đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện Luật QNCN, CN&VCQP gắn với việc thực hiện Luật BHXH số 58/2014/QH13; Luật BHYT số 25/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 46/2014/QH13, có những khó khăn, vướng mắc. Đó là, một số chế độ chính sách đối với QNCN, CN&VCQP được bổ sung mới, thay đổi so với trước đây (chưa được đề cập tới trong Luật BHXH, Luật BHYT); do lịch sử để lại về tên gọi, địa vị pháp lý đối với CN&VCQP từ trước đến nay chưa được xác lập cụ thể, chưa có văn bản pháp luật quy định, điều chỉnh riêng, mà đều phải vận dụng theo quy định của pháp luật (Bộ luật Lao động, Luật Viên chức, Luật BHXH…).

Đại tá NGUYỄN QUỐC HẢI.

Khắc phục vấn đề trên, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành 3 nghị định; quyết liệt, đẩy mạnh nghiên cứu báo cáo bộ ban hành các thông tư theo thẩm quyền Luật QNCN, CN&VCQP quy định; trong đó liên quan trực tiếp chế độ, chính sách, chế độ tiền lương của CNQP và chế độ phụ cấp thâm niên đối với VCQP... Tuy nhiên, do nhiều yếu tố chi phối, một số chế độ, chính sách chưa được thực hiện kịp thời, do đó, cần sớm sửa Luật BHXH, Luật BHYT, kịp thời cập nhật những nội dung về chế độ chính sách được quy định tại Luật QNCN, CN&VCQP như phần trên đã nêu để tạo hành lang pháp lý thống nhất trong thực hiện. Các bộ, ngành liên quan của Chính phủ sớm có hướng dẫn thực hiện kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 13-TB/TW ngày 17-8-2016 về việc xác định tuổi của đảng viên, cụ thể là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9660/VPCP-KHTH ngày 12/9/2017 của VPCP về việc giải quyết các vướng mắc trong thực hiện chế độ hưu trí đối với cán bộ nghỉ hưu theo Thông báo số 13-TB/TW (thực tế một số QNCN, CN&VCQP không phải là đảng viên…). Đề nghị Bộ Quốc phòng sớm ban hành các thông tư: Thông tư hướng dẫn về chuyển xếp lương cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 28 (các đối tượng được tuyển chọn sang CNQP hoặc VCQP); Thông tư quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 41 Luật QNCN, CN&VCQP: CN&VCQP khi thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật; hiện tại chưa có quy định của pháp luật cụ thể về việc này...

MINH NGÂN (lược ghi)

*Thiếu tá QNCN LƯU THỊ KIM PHƯỢNG, Viện Y học cổ truyền Quân đội:

Nhờ bảo hiểm y tế, tôi có điều kiện để điều trị bệnh hiểm nghèo

Tôi là bệnh nhân khá quen thuộc của Bệnh viện K Trung ương vì đã điều trị từ năm 2014 với chứng bệnh ung thư. Mang trên mình bệnh nặng, tác động lớn đến tư tưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc, nhiệm vụ chuyên môn và hơn thế nữa là chi phí điều trị rất tốn kém do điều trị dài ngày, thuốc đặc trị đắt tiền. Trước đây, tất cả các chi phí này đều do cá nhân và gia đình phải chi trả.

Thiếu tá QNCN Lưu Thị Kim Phượng

Từ năm 2017, khi Viện Y học cổ truyền Quân đội thực hiện chính sách BHYT quân nhân, tôi được cấp thẻ BHYT, đăng ký ban đầu tại viện và được viện giới thiệu đi KCB tại Bệnh viện K Trung ương để điều trị như trước đây. Từ thời điểm đó, tôi không phải chi trả bất kỳ các khoản chi phí KCB nào tại Bệnh viện K Trung ương, kể cả các chi phí KCB ngoài phạm vi của BHYT. Ví dụ như thuốc Herceptin theo quy định người bệnh chỉ được BHYT chi trả 50%, phần còn lại phải tự thanh toán cho cơ sở KCB. Nhưng đối với tôi, khi gửi hồ sơ về BHXH Bộ Quốc phòng đã được thanh toán nốt 50% chi phí còn lại.

Từ thực tế ấy, tôi thấy việc quân nhân tham gia BHYT là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với BHYT toàn dân theo quan điểm của Đảng, Nhà nước, tạo cơ hội cho quân nhân được KCB ở cả cơ sở quân y, dân y; được BHYT thanh toán toàn bộ chi phí KCB. Điều này vô cùng có ý nghĩa, nhất là đối với những người mắc bệnh nặng, dài ngày như tôi. Điều mong muốn của chúng tôi là các bệnh viện ngoài quân đội cần bảo đảm quyền lợi ngay cho quân nhân tại cơ sở KCB (không thu chi phí KCB) và BHXH Bộ Quốc phòng tiếp tục có mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị để bảo đảm tốt hơn quyền lợi KCB của quân nhân tại các bệnh viện dân y.

LÊ THÀNH (ghi)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/giai-phap-lon-cham-lo-bo-doi-va-bao-dam-an-sinh-xa-hoi-trong-quan-doi-539190