Giải pháp phát triển sản xuất chanh leo bền vững

Chanh leo đang trở thành cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều nông dân và doanh nghiệp trong cả nước.

Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất chanh leo bền vững diễn ra tại Gia Lai

Ngày 3/7, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất chanh leo bền vững”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh dự và chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tổng diện tích chanh leo cả nước đến cuối năm 2019 đạt khoảng 10,5 nghìn ha; Tổng sản lượng quả tươi ước đạt 222,3 nghìn tấn; Năng suất chanh leo bình quân cả nước đạt 20,32 tấn/ha, trong đó vùng Tây Nguyên đạt bình quân 26,1 tấn/ha, cá biệt có các mô hình đạt 70 - 100 tấn/ha.

Hiện chanh leo đứng vị trí thứ 17 trong số các loài cây ăn quả có quy mô diện tích sản xuất lớn trên 10 nghìn ha ở nước ta. Trong đó, 5 tỉnh sản xuất lớn nhất gồm Gia Lai, Sơn La, Đăk Nông, Lâm Đồng và Đăk Lăk với tổng cộng 9.060 ha, chiếm hơn 86,3% diện tích chanh leo cả nước.

Doveco tiên phong sử dụng thiết bị không người lái để chăm sóc chanh leo

Giống chanh leo trong sản xuất hiện nay chủ yếu là giống quả tím Đài nông 1 (LPH04), chiếm hơn 95% diện tích. Giống được công nhận chính thức cho sản xuất tại vùng Tây Nguyên và các tỉnh vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ theo Quyết định số 4538/QĐ-BNN-TT ngày 05/11/2015 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

Để phục vụ sản xuất trong nước, hiện nay một số đơn vị như Nafoods Group, Doveco... đang đầu tư vườn ươm nhân giống tại Nghệ An, Gia Lai để chủ động cung ứng cây giống cho sản xuất với năng lực sản xuất hàng triệu cây giống/năm.

Uớc tính, với nhu cầu trồng mới, trồng thay thế giống chanh leo hàng năm hiện nay khoảng 5.000 ha, do vậy yêu cầu cây giống khoảng 4,5 - 5 triệu cây/năm. Tuy nhiên, hiện các cơ sở sản xuất chưa đáp ứng đủ nguồn giống phục vụ nhu cầu trong nước.

Nhiều doanh nghiệp chú trọng đến khâu chế biến chanh leo hướng đến xuất khẩu

Cũng theo Cục Trồng trọt, quả chanh leo chủ yếu được sơ chế dưới dạng dịch quả cất đông. Theo đó, các đơn vị đã đầu tư nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ tiên tiến, năng lực chế biến hàng trăm nghìn tấn chanh leo quả tươi/năm.

Sản phẩm chế biến chủ yếu là nước ép cô đặc, đông lạnh, sấy dẻo. Thị trường tiêu thụ, xuất khẩu chanh leo được mở rộng tới trên 50 nước, chủ yếu là Mỹ, EU, Đài Loan, Hồng Kông và các nước Trung Đông… một phần nhỏ chế biến nước giải khát tiêu thụ trong nuớc.

Bên cạnh những mặt đạt được, việc trồng và chế biến chanh leo ở nước ta còn nhiều hạn chế. Cụ thể, chanh leo chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đầy đủ về giống và kỹ thuật canh tác; cây chanh leo trồng dễ bị các loại dịch hại tấn công, trong khi quy trình canh tác, thực hành nông nghiệp tốt chưa được áp dụng phổ biến đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Ngoài ra, giá cả chanh leo chưa ổn định, bấp bênh, ảnh hưởng tâm lý, hiệu quả đầu tư và thu nhập của người sản xuất.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo đưa ra phương hướng phát triển chanh leo bền vững

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Lê Quốc Doanh cho rằng, để chanh leo phát triển sản xuất bền vững thì quy mô, diện tích trồng phải phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, địa bàn trồng và sản xuất phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai, truyền thống canh tác của các địa phương.

Định hướng trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương để xây dựng đề án phát triển cây chanh leo. Trong đó, có quy hoạch diện tích, vùng phát triển cây chanh leo, đưa ra quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây chanh leo phù hợp với từng địa phương. Cùng với đó, cần xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về sản xuất cây chanh leo bền vững.

Tuấn Anh - Đăng Lâm

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/giai-phap-phat-trien-san-xuat-chanh-leo-ben-vung-d267633.html