Giải pháp nào cho kinh tế hợp tác, HTX phát triển tương xứng với tiềm năng?

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, để tạo đà cho kinh tế hợp tác phát triển, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích hợp tác liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều địa phương, HTX đang trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất. (Ảnh minh họa)

Hợp tác xã đang trở thành loại hình phổ biến

Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định nhất quán, xuyên suốt tại các Nghị quyết Đại hội Đảng. Đặc biệt từ khi Luật HTX năm 2012 được ban hành đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.

Năng lực quản trị của các HTX có nhiều tiến bộ, quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HTX tăng so với năm trước. Tỷ lệ HTX hoạt động đạt hiệu quả gần 54%; tổng doanh thu đạt hơn 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt 3,5 triệu đồng/tháng. Hầu hết các HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Nhiều địa phương, HTX đang trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, vận tải đường bộ. Đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước khá ổn định (khoảng 5%).

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh khẳng định: “Các HTX mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho thành viên, có sản lượng hàng hóa lớn đưa ra thị trường, quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, ký kết hợp đồng tiêu thụ với giá bán có lãi, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. HTX ở các địa phương đóng góp tích cực cho kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, cải thiện môi trường và phát triển tổ chức chính trị xã hội”.

Báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, các HTX đã đảm nhận nhiều khâu trong chuỗi giá trị như: Tổ chức sản xuất tập trung; tổ chức chế biến, bảo quản, phân phối, xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm riêng của HTX và xuất khẩu sản phẩm. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn của các HTX trong giai đoạn hiện nay được đánh giá là khá chuyên nghiệp.

Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh như kho bãi, nhà xưởng, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến, thương mại cũng được đầu tư rất lớn. Điển hình như HTX bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng) đã xây dựng thành công và đưa vào hoạt động nhà máy trộn thức ăn tinh cho bò sữa. HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng) sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP với 60 chủng loại rau, liên kết với các siêu thị và trực tiếp tiêu thụ trên 52 tỉnh trong nước và xuất khẩu sang Hàn Quốc. HTX Thanh Long Tầm vu ở Long An; HTX xoài La Ngà ở Định Quán, Đồng Nai…

Tháo gỡ khó khăn, tạo đà để phát triển

Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hiện nay theo đánh giá, khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Tốc độ tăng trưởng chậm, một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị HTX; năng lực nội tại của một số HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn; sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp…

Nguyên nhân là do việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất HTX; hướng dẫn, tư vấn cho các HTX nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các HTX với nhau còn hạn chế… Nhiều HTX còn gặp khó khăn về tiếp cận vốn vay, cơ sở vật chất, đất sản xuất, đất làm nhà xưởng, trụ sở.

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, tạo đà cho KTHT phát triển, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách như Nghị định số 98/2018/NĐ- CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Thông tư 340/TT-BTC về hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay. Cần tạo điều kiện để các HTX tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại; miễn thuế giá trị gia tăng.

“Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Tập trung hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu chuẩn sản phẩm an toàn, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, các HTX mới phát triển vững mạnh, phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh nêu vấn đề.

Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, năm 2018, cả nước có 22.456 HTX đang hoạt động, tăng 10% so với năm 2017, thu hút gần 7 triệu lượt thành viên và hơn 2,4 triệu lao động thường xuyên. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế hợp tác, HTX tiếp tục phát triển. Cả nước thành lập mới 1.024 HTX, 1 Liên hiệp HTX và 2.689 tổ hợp tác (THT), đạt 41% và 44% kế hoạch năm 2019 đặt ra tại Nghị quyết số 09/NQ-LMHTX ngày 20/1/2019, nâng tổng số HTX hoạt động trên cả nước là 23.280, 75 Liên hiệp HTX và 104.861 THT, có gần 900.000 thành viên mới tham gia HTX, THT.

Minh Thùy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-phap-nao-cho-kinh-te-hop-tac-htx-phat-trien-tuong-xung-voi-tiem-nang-post67920.html