Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ở tỉnh Hải Dương

Kinh tế tư nhân ở nước ta được xác định là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, tồn tại dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân, hoạt động ở tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Trong những năm qua, kinh tế tư nhân ở tỉnh Hải Dương đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh Hải Dương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển mạnh các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của kinh tế tư nhân.

Tỉnh Hải Dương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển mạnh các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của kinh tế tư nhân.

Thành tựu và vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế tư nhân ở tỉnh Hải Dương

Nhận thức rõ vai trò của kinh tế tư nhân, Đảng ta đã có chủ trương mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Chủ trương nhất quán về phát triển kinh tế tư nhân được thể hiện sâu sắc trong Nghị quyết số 10-NQ/TW (ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

Nghị quyết khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tiếp đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Theo đó, hệ thống thể chế chính sách từng bước được hoàn thiện, tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Trong những năm qua, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tỉnh Hải Dương đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, đặc thù, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, hấp dẫn, đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN nói chung, doanh nghiệp (DN) tư nhân nói riêng như: Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 quy định một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới DN trên địa bàn tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2019 - 2022; Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 19/8/2021 về việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025; Chương trình kết nối ngân hàng - DN, ưu tiên vốn tín dụng cho các DN nhỏ và vừa; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ đào tạo lao động…

Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân, nên số DN tư nhân đã không ngừng phát triển qua các năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn Tỉnh đã có 7.660 DN thành lập mới, tăng bình quân 10,2%/năm. Riêng năm 2022, toàn tỉnh Hải Dương có 1.600 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 17.500 tỷ đồng, tăng 11,4% về số DN so với năm 2021.

Đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 17.866 DN với tổng vốn đăng ký trên 207,8 nghìn tỷ đồng. Năm 2022, kinh tế tư nhân đã đóng khoảng 49,8% vào GRDP của Tỉnh, 58% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 45% ngân sách nhà nước, giải quyết trên 78% số việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn Tỉnh...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, phát triển kinh tế tư nhân ở Hải Dương còn một số hạn chế, bất cập sau:

Một là, số lượng DN tư nhân tăng nhanh nhưng phần lớn DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng suất lao động thấp. Theo số liệu thống kê DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 96,3% tổng số DN toàn Tỉnh. Thành phần tham gia trong khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là các DN nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, sử dụng nhiều lao động, nên năng suất lao động không cao, năng lực sản xuất còn hạn chế...

Hai là, năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân còn hạn chế. Do quy mô nhỏ nên rất nhiều DN trong tỉnh chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời, năng lực quản trị và hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân.

Ba là, trình độ lao động của các DN còn thấp. Do đó, DN khó tiếp thu được những tiến bộ khoa học, năng suất lao động không cao. Ngoài ra, DN tư nhân thiếu ổn định, tỷ lệ lao động học việc chiếm tỷ lệ cao, vi phạm chế độ lao động trong việc trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, ngày giờ làm việc,…

Bốn là, trình độ công nghệ của một bộ phận DN còn lạc hậu. Quy mô nhỏ, vốn ít nên hầu hết các DN tư nhân chưa đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong, chưa quan tâm đến đổi mới sáng tạo.

Những hạn chế, bất cập trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đặc biệt là: Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn bất cập, thiếu đồng bộ; mặc dù môi trường kinh doanh của Tỉnh đã được cải thiện nhiều trong những năm qua, song vẫn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước có mặt còn hạn chế. Xuất phát điểm phát triển và năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn thấp, trình độ khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Giải pháp phát triển bền vững kinh tế tư nhân trong thời gian tới

Thời gian tới, để thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng GRDP 9% giai đoạn 2021-2025; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800 USD), cần tiếp tục khơi dậy, phát huy động lực mạnh mẽ từ thành phần kinh tế tư nhân trên địa bàn Tỉnh. Theo đó, Hải Dương cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Cơ chế, chính sách kinh tế có vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế tư nhân. Do đó, để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, trước hết, tỉnh Hải Dương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển mạnh các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của kinh tế tư nhân phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất. Hải Dương cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tiếp cận tài chính, đất đai, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng, thị trường... Cơ chế, chính sách hỗ trợ cần tập trung ưu tiên cho các DN khởi nghiệp, DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ một số lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn của Tỉnh.

Hai là, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Môi trường đầu tư kinh doanh có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân. Môi trường đầu tư, kinh doanh tốt phải đảm bảo thể chế kinh tế được thực hiện đúng, đầy đủ; cạnh tranh bình đẳng; không tạo ra rào cản, đảm bảo thông thoáng, công khai, minh bạch không làm tăng chi phí cho DN; thường xuyên quan tâm, xây dựng quan hệ thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cao nhất cho DN theo đúng pháp luật. Đây là giải pháp mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế tư nhân.

Để thực hiện giải pháp này, Tỉnh cần chú trọng một số nội dung sau: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cắt giảm tối đa chi phí và thời gian cho DN, xóa bỏ các chi phí không chính thức khi gia nhập thị trường và vận hành DN; Tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Tỉnh cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, loại bỏ các rào cản không cần thiết, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh tế tư nhân; Phát triển đầy đủ, đồng bộ, hiện đại các loại thị trường; Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Ba là, tăng cường hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là giải pháp mang tính đột phá tạo sự phát triển về chất lượng của kinh tế tư nhân. Để thực hiện giải pháp này, Tỉnh cần tăng cường khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới, sáng tạo và áp dụng hệ thống quản lý năng suất, chất lượng sản phẩm tiên tiến, hiện đại; Hỗ trợ các DN, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận các phương pháp và các công cụ tốt nhất về kinh doanh trực tuyến để tìm kiếm thông tin thị trường, ngành hàng tiềm năng và các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó, các DN định hướng và xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân. Nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nhằm tạo ra và phát huy những lợi thế trong sản xuất - kinh doanh của DN nói chung, DN tư nhân nói riêng. Để phát triển nhanh, bền vững nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Tỉnh cần lưu ý: Phát triển nguồn nhân lực cần gắn với những yêu cầu phát triển khoa học - công nghệ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra; Phát triển nguồn nhân lực trong DN tư nhân cần gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Tỉnh; Phát triển nguồn nhân lực cần gắn với cơ cấu lại hệ thống DN tư nhân; Đổi mới hệ thống chương trình đào tạo nhân lực theo hướng gắn với nhu cầu thị trường lao động; gắn việc “học với hành”; xây dựng các cơ chế tài chính đặc thù, phù hợp để huy động các nguồn lực của xã hội. Bên cạnh đó, Hải Dương cần đẩy mạnh việc bố trí lao động đúng người, đúng việc, đánh giá đúng khả năng và kết quả của người lao động, trả lương, thưởng đúng theo năng lực của người lao động …

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn Tỉnh. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân, Tỉnh cần chú trọng: Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với phát triển kinh tế tư nhân; Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với kinh tế tư nhân; Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực; thực hiện cải cách chế độ, chính sách tiền lương; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong phục vụ DN, người dân.

Kinh tế tư nhân ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm cho kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế của Tỉnh.

Sáu là, đẩy mạnh triển kết cấu hạ tầng. Tỉnh cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công; phân bổ nguồn lực đầu tư công theo hướng bố trí cho các công trình hạ tầng quan trọng, liên vùng, có tính then chốt và sức lan tỏa trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa cho các lĩnh vực hạ tầng khác. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương nhằm tranh thủ tối đa các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Ban Quản lý các cụm công nghiệp phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tập trung bố trí vốn hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu kinh tế, các khu công nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

Ban Kinh tế Trung ương, Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017;Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, H. Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2017;Đảng Cộng sản Việt Nam Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, H. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr.240;Nghị quyết Số: 09/2020/NQ-HĐND ngày 24/12/2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVI về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025;Tổng cục Thống kê, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, H. Nxb Thống kê, 2022;Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê tỉnh Hải Dương năm 2021, H. Nxb Thống kê, 2022;Tổng cục Thống kê, Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022 tỉnh Hải Dương;Phan Thế Công & Lý Thị Huệ. (2020). Nhà nước kiến tạo thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân - Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Quản lý Nhà nước, số 291, tr.19-24. ISSN: 2354-0761.

Nguyễn Trọng Xuân, Phùng Mạnh Cường, Đỗ Văn Trịnh, Nguyễn Đức Lượng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/giai-phap-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-o-tinh-hai-duong.html