Giải pháp nào giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng?

Bên cạnh nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án về việc và về tiền, một trong những thách thức đang đặt ra đối với công tác thi hành án dân sự là việc giảm án tồn đọng. Có thể thấy, đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp.

Theo thống kê của Tổng cục THADS, công tác THADS trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm 2020, tổng số việc giải quyết là 899.787 việc, tương ứng với số tiền trên 293 nghìn tỷ đồng; Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 576.933 việc, tương ứng với số tiền trên 53 nghìn tỷ đồng, đạt tỉ lệ 81,41% về việc (tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2019); đạt tỉ lệ 40,09% ( tăng 4,66% so với cùng kỳ năm 2019). Tuy nhiên, kết quả thi hành án vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là số lượng án tồn đọng cùng với số tiền phải thi hành án còn rất lớn. Năm 2020, số việc chuyển kỳ sau là 308.900 việc tương ứng với số tiền trên 210 nghìn tỷ đồng Số lượng án tồn đọng lớn là do xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan.

Một là: Số việc thụ lý mới phát sinh ngày càng nhiều với giá trị phải thi hành án tăng cao, trong khi biên chế ngày càng giảm. Nhiều cơ quan THADS đang chịu áp lực rất lớn do số lượng việc THADS tăng lên nhanh với tính chất ngày càng phức tạp hơn và giá trị thi hành lớn, đặc biệt lớn, nhưng số lượng cán bộ ít, dẫn đến quá tải trong công việc.

Hai là: Người phải thi hành án có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều trường hợp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, không có thu nhập hoặc thu nhập thấp, chỉ đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, hoặc có tài sản nhưng tài sản không đàm bảo các điều kiện kê biên, xử lý theo quy định của pháp luật. Người phải thi hành án là doanh nghiệp nhưng lại lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán; Nhiều trường hợp Doanh nghiệp “ mất tích”, không còn hoạt động nhưng không làm thủ tục phá sản hay giải thể, thậm chí còn nợ các khoản nợ thuế, bảo hiểm xã hội…..khiến việc tổ chức thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Ba là: Một số quy định pháp luật về miễn, giảm thi hành án hiện nay còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn công tác THADS. Thực tế cho thấy, có một số trường hợp chưa có điều kiện thi hành án đã 10 năm. Tuy nhiên, khi xác minh tại địa phương thì phát hiện đối tượng đã không có mặt tại địa phương từ lâu, hiện không rõ địa chỉ cư trú. Cơ quan THADS vẫn phải duy trì trong sổ theo dõi qua nhiều năm mà không có căn cứ để xử lý vì không đủ điều kiện để xét miễn, giảm thi hành án theo quy định tại Điều 61 Luật THADS. Hoặc có trường hợp cơ quan THADS đã kê biên xử lý tài sản bán đấu giá, hạ giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được tài sản. Mặc dù đã hết thời hạn 10 năm, nhưng vẫn không thể thực hiện được việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án do các trường hợp trên vẫn thuộc diện “có tài sản” nên không thể xét miễn giảm thi hành. Do đó, cần bổ sung quy định về việc phân loại chưa có điều kiện thi hành án đối với những trường hợp có tài sản nhưng tài sản đó không thể xử lý được hoặc đã xử lý tài sản nhưng không hiệu quả và có cơ chế miễn giảm đối với những vụ việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án đã bị tồn đọng, kéo dài nhưng không thể có khả năng thi hành dứt điểm.

Việc bỏ quy định trả lại đơn yêu cầu thi hành án thi hành án theo quy định của Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014 cüng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng việc và giá trị phải thi hành ngày càng tăng cao…Đa số quan điểm cho rằng nên khôi phục lại quy định về trả đơn yêu cầu thi hành án theo như quy định tại Luật THADS năm 2008, sẽ giảm số lượng việc thi hành án dân sự các cơ quan THADS phải thực hiện theo dõi trong nhiều năm, mà không thật sự hiệu quả.

Bốn là: Sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa cơ quan xét xử và cơ quan THADS. Vẫn có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động THADS. Trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án đối với việc thi hành các bản án, quyết định của mình còn hạn chế, nhất là việc giải quyết những hệ quả, vướng mắc trong trường hợp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án hay của Viện kiểm sát dẫn đến thay đổi nội dung các bản án đã có hiệu lực đang được thi hành hoặc đã thi hành xong; Trách nhiệm theo dõi, thống kê việc thi hành các bản án, quyết định cũng chưa được Tòa án quan tâm thực hiện. Chưa có cơ chế phù hợp giữa THADS với thi hành án phạt tù, đặc biệt là các vụ án hình sự có bồi thường thiệt hại, làm giảm đáng kể hiệu quả của công tác thi hành án nói chung. Do đó cần có sự liên thông giữa công tác xét xử và công tác thi hành án, đảm bảo tính khả thi của việc thi hành án. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hoạt động THADS.

Hoàng Thị Thanh Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giai-phap-nao-giam-viec-thi-hanh-an-dan-su-ton-dong-post396842.html