Giải pháp nào cho người trồng mía ở Ninh Thuận

Nhiều nông dân ở huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) không ngần ngại chặt bỏ gốc nhiều ha mía tơ sau khi thu hoạch vụ đầu tiên trong vụ mía 2017-2018, vì cho rằng giá mía đường đang giảm nhưng chi phí sản xuất quá cao. Mặt khác, do Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang cấp lệnh chặt chậm, khiến cây mía bị khô, chữ đường giảm; các chính sách hỗ trợ của Công ty khó thu hút nông dân gắn bó lâu dài.

Bà Bùi Thị Mai Sương ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đã chặt bỏ gốc một ha mía tơ vừa cho thu hoạch lứa đầu tiên được 90 tấn để trồng cây khác với mong muốn có lãi nhiều hơn.

NDĐT - Nhiều nông dân ở huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) không ngần ngại chặt bỏ gốc nhiều ha mía tơ sau khi thu hoạch vụ đầu tiên trong vụ mía 2017-2018, vì cho rằng giá mía đường đang giảm nhưng chi phí sản xuất quá cao. Mặt khác, do Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang cấp lệnh chặt chậm, khiến cây mía bị khô, chữ đường giảm; các chính sách hỗ trợ của Công ty khó thu hút nông dân gắn bó lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Nguyễn Văn Lâm cho biết, toàn xã đang trồng hai nghìn ha, trong đó khoảng hơn 30% diện tích mía chủ động nước tưới. Thời gian qua, Công ty CP Đường Biên Hòa – Phan Rang (Công ty) có hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp chủ động nước tưới, như: sử dụng tưới bằng năng lượng mặt trời, tưới tiết kiệm nhỏ giọt,… Tuy nhiên, vấn đề nông dân cần nhất là Công ty nên có chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống nước tưới ổn định và lâu dài trong sản xuất. Thực tế nhiều năm qua, cứ đến mùa thu hoạch, nông dân lại than phiền do Công ty thu mua chậm, chưa minh bạch trong xác định chữ đường. Do đó, Công ty cần có những điều chỉnh thật sự hợp lý để hai bên cùng có lợi, nông dân mới gắn bó dài lâu với cây mía. Nếu tình trạng chặt bỏ mía lan rộng, sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía tại địa phương.

Tiết trời tháng 3 khá oi bức, chúng tôi đi xem 14 ha cây mía của hộ ông Cao Văn Minh ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn đang bị khô nhưng chưa được Công ty cấp lệnh chặt, ông Minh bức xúc nói: “Xong vụ này tôi sẽ cày bỏ 50% diện tích để trồng cây màu. Công ty càng chậm chặt, nông dân càng thiệt thòi nhiều hơn”.

Cùng cảnh ngộ là bà Bùi Thị Mai Sương, chia sẻ: “Tôi đã cày bỏ một ha gốc mía tơ sau khi thu hoạch vụ đầu tiên cho năng suất hơn 90 tấn. Tuy lãi gần 20 triệu đồng, nhưng tính công chăm sóc mất gần mười tháng và các chi phí phụ, xem ra lãi rất ít. Đã vậy, lệnh chặt của Công ty rất chậm, nên nản lòng lắm”.

Đi thăm nhiều cánh đồng mía trên địa bàn huyện Ninh Sơn, chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương thu hoạch nơi dây khá nhộn nhịp. Tuy nhiên, chuyện nông dân chặt mía ra chất thành đống lớn và “dài cổ” đợi xe của Công ty đến chở khiến bà con rất bức xúc. Lão nông Hai Tuấn ở thôn Thạch Hà, xã Quảng Sơn than vãn, mặc dù được hợp đồng thu mua trong tháng hai nhưng đến nay Công ty vẫn chưa cấp lệnh chặt, khiến hàng chục ha mía của nhiều nông dân trồng tại khu vực Vườn Trầu, Chơ Vơ… bị khô cây, chắc chắn sản lượng và chữ đường sẽ giảm.

Tại xã Quảng Sơn, nhiều nông dân đã cày bỏ gốc mía để chuyển sang trồng sắn hoặc hoa màu khác. Điều đáng nói là, hầu hết diện tích bị phá bỏ là mía gốc năm thứ ba hoặc ít nhất bà con cũng đã thu hoạch được hai mùa, bình quân năng suất hơn 60 tấn/ha. Trong khi tại xã Mỹ Sơn, năng suất mía được nhận định là rất tốt, bình quân 100 tấn/ha, thì việc nông dân phá bỏ gốc mía ngay sau khi đầu tư vụ đầu tiên là điều nên cân nhắc. Vì, trong quy hoạch chung, Mỹ Sơn đang hướng đến xây dựng cánh đồng mía lớn và đây cũng là địa phương được Công ty chọn là vùng cung ứng nguyên liệu trọng điểm về lâu dài.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn Võ Thị Quý Hợi cho biết, xã đã biết thông tin một số nông dân phá bỏ mía tơ để chuyển sang cây trồng khác và đã cử cán bộ nông nghiệp đến truyên truyền, vận động bà con dừng lại, vì trong năm 2018, xã đã có kế hoạch xây dựng vùng mía cánh đồng lớn tại khu vực Hòn Dồ, thôn Phú Thuận khoảng 100 ha. Sắp tới, xã sẽ tổ chức đối thoại cùng nông dân và Công ty để tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư, thu mua.

Nhiều nông dân ở huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) thu hoạch mía tỏ ra ngán ngẩm cảnh chờ xe của Công ty đến chở.

Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Công ty CP Đường Biên Hòa – Phan Rang Phan Thành Hiền xác nhận, việc nông dân chặt mía và đợi xe của Công ty đến vận chuyển nhưng chậm là có thật. Tuy nhiên, năm nay, Công ty vào vụ ép muộn khoảng một tháng; với công suất ép trung bình 1.500 tấn mía cây/ngày, Công ty thu mua ổn định. Nguyên nhân, do đang là cao điểm mùa thu hoạch và cũng là mùa khô, nên nhiều nông dân nôn nóng sợ mía bị cháy đã tự ý chặt không theo lệnh nông vụ, dẫn đến tình trạng ùn ứ. Hiện tại, đã cử người trực tiếp xuống từng cánh đồng mía để kiểm tra, triển khai việc thu mua, sẽ ưu tiên thu mua những vùng mía không chủ động nước đã bị khô nhiều.

Trong niên vụ 2017-2018, Công ty đã ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm mía với nông dân là 3.700 ha, tăng gần 700 ha so với vụ trước. Đến thời điểm này, Công ty đã thu mua hơn 1.100 ha mía hợp đồng trên địa bàn tỉnh, sản lượng ước đạt khoảng 100 nghìn tấn. Tuy giá thị trường có giảm xuống là 11 nghìn đồng/kg, nhưng Công ty vẫn giữ đúng giá bao tiêu sản phẩm là 800 nghìn đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng. Trong khi đó, vùng nguyên liệu mía của huyện Ninh Sơn năm nay tăng ngoài kế hoạch gần một nghìn ha, cho nên tình trạng thu mua mía chậm như những năm trước chưa khắc phục được. Phó Giám đốc phụ trách công tác đối ngoại của Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Phan Rang Văn Hữu Thận cho biết, để sớm thu mua hết mía của nông dân, giữa tháng 3-2018, Công ty đã tổ chức đối thoại với nông dân tại UBND xã Quảng Sơn và thống nhất năm tiêu chí thu hoạch, trong đó ưu tiên mía quá tuổi 50 ngày; mía sát vùng núi, có nguy cơ cháy cao và những vùng mía không chủ động nước trước, với các diện tích mía chủ động nước có thu mua chậm vài ngày, mong bà con hết sức thông cảm. Bên cạnh đó, để chủ động trong việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, tạo sự gắn kết dài lâu với hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty cũng đã chủ động mua thêm một số máy móc để hỗ trợ nông dân về khâu làm đất, xuống giống, thu hoạch và hướng dẫn thêm cho bà con về phương pháp mới là trồng mía hàng đôi. Khi thực hiện cơ giới hóa, nông dân sẽ giảm 20% trong sản xuất và khi vụ thu hoạch sẽ giảm thêm được một số khoản phụ khác. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa thật sự tin tưởng, nên chưa muốn áp dụng.

Được biết, Công ty đang triển khai thí điểm xây dựng thêm các cánh đồng mía lớn tại hai huyện Bác Ái và Ninh Sơn, nhằm đưa cơ giới hóa toàn phần vào sản xuất cây mía thuận lợi hơn, vì so với sản xuất truyền thống sẽ giảm nhiều chi phí cũng như thất thoát sau thu hoạch. Rõ ràng, một giải pháp, một định hướng mới cho cây mía ngay từ bây giờ là rất cần thiết. Do đó, Công ty cần sớm có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách đầu tư thu mua, đồng thời phối hợp chính quyền tổ chức đối thoại, công khai minh bạch và định hướng, tuyên truyền, vận động nông dân để kịp thời ngăn ngừa tình trạng chặt bỏ gốc mía đang có chiều hướng lan rộng trên địa bàn huyện Ninh Sơn. Có như thế, thì mới tạo sự đồng thuận và người trồng mía an tâm gắn bó lâu dài với cây mía và Công ty.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRUNG – LÂM THIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/35941202-giai-phap-nao-cho-nguoi-trong-mia-o-ninh-thuan.html