Giải pháp nào ngăn chặn thảm kịch gia đình?

Liên tiếp trong những ngày đầu năm 2023 đã xảy ra 2 vụ chồng sát hại vợ rồi tự sát đã gióng lên một hồi chuông báo động về sự xuống cấp đạo đức xã hội.

Những thảm kịch gia đình

Nghiện rượu, có biểu hiện rối loạn tâm thần và một số bệnh lý nền liên quan đến sức khỏe như suy gan, viêm tụy, tiểu đường, dạ dày, anh Chu Duy Hưng (SN 1978) trú tại thôn Lê Lợi, xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang được hưởng chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội từ năm 2019.

Sáng 6-2, người dân phát hiện anh Hưng đang bất tỉnh bên cạnh người vợ là chị Chu Thị T đã tử vong. Tại hiện trường phát hiện 1 dao phay, 1 dao gọt hoa quả và 1 chiếc kéo. Trên sàn nhà có nhiều vết máu. Tiếp nhận tin báo, lực lượng Công an đã tiến hành bảo vệ hiện trường, xác minh vụ việc.

Lực lượng Công an bảo vệ hiện trường vụ án sát hại vợ rồi tự tử tại thị xã Sơn Tây

Lực lượng Công an bảo vệ hiện trường vụ án sát hại vợ rồi tự tử tại thị xã Sơn Tây

Kết quả điều tra ban đầu xác định: Chị Chu Thị T bị dao, kéo đâm nhiều nhát vào vùng ngực, bụng, cổ. Anh Chu Huy Hưng cũng bị nhiều vết thương ở vùng ngực, bụng, cổ hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

Anh Hưng thừa nhận đã sát hại chị T rồi tự sát. Hiện Cơ quan CSĐT CAH Hoằng Hóa đã khởi tố vụ án để điều tra theo quy định. Trước đó, tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, một vụ án tương tự cũng đã xảy ra. Khoảng 18h ngày 31-1, con gái của hai vợ chồng hiệu may Anh Tuấn trên đường Phùng Khắc Khoan, phường Quang Trung đến thăm bố, mẹ, gọi cửa không thấy ai trả lời trong khi cửa bị chốt trong. Người con gái đã gọi người đến phá cửa vào trong thì phát hiện bố, mẹ đã tử vong.

Qua khám nghiệm tử thi, công an xác định 2 người tử vong trên tấm đệm trải ở sàn phòng ngủ, trong tư thế nằm ngửa. Thi thể người chồng có nhiều vết thương vùng đầu, còn người vợ có một vết thương ở bụng. Lực lượng chức năng cũng thu giữ 1 con dao nhọn dính máu tại hiện trường.

Quá trình điều tra xác định nguyên nhân là do ghen tuông, người chồng đâm chết vợ rồi tự sát.

Ngăn những cái chết vô cớ

Hai vụ việc trên chỉ là số ít trong hàng trăm vụ án có nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến những vụ giết hại người thân trong gia đình xuất phát từ những lý do nhỏ nhặt. Theo chuyên gia tâm lý học Nguyễn Văn Kính, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, trong xã hội hiện đại, sự lệch lạc, côn đồ trong tư tưởng, suy nghĩ cùng bản tính ích kỷ, sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh đã dẫn đến sự lạnh nhạt, vô trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Với một nền tảng như thế, nếu phát sinh mâu thuẫn, va chạm, xung đột hay xích mích dù là nhỏ nhặt họ cũng dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, mâu thuẫn, bất chấp việc gây tổn thương, đau đớn cho chính người thân và không quan tâm đến nỗi đau của người khác dù là người thân dưới một mái nhà.

Mâu thuẫn ghen tuông và những điều nhỏ nhặt đã dẫn đến những vụ án đau lòng

Bên cạnh đó, ở hầu hết các vụ sát hại xảy ra giữa vợ và chồng chủ yếu do nạn bạo hành gia đình và những khóc khuất trong cuộc sống hôn nhân. Khi người vợ hoặc chồng bị bạo hành trong một thời gian dài, hoặc phải chịu những tổn thương về tinh thần trong cuộc sống hôn nhân thì khi xảy ra cãi vã rất dễ dẫn đến những hành động quá khích bởi tâm lý uất ức, tức giận dồn nén. Vì vậy, loại trừ bạo lực gia đình, xây dựng hôn nhân hạnh phúc, bền vững giữ vai trò rất quan trọng trong xã hội hiện nay.

Hậu quả những vụ thảm sát người thân để lại là vô cùng lớn. Đó không chỉ là hậu quả về pháp luật, về chế tài xử lý nghiêm minh của Nhà nước đối với hành vi tội ác mà đau lòng hơn đó là hậu quả về tinh thần, về những tổn thương mãi mãi để lại trong những gia đình. Nghiêm trọng hơn, đó là phản ánh về tình trạng xuống cấp, tha hóa đạo đức trong một bộ phận dân cư hiện nay; sự coi thường pháp luật, xem nhẹ giá trị gia đình, bất chấp đạo đức xã hội đã dẫn đến những vụ việc đau lòng làm nhạt nhòa đi những đạo nghĩa nhân văn.

Để phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu các vụ giết người nói chung và các vụ án mạng trong gia đình nói riêng, cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành có liên quan, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt.

Do đó, lực lượng Công an cần chủ động phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức phòng ngừa tội phạm; kết hợp giữa tuyên truyền chung và tuyên truyền cá biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người.

Xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, tư vấn xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, vai trò người có uy tín trong hòa giải mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm.

Tập trung nâng cao hiệu quả xử lý, tố giác tin báo về tội phạm giết người; kịp thời ngăn chặn các vụ việc, biểu hiện có thể dẫn đến hành vi giết người, nâng cao chất lượng công tác điều tra, xử lý tội phạm giết người, đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Lực lượng Cảnh sát khu vực phối hợp ngành, đoàn thể ở cơ sở chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình để kịp thời có biện pháp khuyên răn chấm dứt hành vi, hạn chế, ngăn chặn những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/giai-phap-nao-ngan-chan-tham-kich-gia-dinh-post530572.antd