Giải pháp nào có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và Palestine?

Những ngày qua liên tục chứng kiến các vụ đụng độ giữa cảnh sát Israel và người Palestine gây thương vong lớn, cùng với đó là hàng trăm quả rocket từ Gaza bắn vào lãnh thổ Israel. Tình hình tại đó ra sao và cộng đồng quốc tế cần làm gì?

Bạo lực bùng phát ở mức độ nghiêm trọng

Xung đột Israel-Palestine vẫn là vấn đề lâu này chưa thể giải quyết trong đó có yếu tố lịch sử, tôn giáo, văn hóa. Như Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói những gì đang diễn ra ở Jerusalem không phải là mới mà đã diễn ra hàng trăm năm nay.

Nhưng cuộc đụng độ lần này có thể nói là nghiêm trọng khi hàng trăm người Palestine bị thương, hàng chục người thiệt mạng. Nghiêm trọng hơn các cuộc đụng độ bùng phát từ thành phố Jerusalem đã lan sang Dải Gaza giữa các phong trào vũ trang ở đây và quân đội Israel. Hơn 200 quả rocket đã được bắn từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel từ đêm 10/5 sáng 11/5 và quân đội Israel đáp trả với các cuộc không kích vào 150 mục tiêu ở Gaza.

Thành phố Gaza bị máy bay Israel giội bom đáp trả loạt rocket phóng sang Israel. Ảnh: Anadolu.

Thành phố Gaza bị máy bay Israel giội bom đáp trả loạt rocket phóng sang Israel. Ảnh: Anadolu.

Ngọn lửa xung đột bắt đầu bùng phát vào giữa tháng 4 vừa qua. Các cuộc đụng độ đã nổ ra khi cảnh sát Israel ngăn cản người Palestine tụ tập vào buổi tối bên ngoài nhà thờ al Aqsa. Sự tức giận của người Palestine càng trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc tuần hành của những người Do Thái gần cùng khu vực nhằm phản đối một loạt video đăng trên mạng xã hội cho thấy người Palestine tấn công người Do Thái trong thành phố.

Đây cũng luôn là khu vực nhậy cảm khi cả Israel và Palestine đều đòi quyền đối với Đông Jerusalem. Israel đã sáp nhập Đông Jerusalem vào năm 1980. Trong khi người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của nhà nước độc lập, đầy hy vọng của họ.

Một điều đáng chú ý nữa là căng thẳng leo thang vào thời điểm mà Palestine chuẩn bị tổ chức bầu cử, lần đầu tiên sau 15 năm. Nhưng cuộc bầu cử này bị hoãn vì phía Palestine cho rằng Israel ngăn cản cử tri ở Đông Jerusalem đi bỏ phiếu. Trong khi đó, chính trường Israel cũng đang khủng khoảng khi Thủ tướng Netanyahu không thể liên minh thành lập chính phủ sau cuộc bầu cử hôm 23/3 vừa qua. Nước này cũng vừa ấn định ngày bầu cử tổng thống vào 2/6 tới. Những biến động chính trị ở Palestine và Israel cũng tác động tới căng thẳng ở Gaza và Jerusalem hiện nay.

Khả năng nhượng bộ

Xung đột Israel-Palestine hay những bất đồng giữa hai bên đã kéo dài nhiều thập kỷ mà chưa có hồi kết. Trong đó khu vực đang tranh chấp tại Jerusalem mà người Do Thái gọi là Núi Đền và người đạo Hồi gọi là Haram al-Sharif. Đây là nơi tọa lạc của nhà thờ Hồi giáo linh thiêng al-Aqsa và Bức tường phía Tây mà người Do Thái coi là thánh địa của họ.

Những leo thang này khó có thể hạ nhiệt trong một vài ngày tới. Bởi ngày 13-16/5 này là ngày đại lễ Aid al- Adha (Lễ xả chay) của người Hồi giáo. Thời điểm này họ đến nhà thờ cầu nguyện nhiều hơn và chắc chắn người Palestine cũng sẽ mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bảo vệ quyền của họ với Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa. Trong khi đó, chính quyền Israel cũng khó nhượng bộ bởi các ứng cử viên thủ tướng, tổng thống và các các đảng phái cần lấy uy tín, sức mạnh với cử tri nhất là trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích Do Thái ở Jerusalem.

Thường các cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine hạ nhiệt hoặc ngừng bắn thông qua các trung gian quốc tế như Ai Cập, Liên hợp quốc, Mỹ, các tổ chức quốc tế. Trên thực tế, tương quan lực lượng không cân bằng trong khi quân đội và cảnh sát Israel được trang bị tối tân có thể tấn công áp đảo hoặc gây áp lực tối đa đối với các phong trào ở Gaza hay Bờ Tây và người Palestine.

Ngày 10/5 Ai Cập đã cử phái đoàn tới Palestine để hỗ trợ hòa giải, cũng như ngăn chặn các cuộc đụng độ bùng phát giữa Israel và Palestine. Hy vọng rằng trung gian Ai Cập sẽ thành công như các lần trước để tránh bạo lực leo thang ở cả Gaza và Jerusalem. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã họp bàn và kêu gọi Israel kiềm chế các bước đơn phương, tôn trọng hiện trạng lịch sử tại các thánh địa, tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng. Hội đồng Bảo an nhắc lại sự ủng hộ đối với một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột Israel-Palestine, hai quốc gia Israel và Palestine độc lập, dân chủ, có chủ quyền chung sống với nhau trong hòa bình trong các biên giới an toàn và được công nhận.

Đóng góp của các tổ chức đa phương

Căng thẳng và xung đột giữa Israel-Palestine cần có sự hỗ trợ của dư luận quốc tế, các tổ chức quốc tế lớn như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hay Liên đoàn Arab. Cùng với việc lên tiếng phản ứng, các nước, tổ chức này phải có các hành động cụ thể với các bên liên quan để ngăn chặn bạo lực leo thang và xa hơn là ngồi vào đàm phán, đối thoại.

Trước hết với căng thẳng ở Gaza và Jerusalem hiện nay, các tổ chức đa phương cần gây sức ép để Israel và Palestine không có các hàng động khiêu kích hoặc đơn phương hành động, hoặc sử dụng vũ lực, đồng thời giữ nguyên hiện trạng lịch sử. Các tổ chức này tiếp tục ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Nếu các cuộc đụng độ này không được ngăn chặn có thể lan sang toàn khu vực Trung Đông và các vấn đề khác của khu vực. Có thể các lực lượng kháng chiến chống Israel sẽ mở rộng cuộc tấn công đáp trả khiến cho tình hình khu vực thêm bất ổn. Đại diện Bộ tứ về Trung Đông bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực ở Đông Jerusalem, đồng thời kêu gọi chính quyền Israel không leo thang tình hình, cảnh báo các hành động của Israel ở Đông Jerusalem có thể trở thành tội ác chiến tranh. Các thành viên Bộ tứ kêu gọi tất cả các bên tôn trọng và tôn trọng tình trạng hiện tại của các thánh địa đồng thời tái khẳng định cam kết đạt được giải pháp hai nhà nước thông qua đàm phán./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/giai-phap-nao-co-the-giup-ha-nhiet-cang-thang-giua-israel-va-palestine-857185.vov