Giải pháp nào cho an toàn hành lang lưới điện?

Gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, thành trong cả nước, tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) đã đến mức báo động. Nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì hậu quả rất khó lường.

Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Ngãi phát quang hành lang lưới điện trung thế. Ảnh: Thế Phong

Nhân viên Công ty Điện lực Quảng Ngãi phát quang hành lang lưới điện trung thế. Ảnh: Thế Phong

Vi phạm nhiều nhưng khó xử lý

Ông Lâm Quang Soạn, Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi, cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.400 vị trí có cây keo, tràm nguyên liệu được trồng trong và ngoài HLATLĐ có nguy cơ va quẹt, ngã đổ vào đường dây. Riêng 7 tháng đầu năm 2018, Quảng Ngãi xảy ra 133 sự cố điện do cây va quẹt vào đường dây điện, chiếm 42% số lần sự cố điện. Đáng chú ý, tại địa phương này, hiện có 7 nhà ở, công trình vi phạm HLATLĐ cao áp.

Mặc dù đã được lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên, không những không khắc phục mà các vi phạm trên đến nay vẫn tồn tại.

Theo ông Soạn, vi phạm phổ biến là người dân trồng cây keo, tràm vào trong và sát HLATLĐ cao áp tại khu vực các huyện miền núi như Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng và một số khu vực giáp ranh Bình Sơn và Sơn Tịnh.

Theo Công ty Điện lực Quảng Nam, tỉnh có gần 1.200km đường dây điện không bảo đảm an toàn kỹ thuật vận hành lưới điện do người dân trồng cây có chiều cao vi phạm HLATLĐ. Số vụ vi phạm hành lang lưới điện có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp ở các huyện miền núi như Hiệp Đức, Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My…

Trưởng phòng An toàn Công ty Điện lực Quảng Nam Trần Ngọc Anh cho biết, việc xử lý dứt điểm các vụ vi phạm luôn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn người dân vẫn biết là vi phạm nhưng vì kinh tế nên họ không hợp tác khi nhân viên điện lực vận động chặt bỏ những cây trồng nằm trong khu vực HLATLĐ. Cứ mỗi khi phát quang hành lang tuyến, tìm chủ cây đã khó, vận động họ chặt bỏ càng khó hơn.

Tại 2 xã Nam Thái, Nam Nghĩa (Nam Đàn - Nghệ An), nhiều công trình nhà ở, hàng quán xây dựng nằm sát, thậm chí có dấu hiệu lấn chiếm cả HLATLĐ.

Còn tại các nhà ở hai tầng của người dân, đường dây điện trần chạy song song với tầng 2, chỉ cách mặt tường nhà khoảng vài chục phân. Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, từ vị trí điểm cột điện, dây điện trần cho đến nhà ở, mái tôn, hàng quán,… chưa đầy một gang tay, nhiều nơi cột điện “lọt thỏm” vào giữa sân nhà. Một số điểm dây điện chằng chịt “quấn chặt” vào các biển quảng cáo.

Ông Nguyễn Kế Sự, Phó giám đốc Điện lực Nam Đàn, cho hay: “Chúng tôi đã kiểm tra, gửi báo cáo nhiều lần về việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp của một số hộ dân cho chính quyền các cấp. Đơn vị chúng tôi không được phép trực tiếp cưỡng chế, buộc tháo dỡ những công trình vi phạm đó mà chỉ ra báo cáo vi phạm gửi các cấp chính quyền phối hợp xử lý”.

Giải pháp nào để khắc phục?

Ông Soạn cho biết, thời gian tới, Điện lực Quảng Ngãi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân thấy được sự nguy hiểm về tính mạng cũng như tài sản do vi phạm HLATLĐ, vận động nhân dân thực hiện tốt quy định của Nhà nước.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến hành lang lưới điện, lập phương án giải phóng HLATLĐ tất cả các vị trí có cây nằm trong và ngoài hành lang có nguy cơ va quẹt, ngã đổ vào đường dây, bảo đảm vận hành đường dây an toàn.

Các trường hợp cản trở, không cho lực lượng ngành điện giải phóng hành lang lưới điện thì lập biên bản xử lý và yêu cầu chủ hộ vi phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi có cây ngã vào đường dây gây ra sự cố điện.

Hiện nay, cách tốt nhất để giải quyết tình trạng vi phạm HLATLĐ là cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc quản lý chặt chẽ đất đai, trật tự xây dựng, khai thác cây phải bảo đảm HLATLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ HLATLĐ tại các địa phương và sự phối hợp từ người dân về việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về HLATLĐ.

Để không có những vụ tai nạn thương tâm do điện gây ra và không làm ảnh hưởng đến hệ thống truyền tải điện, ngành điện nhất thiết phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát toàn bộ hệ thống đường dây truyền tải điện do mình quản lý; các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành điện để xử quyết liệt và triệt để các vụ vi phạm HLATLĐ.

Ngành điện và chính quyền cần tuyên truyền cho nhân dân nắm và hiểu rõ các quy định của Nhà nước về HLATLĐ để từ đó có ý thức trong việc chấp hành, vừa bảo vệ cho tính mạng chính bản thân và cộng đồng, vừa đảm bảo an toàn hệ thống điện. Có như vậy, mới giảm thiểu được những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do mất an toàn HLATLĐ.

Ngọc Thủy

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/giai-phap-nao-cho-an-toan-hanh-lang-luoi-dien-post23962.html