Giải pháp nào phát triển mạnh du lịch văn hóa?

Diễn đàn du lịch năm 2023 với chủ đề 'Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam' đã tập trung làm rõ vai trò văn hóa và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa Việt Nam thời gian tới.

Toàn cảnh diễn đàn đàn du lịch năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” . Ảnh: Hằng Trần

Diễn đàn du lịch năm 2023 với chủ đề “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức diễn sáng ngày 14/4 tại Hà Nội. Đây là hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm.

Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nêu rỗ, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch.

Vì vậy, du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài cũng như phát triển du lịch nội địa.

Tại Hội nghị toàn quốc về du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15-3-2023 vừa qua, nhiều vấn đề quan trọng, mang tính định hướng của toàn ngành đã được đưa ra bàn luận, đánh giá, nhìn nhận theo đa chiều; trong đó, có vấn đề phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam gắn với khai thác hiệu quả, bền vững các giá trị văn hóa, truyền thống, hiện đại của dân tộc.

Ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2767/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20 - 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - ông Vũ Thế Bình cũng nêu thông tin, du lịch trước đây được coi là một hoạt động liên quan đến giải trí và tách biệt với cuộc sống hàng ngày và văn hóa của người dân địa phương. Đến năm 1980 trở đi, quan hệ Văn hóa - du lịch đã thay đổi nhanh chóng, vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch và tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến đã rõ ràng hơn và tài nguyên văn hóa đã được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương.

Do vậy, sự liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc, xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa của mỗi quốc gia.

Vài trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn, vì du lịch văn hóa đã tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ làm tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% - cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Do đó, để thu hút khách du lịch văn hóa, một số quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp (show biểu diễn thực cảnh) kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương.

Ở nước ta, cũng đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam...

Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh "Ký ức Hội An", "Áo dài", "Tinh hoa Bắc Bộ", "Múa rối nước", "À Ố Show". Các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Thời gian qua, du lịch Việt Nam cũng liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2018-2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á", "Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á", "Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á" và "Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á" và là "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới" trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn. Có thể thấy tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch- Tạ Quang Đông tại Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam”. Ảnh: Hằng Trần

Trong diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, vai trò của văn hóa với du lịch, là một tiềm năng mạnh, trụ cột để phát triển du lịch bền vững. Việt Nam khai thác du lịch một cách hiệu quả dựa trên những gì đang có, Bộ thấy rằng còn nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển.

Hai sự kiện tới đây mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịc sẽ làm đó là cùng Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam xây dựng chương trình “Việt Nam huyền sử ca”, dễ thưởng thức, dễ lan tỏa, đưa những cái mới nhất của công nghệ vào; tính giáo dục; tính thẩm mỹ, nằm trong tổng thể để chương trình thu hút được khách; Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023.

Bộ cũng sẽ tổ chức hội nghị cùng chủ đề tại Khánh Hòa, đề cập đến mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực du lịch - điện ảnh, quảng bá trực tiếp các sản phẩm du lịch khách sạn gắn với điện ảnh, để các phim Việt Nam quảng bá ra nước ngoài có thương hiệu du lịch Việt Nam. Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong năm 2023...

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút khách, làm nổi bật các giá trị văn hóa Việt Nam. Bà Lê Thị Thu Trang, Giám đốc khối quản lý điểm đến SGO DMC, Công ty SGO Travel giới thiệu Tour du lịch: Theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông, trải nghiệm văn hóa làng nghề, miệt vườn ở Lục Ngạn (Bắc Giang), thử làm người quan họ ở Thổ Hà (Bắc Giang)...

Còn bà Nguyễn Thị Định, Phó trưởng phòng Giáo dục, Công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu mô hình du lịch văn hóa thông qua các tư liệu và hiện vật của bảo tàng như tour Bác Cổ mùa hoa gạo, Thanh âm Đồng Cổ; ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup giới thiệu cách tiếp cận giá trị di sản văn hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển.../.

Hằng Trần/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-nao-phat-trien-manh-du-lich-van-hoa/287880.html