Giải pháp nào để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững?

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ban, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.

Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo. Ảnh minh họa: TTXVN

Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người nông dân một cách bền vững.

Trong vụ Đông Xuân này, nông dân khu vực các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn do giá lúa hàng hóa sụt giảm mạnh và khó tiêu thụ, lợi nhuận sản xuất của nông dân cũng sụt giảm.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, một trong những nguyên nhân chính là do ngành hàng lúa gạo chưa có được một chiến lược phát triển bền vững.
Tại cuộc họp mới đây giữa lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ với các sở ban ngành và doanh nghiệp trên địa bàn để bàn giải pháp tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân.

Nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã phân tích và đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ lúa hàng hóa trước mắt cho nông dân cũng như các giải pháp phát triển bền vững, lâu dài cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng khá cao, riêng ngành hàng lúa gạo phát triển cũng khá tốt nhưng thiếu bền vững.
Điển hình như thành phố Cần Thơ là một trong những địa phương đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp và đặc biệt chú trọng phát triển mô hình cánh đồng lớn nhưng diện tích bao tiêu lúa trên địa bàn cũng rất thấp, chỉ có 21.000/81.000 ha lúa được bao tiêu.

Ngay cả hình thức bao tiêu hiện nay cũng không mang tính bền vững vì một số doanh nghiệp, thương lái chỉ đặt cọc trước với hộ dân nhưng khi giá lúa xuống thấp thì bỏ cọc, không thu mua vì sợ thua lỗ.
Còn việc bao tiêu có tính căn cơ như VINACAM, Trung An, Trung Thạnh... và một số doanh nghiệp lớn khác thì không nhiều.

Tức là doanh nghiệp đầu tư toàn bộ giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa hàng hóa của nông dân sau khi thu hoạch.

Đây cũng là mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Chính phủ đã khuyến khích rất mạnh mẽ điều hành theo chuỗi giá trị ngành hàng trong thời gian qua nhưng hiện tại triển khai thực hiện không được bao nhiêu.
Cũng theo ông Bình, để ngành hàng lúa gạo không phải giải cứu thì mô hình hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phải được thực hiện.

Hiện tại mặc dù giá trị lúa gạo Việt Nam được tăng cao trên thị trường thế giới cũng là nhờ một số doanh nghiệp đã xây dựng được chuỗi giá trị cho hạt gạo nhưng số lượng để giải quyết cho cả ngành hàng lúa gạo Việt Nam thì chưa thấm vào đâu.
Vì vậy, nếu muốn nông dân trồng lúa có đầu ra ổn định, kể cả cho ngành lúa gạo Việt Nam phát triển một cách bền vững tạo ra giá trị cao thì bắt buộc phải thực hiện theo chuỗi giá trị này.
Ông Phạm Thái Bình nhấn mạnh bày tỏ, thành phố Cần Thơ có diện tích lúa trên 81.000 ha lúa/vụ thì phải làm sao để có khoảng từ 5 đến 10 doanh nghiệp bao tiêu hết toàn bộ diện tích thì sẽ không bao giờ có chuyện bán hàng không được, nông dân không phải lo rớt giá.

Mà muốn làm được mô hình này các doanh nghiệp phải có vốn nhưng trên địa bàn chưa có chi nhánh ngân hàng nào dám cho doanh nghiệp vay đầu tư theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo mà chỉ đầu tư một phần.
Đầu tư theo chuỗi giá trị một cách căn cơ thì sẽ không có doanh nghiệp nào dám bỏ nông dân cả vì nếu bỏ nông dân sẽ mất vốn, mất nguyên liệu đồng thời nông dân cũng không thể bỏ doanh nghiệp vì sản xuất và tiêu thụ ổn định.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không mở rộng diện tích bao tiêu trên toàn bộ diện tích lúa hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long vì không có vốn.

Do đó, giải pháp quan trọng đầu tiên vẫn là vốn cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị.

Hiện tại, ngành hàng lúa gạo đã có cơ sở chế biến sẵn, hiện đại nhưng lại đang rất thiếu vốn để bao tiêu, đầu tư và thu mua lúa trong dân....
Ông Lâm Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản VINACAM cho biết, chính quyền các địa phương cùng với bà con nông dân muốn trồng lúa có lãi thì sản phẩm phải có đầu ra ổn định theo định hướng về cơ cấu giống, quy trình sản xuất của doanh nghiệp đặt ra bởi doanh nghiệp tồn tại thì nông dân mới phát triển được.
Hiện tại, công ty đang rất cần vốn để có nguồn tài chính bao tiêu lúa cho nông dân một cách nhanh chóng... nên các ngân hàng thương mại cần phải tháo gỡ những vướng mắc, quy định về các chính sách cho vay vốn của doanh nghiệp.
Cũng theo ông Kiệt, thời gian qua giống Nàng Thơm 8 được các doanh nghiệp đặt hàng trong nông dân trồng nhiều hơn để xuất khẩu thay thế giống Jasmine 85, từ đó làm mất giá trị của giống lúa thơm Jasmine 85, làm cho giá xuất khẩu của giống Jasmine 85 bị xuống thấp, ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Ông Kiệt cũng cho biết hiện thị trường Philipines đã mở cửa tự do để các doanh nghiệp tự do xuất khẩu gạo; trong đó, Việt Nam và Thái Lan là 2 nước nằm trong khu vực ASIAN được hưởng nhiều thuận lợi về thuế.

Về thị trường, từ năm nay các doanh nghiệp nào thực hiện đúng quy trình như Nghị định thư đã ký sẽ dễ dàng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc.

Về thị trường thế giới hiện nay đang có một số nước đang mở cửa nhập khẩu gạo như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập , Australia, Mexico ... rất thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, để giải quyết vấn đề tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân, trong thời gian tới, toàn bộ diện tích sản xuất lúa chưa được bao tiêu trên địa bàn rất cần được ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng cần quan tâm quản lý chặt về giống, đảm bảo cơ cấu giống phù hợp để phục vụ xuất khẩu.

Cùng đó, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tăng cường quan hệ với các bộ ngành và đặc biệt các cuộc đàm phán để có thông tin sớm cho doanh nghiệp, nhất là đối với các thị trường có tác động lớn đến tình hình xuất khẩu gạo, các thị trường thường xuyên thay đổi các chính sách...
Hiện nay, sau khi có chủ trương thu mua lúa gạo tạm trữ do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có dấu hiệu nhích lên từ 100-200 đồng/kg.
Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Cần Thơ như Chi nhánh Vietinbank Tây Đô, Vietcombank Cần Thơ, Viettinbank Cần Thơ... đã lần lượt làm việc với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo lớn trên địa bàn để tìm cách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vay.
Từ các động thái trên, số lượng thương lái tham gia thu mua lúa trong dân cũng bắt đầu nhiều hơn trước.

Tính đến những ngày cuối tháng 2, nông dân thành phố Cần Thơ đã thu hoạch được hơn 50% diện tích lúa Đông Xuân, giá lúa các loại được thương lái thu mua trong nông dân từ đầu vụ đến nay dao động từ 4.300-4.900 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ gần 1.000 đồng/kg.
Các chuyên gia kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp, sản lượng lúa Đông Xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tiêu thụ nhanh, nông dân có được lợi nhuận khá.
Tuy nhiên, để giúp ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, ổn định, nông dân có được lợi nhuận cao hơn thì rất cần các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp sớm triển khai giải pháp phát triển bền vững cho ngành hàng lúa gạo theo chuỗi giá trị như một số ngành hàng nông sản khác đang triển khai.
Hơn nữa, các cơ quan chức năng tạo ra cơ chế thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh vay vốn để đầu tư, liên kết với nông dân, bao tiêu sản phẩm lúa gạo để nông dân yên tâm sản xuất mà không phải lo không tiêu thụ được hàng hóa./.

Ngọc Thiện/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/giai-phap-nao-de-nganh-hang-lua-gao-phat-trien-ben-vung-/113952.html