Giải pháp nào khắc phục tình trạng 'được mùa, mất giá'

Nói về tình trạng 'được mùa mất giá' của nông sản Việt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường so sánh: 'Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, giá nông sản cũng vậy!'.

Hôm nay (6/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 3 ngày. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường là người đăng đàn đầu tiên.

Tình trạng “được mùa, mất giá” "nóng" nhất tại phiên chất vấn. Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh việc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp.

Bất cập lớn nhất là khâu chế biến và tổ chức thương mại

Trả lời đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) về giải pháp để tránh tình trạng "được mùa, mất giá", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.

Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) chất vấn

Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) chất vấn

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Bộ trưởng nêu ví dụ, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...

Ra sân bay đón doanh nghiệp về đầu tư

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn: Nguyên nhân khiến đời sống đồng bào dân tộc, miền núi còn nhiều khó khăn là do nông sản của bà con trồng ra bị ép giá, sản xuất của bà con chưa liên kết vào chuỗi sản xuất của thị trường. Xin bộ trưởng cho biết giải pháp?

Trả lời đại biểu về giải pháp khắc phục tình trạng giá cà phê, hồ tiêu,… bấp bênh, đời sống bà con ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, đề nghị được trợ giá, Bộ trưởng nêu thực tế một trong những nguyên nhân làm cho đời sống bà con bấp bênh là do tổ chức sản xuất kém hiệu quả, do vậy cần tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào, cùng với bà con liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn.

Ông cho biết, trong các tỉnh Tây Nguyên, thì Gia Lai rất tích cực, đích thân đồng chí Bí thư, Chủ tịch đi thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, thậm chí họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn đã xây được 1 nhà máy chế biến nông sản. Trước sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư cảm động đã quyết định xây thêm một nhà máy nữa để góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Khẳng định việc này là trách nhiệm của Bộ nên Bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.

Về giải pháp khắc phục tình trạng “giải cứu” nông sản, Bộ trưởng cho biết, năm nay là năm khó khăn nhất nhưng trên các trục sản phẩm lớn của chúng ta đều tổ chức liên kết đáp ứng được chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường. Chúng ta sẽ hoàn thành được mục tiêu cao nhất từ trước đến nay, nhất là 10 sản phẩm trụ cột từ 1 tỷ USD trở lên. Còn những ngành hàng nhỏ, chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện các chuỗi giá trị.

Ví dụ như Bắc Giang, gà đồi Yên Thế bán rất tốt, ở Sơn La quả xoài xuất khẩu ra quốc tế rất tốt, Bộ trưởng dẫn chứng.

Bán hàng mới là quan trọng, không phải là tổ chức sản xuất

Theo Bộ trưởng Cường, bất cập nhất là khâu chế biến, thương mại hóa, nên khó giải quyết vấn đề được mùa mất giá, khó dự đoán được giá biến động.

Do đó, cần cơ cấu lại ngành lúa gạo, rà soát lại các cây trồng phát triển quá nóng thời gian qua, như hạt tiêu, tập trung chế biến, tránh dư thừa, giảm diện tích kém hiệu quả, kêu gọi doanh nghiệp và liên kết chặt chẽ, tổ chức chế biến, trên nguyên tắc lợi thế gì ta làm, thị trường gì cần ta làm.

"Bây giờ bán hàng mới quan trọng, không phải là tổ chức sản xuất nữa", bộ trưởng Cường nói.

Tương tự với câu hỏi về cá ngừ đại dương của đại biểu Nguyễn Phương Tấn (Ninh Bình): Đây đang là mặt hàng chủ đạo trong xuất khẩu, nếu làm tốt sẽ đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD/năm. Tuy nhiên, hiện việc bảo quản cá ngừ sau đánh bắt của người dân còn lạc hậu, giảm chất lượng và giá trị xuất khẩu.

Bộ trưởng Cường nói: Hiện, có doanh nghiệp ở Khánh Hòa liên kết các tàu ngư dân, có tàu của công ty thu mua đem về nhà máy chế biến nhiều sản phẩm.

"Phát triển thị trường đi đôi với xuất khẩu nhưng cũng chú trọng thị trường 100 triệu dân, chúng ta được quyền ăn hải sản ngon", ông Cường nói.

D.T

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/giai-phap-nao-khac-phuc-tinh-trang-duoc-mua-mat-gia-post31571.html