Giải pháp nào xử lý lệnh không vào được hệ thống của HOSE?

Về hiện tượng nhiều lần lệnh không vào được hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thời gian qua dẫn đến chưa được ghi nhận và xử lý, HOSE cho biết đã có giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn xử lý vấn đề này.

Về hiện tượng nhiều lần lệnh không vào được hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) thời gian qua dẫn đến chưa được ghi nhận và xử lý, HOSE cho biết đã có giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn xử lý vấn đề này.

LỆNH VÀ TIỀN TĂNG VỌT

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách BĐH HOSE mặc dù ghi nhận sự "nghẽn" lệnh tại cổng tiếp nhận của hệ thống, nhưng tới thời điểm này, hệ thống thực hiện khớp lệnh trong những phiên vừa qua không xảy ra sai sót.

“Lệnh vào hệ thống của HOSE vẫn được ghi nhận xử lý và trả kết quả chính xác, đầy đủ, sau đó chuyển sang Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Kết quả khớp lệnh giữa Sở và các CTCK không hề có sự chênh lệch dù là nhỏ nhất” - ông Nguyễn Vũ Quang Trung khẳng định.

Vị lãnh đạo của HOSE cũng cho biết HOSE đã chủ động tìm hiểu và phối hợp với đối tác để gấp rút phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, để có thể chia sẻ cụ thể về nguyên nhân chính xác thì cần thêm thời gian để có đủ dữ liệu để các chuyên gia phân tích chuyên sâu.

“Tuy nhiên, qua xác định bước đầu, nguyên nhân nghẽn lệnh truyền từ các CTCK vào hệ thống của HOSE là do số lượng lệnh giao dịch tăng nhanh khi số nhà đầu tư tăng, số tài khoản tăng, số cổ phiếu và chứng khoán mới gia nhập thị trường lớn, cùng với khả năng các robot được sử dụng để đặt lệnh. Đây là hiện tượng khá bất ngờ, khó dự kiến chính xác khi tốc độ tăng trưởng tính bằng lần của TTCK Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” - ông Nguyễn Vũ Quang Trung khẳng định.

Theo số liệu của top 20 công ty chứng khoán hàng đầu, số lượng lệnh từ đầu năm đến nay tăng 3-12 lần so với năm trước.

Từ đầu tháng 12, lượng giao dịch trên HOSE tăng đột biến, thường xuyên đạt trên 500 triệu cổ phần, với giá trị giao dịch khớp lệnh trực tiếp vượt 10.000 tỷ đồng/phiên. Một số phiên giao dịch, khối lượng giao dịch vọt lên rất cao, chẳng hạn phiên 23-12 gần 770 triệu cổ phiếu khớp lệnh, với giá trị giao dịch đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Trước đó, phiên ngày 22-12 cũng có 720 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị giao dịch vượt 14.000 tỷ. Phiên ngày 23-12, khối lượng giao dịch đã gần 680 triệu cổ phiếu. Phiên 24-12, dù trục trặc phiên chiều nhưng khối lượng khớp lệnh vẫn lên tới 757 triệu cổ phiếu, giá trị vượt 14.180 tỷ đồng trên HOSE.

Bên cạnh đó, việc một số công ty chứng khoán sử dụng phần mềm giao dịch tự đồng, thuật toán (robot) cũng có thể khiến số lượng lệnh tăng đột biến và không thể kiểm soát.

“Về mặt kỹ thuật, HOSE đã và đang phối hợp làm rõ, trước mắt có thể do cơ chế tự bảo vệ của hệ thống được kích hoạt khi có quá nhiều lệnh tham gia giao dịch, trong đó bao gồm cả các lệnh sửa hủy, nhằm bảo vệ an toàn chung cho hệ thống giao dịch toàn thị trường. Dù vậy, để khẳng định chính xác, chúng ta cần thêm thời gian, để có đủ dữ liệu và chuyên môn phân tích” - ông Nguyễn Vũ Quang Trung chia sẻ.

BẢO ĐẢM AN TOÀN HỆ THỐNG CHUNG

Lãnh đạo của HOSE cho biết, trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát bệnh dịch tốt và duy trì tốt tăng trưởng kinh tế, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tài chính - UBCKNN, HOSE và các đơn vị hữu quan cam kết đặt quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt hệ thống mới nhằm giải quyết dứt điểm tình huống hiện tại.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung cũng bảy tỏ mong muốn, nhận được sự thông cảm và chia sẻ của cộng đồng nhà đầu tư do trong thời gian trước mắt, dù không mong muốn, nhưng hiện tượng này có thể còn tiếp diễn trong điều kiện dòng tiền vào đang rất mạnh.

“Cũng giống như hậu quả của đại dịch Covid 19, chúng ta đều phải làm quen với trạng thái “bình thường mới”. Giá trị giao dịch gia tăng mạnh mẽ với tốc độ nhanh đưa mặt bằng thanh khoản lên một mức cao chưa từng có cũng đang đặt TTCK vào một trạng thái “bình thường mới”, cần có thêm thời gian và nỗ lực của các bên để tìm kiếm giải pháp nhằm mang đến sự ổn định cho phát triển” - Phó Tổng Giám đốc phụ trách BĐH HOSE nói.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, trong thời gian này, việc bảo đảm an toàn hệ thống chung là yêu cầu số 1 của cơ quan vận hành thị trường. Các bộ phận chuyên môn và các chuyên gia gần như túc trực 24/24 để theo dõi, giám sát, đảm bảo tốt nhất có thể trong việc giải quyết các phát sinh nếu có. HOSE và các CTCK, nhất là các CTCK có nhiều khách hàng phối hợp chặt chẽ để có thể phục vụ tốt nhất có thể nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.

 Ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách BĐH HOSE.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc phụ trách BĐH HOSE.

LÔ 100 VÀ HỆ THỐNG MỚI

Trong ngắn hạn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách BĐH HOSE cho biết, HOSE, VSD và các CTCK cũng đang triển khai áp dụng giao dịch lô chẵn lên 100 chứng khoán ngay trong tháng 1-2021, vừa để làm quen với quy định trong hệ thống mới, vừa để giảm tải cho hệ thống hiện tại.

Đồng thời vị lãnh đạo của HOSE cũng bảy tỏ hy vọng trong ngắn hạn khi áp dụng lệnh lô chẵn 100 sẽ phần nào giảm bớt áp lực cho hệ thống, hạn chế việc bị nghẽn đường truyền, điều tiết được số lượng lệnh của nhà đầu tư trong thời gian này.

Còn về dài hạn, HOSE cho biết đang phối hợp tích cực với các đơn vị thụ hưởng (HNX, VSD) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường.

“Bộ Tài chính, UBCKNN cũng vừa kiên quyết yêu cầu về tiến độ, vừa tạo điều kiện để triển khai nhanh nhất có thể để đưa hệ thống này vào hoạt động” - ông Nguyễn Vũ Quang Trung chia sẻ.

“Như chúng ta đã biết, hệ thống công nghệ mới đã được dày công chuẩn bị khá lâu và lẽ ra đã được đưa vào hoạt động để phục vụ thị trường trong năm 2020. Tuy nhiên, đáng tiếc do đại dịch Covid-19 bùng phát, nên các chuyên gia của nhà thầu đến từ Hàn Quốc và Liên bang Nga không thể qua Việt Nam được để triển khai do giãn cách xã hội tại các quốc gia, hạn chế nhập cảnh, nên dự án đã không kịp hoàn tất trong 2020. Hiện nay, các cơ quan hữu quan đã tạo điều kiện để các chuyên gia đến Việt Nam hoàn tất công tác lắp đặt triển khai thiết bị và chuẩn bị kiểm thử” - Phó Tổng Giám đốc phụ trách BĐH HOSE nói.

“Theo kế hoạch, việc kiểm thử sẽ bắt đầu ngay trước Tết Nguyên đán và kéo dài nhiều tháng trước khi đưa vào nghiệm thu chính thức. Hệ thống công nghệ thông tin mới được đưa vào hoạt động sẽ giải quyết dứt điểm các hạn chế của hệ thống hiện tại và mang lại nhiều tính năng mới để đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, của doanh nghiệp và của cơ quan quản lý” - ông Nguyễn Vũ Quang Trung khẳng định.

GIANG KHÔI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chungkhoan-thitruong/giai-phap-nao-xu-ly-lenh-khong-vao-duoc-he-thong-cua-hose--629535/