Giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo

Năm 2019, giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo của tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 17.000 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2018.

Giá trị tăng nhờ tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thay đổi cơ cấu giống phù hợp, nhân rộng các mô hình giảm giá thành, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần làm giảm chi phí sản xuất tăng giá trị mặt hàng lúa gạo.

Trưng bày các sản phẩm gạo dự Hội thi “Gạo ngon Đồng Tháp năm 2019.

Trưng bày các sản phẩm gạo dự Hội thi “Gạo ngon Đồng Tháp năm 2019.

Thành công về ngành hàng lúa gạo, trong năm 2019 tinh Đồng Tháp đưa diện tích gieo trồng lúa cả năm 521.429 ha, tăng 1.045 ha, sản lượng lúa cả năm 3,34 triệu tấn, tăng 16.260 tấn so năm 2018. Giá thành sản xuất lúa cả năm ở mức 3.275 đồng/kg. Lợi nhuận bình quân đạt 12,8 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành hàng lúa gạo của tỉnh chú trọng hướng tăng trưởng theo chiều sâu, năm 2019 thí điểm nhiều mô hình mới tăng lợi nhuận, tăng giá trị hạt gạo cho nông dân bằng việc thực hiện 12 điểm trình diễn mô hình “1 phải 5 giảm” kết hợp với ứng dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa.

Tỷ lệ diện tích sạ hàng, sạ thưa chiếm 50% diện tích, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 75% diện tích, tỷ lệ sử dụng máy gật đập liên hợp chiếm 100%; Áp dụng 6 biện pháp hạ giá thành và cơ giới hóa trong nông nghiệp, chi phí sản xuất dao động từ 11,9 - 17,2 triệu đồng/ha, giá thành từ 1.752 - 2.711 đồng/kg, thấp hơn so với năm 2018 từ 205 - 432 đồng/kg.

Nổi bật thực hiện được 24 mô hình canh tác lúa lý tưởng tại Hợp tác xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo của địa phương.

So với ruộng không áp dụng theo quy trình, mô hình canh tác lúa lý tưởng giúp người dân thu về lợi nhuận cao hơn từ 3 - 8 triệu đồng/ha; Mô hình sản xuất 1 phải 5 giảm, mô hình sản xuất GAP, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ 800 ha.

Mô hình sản xuất mạ lúa để cấy cho hơn 5 ngàn ha diện tích lúa sử dụng bằng mạ giống được ương trong khay để cấy bằng máy, qua đó giảm lượng giống gieo sạ hơn 140 kg giống/ha, lợi nhuận cao hơn so với sạ lúa bằng tay từ 2-3 triệu đồng/ha…; đồng thời người dân được các ngành chuyên môn đã chuyển giao khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng mà còn xây dựng hàng chục ngàn ha mô hình liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận 3-4 triệu đồng/ha/vụ.

Cùng với việc sản xuất, mặt hàng lúa gạo được xuất khẩu ra nước ngoài góp phần tăng giá trị hạt gạo. Năm 2019, tỉnh xuất khẩu 270.000 tấn gạo, với kim ngạch 115 triệu USD, xuất sang 24 thị trường nước ngoài, trong đó châu Á chiếm 85%. Ngoài các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh đưa lượng gạo của tỉnh cung ứng cho các doanh nghiệp ngoài tỉnh để xuất khẩu trên 1 triệu tấn.

Công ty Lương thực Đồng Tháp là một trong những điển hình làm tốt nâng cao giá trị hạt gạo, xuất khẩu gạo trong hơn 3 năm qua, ông Trần Tấn Đức - Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, công ty đưa ra nhiều giải pháp là nâng cao giá trị cho hạt gạo nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu gạo sạch với quy trình sản xuất sử dụng 100% phân hữu cơ, xây dựng 2 nhãn hiệu gạo: gạo sạch Tràm Chim và gạo sạch Tháp Mười đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời công ty xúc tiến giới thiệu gạo chất lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU và các nước khác.

Năm 2020 tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đưa ngành trồng trọt 26.215 tỷ đồng; gieo trồng lúa cả năm đạt 490.000 ha, sản lượng lúa đạt 3,1 triệu tấn.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-nang-cao-gia-tri-nganh-hang-lua-gao-20191224163316041.htm