Giải pháp nào để ngăn chặn tai nạn giao thông đường sắt?

Gần đây, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường sắt diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân chưa nghiêm và tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt.

Ngang nhiên đi xe máy sát khu vực đường ray tàu hỏa.

Theo số liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cung cấp, 8 tháng năm 2017, toàn tuyến đường sắt xảy ra gần 200 vụ tai nạn giao thông. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường sắt thuộc địa phận phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 1-2-2017. Lái xe ô tô 16 chỗ lưu thông qua đường ngang có biển báo, nhưng do chủ quan, thiếu quan sát nên đâm vào tàu khách SQN1 làm 2 người chết, 7 người bị thương. Tiếp đó, vào ngày 24-4-2017, tại tuyến đường sắt thuộc địa phận xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, lái xe ô tô 7 chỗ mặc dù nhận được cảnh báo tự động (đèn đỏ và chuông reo) nhưng vẫn điều khiển xe lưu thông và đâm va với đoàn tàu số hiệu TN1. Hoặc mới đây (ngày 3-9), tại Bố Trạch, Quảng Bình, tàu SE3 đã đâm vào chiếc máy xúc khi máy xúc cố đi qua đường dân sinh tự mở vượt đường sắt làm lật đầu máy và 2 toa xe...

Qua điều tra, phân tích hiện trường các vụ tai nạn, cơ quan công an xác định nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn là do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân chưa tốt, nhất là ý thức tuân thủ tín hiệu đèn, hiệu lệnh của lái xe, người điều kiển phương tiện khi đi qua nút giao đường sắt chưa nghiêm. Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 8, Công an TP Hà Nội cho biết: “Một nguyên nhân chủ quan khác là hiện nay, các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt chưa đáp ứng được sự gia tăng của phương tiện. Tại hầu hết các tỉnh, thành phố còn tồn tại nhiều lối đi tự mở. Đây chính là các điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”.

Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn do người điều khiển phương tiện, người đi bộ, nằm, ngồi trên đường sắt và dọc hai bên hành lang an toàn đường sắt chiếm 44%; tai nạn tại lối đi tự mở chiếm 40%... Bên cạnh đó, tình trạng mở hàng quán, cơi nới diện tích sử dụng, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt cũng là một trong những lý do gây xuống cấp hệ thống hạ tầng, dẫn đến các sự cố khi tàu chạy.

Triển khai những giải pháp cấp bách bảo đảm ATGT, ngành đường sắt phối hợp với các địa phương tổ chức cảnh giới thường xuyên tại 370 vị trí; xóa bỏ 242 lối đi tự mở, thu hẹp 983 vị trí; cắm bổ sung biển báo hiệu “Chú ý tàu hỏa” tại 1.120 vị trí; cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại 173 vị trí. Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành rà soát toàn bộ các vị trí đường ngang, lối đi dân sinh do địa phương, doanh nghiệp tổ chức. Ngoài việc quản lý chặt chẽ, điều tiết giao thông an toàn tại các đường ngang, đường giao cắt với đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Phần lớn các nút giao thông quan trọng đã được lắp đặt các hệ thống cảnh báo, ba-ri-e, rào chắn tự động. Từ nay đến cuối năm 2017, các đơn vị sẽ lắp đặt bổ sung cần chắn tự động tại 144 đường ngang; triển khai gói thầu nâng cấp 20 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động có cần chắn tự động; lắp động cơ điện cho 43 đường ngang có gác.

Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết: “Cơ quan chức năng đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp các vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt để báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho phép làm gờ giảm tốc cưỡng bức, trong đó có 97 vị trí giao cắt với đường bộ do Tổng cục Đường bộ quản lý, 1.583 vị trí giao cắt với đường bộ do các địa phương quản lý”.

Tuyên truyền, giáo dục, xử phạt, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép gây ảnh hưởng xấu đến hành lang an toàn đường sắt là rất cần thiết, tuy nhiên, để ngăn ngừa, kiềm chế tai nạn cần có các giải pháp đồng bộ, lâu dài. Theo đó, công tác quản lý, giám sát, điều tiết giao thông tại các địa phương có nhiều điểm giao cắt với đường sắt như Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Đồng Nai... phải được duy trì nghiêm túc, khoa học. Hạ tầng, trang thiết bị ngành đường sắt và hệ thống cảnh báo, đèn tín hiệu, thiết bị an toàn cần được duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Cán bộ làm nhiệm vụ cảnh giới, giám sát an toàn phải được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên...

TUẤN NAM - VĂN DƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/giai-phap-nao-de-ngan-chan-tai-nan-giao-thong-duong-sat-517356